"Siêu kinh điển" hay "Busquets vs. Pepe"?

19:47 Thứ bảy 21/04/2012

Trong dòng tâm trạng háo hức trước trận "Siêu kinh điển" mà nhiều chuyên gia cho rằng là quan trọng nhất trong lịch sử, sẽ có người dừng lại và lo lắng: Liệu Nou Camp đêm nay có bị biến thành võ đài và sân khấu như trước nữa hay không?

Làm nên "Siêu kinh điển" có hai yếu tố. Thứ nhất là chất lượng của những người tham gia. Không ai tung hô một trận đấu tới tầm "Siêu kinh điển" nếu đó không phải là cuộc đọ tài giữa những ngôi sao hàng đầu thế giới. Và thứ hai là sự thù địch. Dù có cố giải thích câu chuyện về "El Clasico" theo cách nào, thì bạn cũng không thể phủ nhận được một thực tế rằng lịch sử hơn 100 năm của "Siêu kinh điển" cũng là lịch sử hơn 100 năm thù hận giữa những người madridista và những người barcelonismo. Thù hận trên sân. Thù hận ngoài sân. Trước trận. Sau trận. Trong trận. Không tranh cãi, không phải là "El Clasico".

Bởi sự thù địch đã trở thành một phần không thể thiếu của "Siêu kinh điển", chúng ta không thể phê phán hay phủ nhận nó. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chưa bao giờ sự thù địch giữa hai đội bóng bị đẩy tới một giới hạn kinh khủng như hiện tại. Tới mức người ta sợ rằng các cầu thủ Tây Ban Nha trong đội hình hai đội sẽ không thèm nhìn mặt nhau, nói gì tới chuyền bóng và hỗ trợ nhau, khi đội tuyển tập trung trở lại. Đó đích thực là "hiệu ứng Mourinho". HLV người BĐN có thể được xem là chuyên gia trong "lĩnh vực" đẩy cảm xúc của những người xung quanh lên mức cực đại. Trong khi các cầu thủ Real rõ ràng đang xem mọi trận "Siêu kinh điển" như trận chiến cuối cùng, chính người Barca cũng phải thừa nhận sự xuất hiện của Mourinho ở Bernabeu đã trở thành động lực to lớn, để họ không ngủ quên trên vinh quang.


Nhưng cái gì quá cũng không ổn. Máu lửa quá càng không ổn. Khi sự thù hận bị đẩy quá giới hạn cho phép, "Siêu kinh điển" trở thành nơi phô bày tất cả những gì xấu xí nhất của hai đội bóng. Không có trận nào là không có những pha bóng bạo lực. Không có trận nào là không có cảnh cầu thủ hai đội quây lấy nhau, quây lấy trọng tài. Không có trận nào thiếu những tình huống đóng kịch mà ngay cả CĐV nhà chứng kiến cũng lấy làm xấu hổ. Không có trận nào kết thúc với những cái bắt tay thân thiện giữa HLV và cầu thủ hai bên; ngược lại, những "cuộc chiến" ngoài sân sau trận mới thực sự làm nên "bản sắc" El Clasico thời hiện đại. Tinh thần thể thao mã thượng gần như đã không còn tồn tại ở "Siêu kinh điển".

Những trận "Siêu kinh điển" thời Mourinho, tóm lại, là những trận đấu giữa những Pepe và những Busquets. Một bên là hung thần, kẻ có thể làm tất cả, kể cả những chuyện xấu xa tệ hại nhất như vào bóng triệt hạ, đạp vào đầu, giẫm lên tay đối thủ..., để giành lợi thế cho bản thân và cho đội bóng của anh ta. Một bên là siêu kịch sỹ, người có thể bất chấp liêm sỉ để ngã vật ra sân ôm mặt đau đớn dù chỉ bị quẹt nhẹ vào... vai, cũng là người luôn có mặt đầu tiên bên trọng tài mỗi khi đối phương phạm lỗi và lèm bèm cho tới khi nào trọng tài rút thẻ thì mới chịu rút lui. Một bên sẵn sàng bóp cổ, móc mắt đối phương cho... bõ tức. Một bên mỉa mai, khiêu khích, giấu bóng, cho tới khi đối phương... phát tức mới thôi.

Tất nhiên, chúng ta đều hiểu mỗi trận "Siêu kinh điển" đã thoát ra khuôn khổ một trận đấu bình thường. Kết quả của nó có thể đánh dấu chấm hết cho sự nghiệp của một HLV, một ông Chủ tịch, hay thậm chí cả một triều đại (đó là lý do người ta nói rằng đây là trận El Clasico quan trọng nhất lịch sử, vì nếu Barca không thắng, triều đại huy hoàng của Pep Guardiola có thể chính thức sụp đổ). Khi chiến thắng là tất cả, người ta có thể bỏ đi những giá trị khác. Người Madrid biết rằng họ phải đá rát, đá xấu mới hạn chế được tiqui-taca của đối thủ. Người Barca biết rằng họ phải ăn vạ, phải gây sức ép lên trọng tài mới mong tự bảo vệ được bản thân trước đòn thù của đối phương.

Nhưng nếu cứ để phần thù địch lấn át phần chuyên môn thế này, e rằng trong những ngày trước Siêu kinh điển, cảm giác háo hức, chờ đợi sẽ phải nhường chỗ cho sự chán ngán...
Việt Cường | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục