Siêu dự bị: Nỗi nhớ của Quỷ Đỏ

20:51 Thứ bảy 03/01/2015

(TinTheThao.com.vn) - Tại vòng 20 Ngoại hạng Anh, Man United tiếp tục bị cầm chân bởi Stoke City. Trận hòa thứ hai liên tiếp đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng bám đuổi Chelsea và Man City của Quỷ Đỏ. Trong những trận hòa kiểu này, bỗng nhiên người ta nhớ đến những “siêu dự bị” đã từng thi đấu cho MU.

Ole Gunnar Solskjaer – Siêu dự bị vĩ đại của Man.United - Ảnh Internet

Trong suốt kỷ nguyên thành công, đặc biệt trong những năm MU vô địch giải Ngoại hạng Anh gần đây, người ta đều nhận thấy một điều, bên cạnh sức mạnh có từ sự ổn định, đội chủ sân Old Trafford còn có được sự đồng hành của may mắn. Không thể kể hết bao nhiêu trận đấu mà Man United có được 3 điểm ở những phút cuối cùng bằng những bàn thắng mà người ta chỉ có thể giải thích là...quá đỏ. Chủ nhân của những bàn thắng phút cuối ấy không ai khác ngoài những “Siêu dự bị”.

“Siêu dự bị” là một khái niệm để chỉ những kiểu cầu thủ mà vị trí của họ chủ yếu ở trên băng ghế dự bị nhưng một khi được tung vào sân, họ sẽ tạo nên những điều bất ngờ mang tính quyết định kết quả của trận đấu. Các HLV thường tung các “siêu dự bị” vào sân khi trận đấu đang ở thế bế tắc.

Xét từ khái niệm trên, người đầu tiên được nhắc tới của Man.United, chắc chắn rồi: Ole Gunnar Solskjaer. Bàn thắng đầu tiên cho MU của Solskjaer được thực hiện sau 6 phút khi ông được tung vào sân thay David May trong trận gặp Blackburn Rovers (một đội bóng rất mạnh tại giải Ngoại hạng Anh thời điểm đó) tại mùa giải 1996 – 1997. Kết thúc mùa giải năm đó, cầu thủ người Na Uy có được 18 bàn thắng cho đoàn quân của HLV A.Ferguson. Biệt danh “sát thủ có khuôn mặt trẻ thơ” được gán ngay cho ông bởi khuôn mặt “búng ra sữa” nhưng khả năng săn bàn hoàn thiện đến chết người.

Nhưng sẽ đúng hơn nếu gọi ông là một “siêu dự bị” bởi rất nhiều bàn thắng trong màu áo Quỷ Đỏ được ông thực hiện sau khi được tung vào sân từ băng ghế dự bị và đa số trong đó có tính chất cực kỳ quan trọng. Một trong những bàn thắng quan trọng nhất mà Ole lập công trong sự nghiệp cầu thủ của mình chính là bàn thắng ấn định chiến thắng 2 -1 cho MU trong trận chung kết UEFA Champions League 1999 trước Bayern Muich vào những phút bù giờ cuối cùng.

Trong suốt phần lớn sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của mình, Solskjaer đã không biết bao nhiêu lần “cứu” MU khỏi thua hoặc giúp Quỷ Đỏ giành thắng lợi bởi những bàn thắng khi vào sân thay người của mình.

Những đóng góp mang tính chất định đoạt trận đấu của một “siêu dự bị” không chỉ hạn chế trong khâu ghi những bàn quan trọng mà còn thể hiện ở những đóng góp khác cho đội bóng. Trong trận đấu với Newcastle mùa giải 1998, khi trận đấu đang có tỉ số 1-1, và Man United cần ít nhất một trận hòa để theo kịp Arsenal trong cuộc chạy đua cho danh hiệu vô địch giải Ngoại hạng Anh. Vào những phút cuối cùng, Robert Lee của Newcastle đã có một cơ hội ghi bàn tuyệt vời, thấy vậy Solskjaer chạy băng từ phần sân bên kia về để thực hiện một pha phạm lỗi cứu nguy cho M.U, do đó Newcastle đã không thể dành một trận thắng.

Solskjaer đã làm điều này khi biết chắc chắn rằng mình sẽ bị phạt thẻ đỏ. Những người yêu mến MU mãi mãi coi đây là một hành động cao cả của tiền đạo người Na Uy khi ông đã hy sinh quyền lợi cá nhân cho lợi ích CLB.  

Ole Gunnar Solskjaer không chỉ được Manucians yêu mến bởi những đóng góp cho CLB mà còn vì lòng trung thành của ông. Với tài năng của mình, Solskjaer hoàn toàn có thể có được vị trí chính thức nếu ông chuyển tới một đội bóng khác. Và trên thực tế, rất nhiều CLB đã để ý đến ông. Năm 1998, thậm chí khi MU đã chấp nhận giá chuyển nhượng mà Tottenham Hotspur đưa ra để đổi lấy sự phục vụ của “siêu dự bị” này nhưng Ole vẫn quyết định ở lại Old Trafford.

Trong suốt hơn 10 năm tận tụy cống hiến cho MU (1996 – 2008), Solskjaer đã gặt hái được vô số thành công cùng đội bóng, đây cũng là giai đoạn thành công nhất của CLB và trong những thành công đó, vai trò của “siêu dự bị” người Na Uy là không hề nhỏ. 91 bàn thắng sau 235 lần ra sân trong sắc đỏ thành Manchester đã minh chứng điều đó.

Sau mùa giải 2009 -2010 không thành công khi MU để rơi chức vô địch vào tay Chelsea, MU quyết định chiêu mộ một chân sút vô danh vào thời điểm đó: Javier Hernandez, sau này được biết đến nhiều hơn với biệt danh: Chicharito.

Ngay mùa giải đầu tiên gia nhập Old Trafford, Chicharito đã có những đóng góp nhất định giúp MU giành lại ngôi vương tại giải Ngoại hạng Anh mùa bóng 2010 – 2011. Ở mùa giải này, Chicharito cùng với Rooney, Berbatov là những chân sút chính của Quỷ Đỏ. Anh tiếp tục được Sir Alex sử dụng nhiều ở mùa giải sau đó.

Tuy nhiên, bước vào mùa giải 2012 – 2013, với sự xuất hiện của Van Persie, cơ hội ra sân của Hạt đậu nhỏ bắt đầu thưa dần. Mặc dù vậy, chân sút người Mexico vẫn không bỏ cuộc. Chính điều này bắt đầu tạo nên một phẩm chất mới trong Chicharito: “Siêu dự bị”.

Chicharito – Siêu dự bị hoàn hảo của Man.United - Ảnh Internet

Mặc dù không được sử dụng thường xuyên, phần lớn những trận đấu xuất hiện lại ra sân từ băng ghế dự bị nhưng Chicharito vẫn đóng góp bàn thắng cho MU và đa phần đều là những pha lập công vào thời điểm cực kỳ quan trọng. Tại vòng 9 Premier League 2012 – 2013, MU có trận đấu vô cùng quan trọng gặp đối thủ cạnh tranh trực tiếp Chelsea. Khi tỷ số đang là 2 – 2, phút 65 Chicharito được tung vào sân (thay Cleverley) và anh đã có bàn thắng ấn định chiến thắng 3-2 cho Quỷ Đỏ vào những phút cuối cùng của trận đấu.

Ở trận đấu sau đó gặp Aston Villa, Chicharito tiếp tục tỏa sảng với cú đúp sau khi vào sân thay người giúp MU có cú lội ngược dòng ngoạn mục sau khi bị đối thủ dẫn trước 2 bàn đến tận nửa cuối hiệp 2. Những bàn thắng như vậy của tiền đạo người Mexico đã song hành cùng MU suốt  mùa giải năm đó. Xét trên khía cạnh bàn thắng, thì lối chơi của tiền đạo người Mexico thậm chí còn khiến anh nguy hiểm hơn Van Persie hay Rooney. Ngay cả khi có rất ít bóng, thậm chí là biến mất hoàn toàn trên sân, Chicharito vẫn có thể ghi bàn. Thậm chí, khi anh mất hút khỏi các ống kính truyền hình, đó là lúc chân sút người Mexico nguy hiểm nhất. Chức vô địch thứ 20 trong lịch sử CLB đã giúp Man.United trở thành đội bóng vĩ đại nhất nước Anh. Trong thành công năm đó, những đóng góp của “Siêu dự bị” Chicharito là vô cùng cụ thể.

Một đặc điểm kỳ lạ của Chicharito trong mùa giải 2012 – 2013, đó là anh chỉ tỏa sáng khi vào sân từ băng ghế dự bị và trong bối cảnh MU đang bế tắc. Sau những sự thể hiện xuất sắc khi vào sân thay người, Sir Alex Ferguson đã tạo cơ hội đá chính cho Hạt đậu nhỏ ở một số trận nhưng ở những lần ấy, chân sút người Mexico đều không thể hiện được nhiều ngay cả khi đội bóng gặp khó khăn. Hai trận trước Nowich và Galatasaray năm đó là những ví dụ cụ thể. Cả hai trận này, MU đều thua 0 – 1 và Chicharito xuất phát ngay từ đầu. Có vẻ như cái “duyên” của một “siêu dự bị”  đã được mặc định trong anh một cách tuyệt đối.

Mặc dù không được sử dụng thường xuyên như Persie hay Rooney nhưng Hạt đậu nhỏ vẫn hài lòng với những đóng góp trong vai trò một “siêu dự bị” cho CLB. Chicharito trả lời phỏng vấn trang ESPN: “Tất nhiên là tất cả các cầu thủ trên thế giới đều muốn được ra sân từ đầu hàng tuần. Nhưng đội bóng có khoảng 23 người và chỉ 11 trong số đó được đá chính. Vì thế, thay vì ra sân ngay từ đầu, đôi lúc bạn cũng phải chấp nhận ngồi trên ghế dự bị”. Một phong cách rất chuyên nghiệp và cũng thể hiện được tình yêu mà Chicharito dành cho MU.

Những trận đấu chiến thắng nghẹt thở của Man United đã tạo nên sự vỡ òa trong sung sướng cho hàng triệu người hâm mộ. Nó là chất gia vị quan trọng để bổ sung vào những thành công vĩ đại của đội chủ sân Old Trafford. Và như một phần của đội bóng, các “siêu dự bị” là những yếu tố không thể thiếu của MU trong ánh hào quang đó. Họ đã tạo nên cho đội bóng nước Anh một nét đặc trưng riêng mà người ta vẫn thường nói: Đã hay lại còn may.

Ở mùa giải 2013 – 2014, tân HLV của MU khi đó là David Moyes đã không tin dùng Hạt đậu nhỏ. Cơ hội ra sân của anh quá hạn chế. Đây là mùa giải thất bại nặng nề của MU nói chung và Chicharito nói riêng. Bước vào mùa giải năm nay, khi những siêu sao tấn công cập bến Old Trafford: Falcao, Di Maria thì Chicharito hiểu rằng cơ hội ra sân của anh gần như sẽ không còn. Anh đã chọn cách ra đi theo một bản hợp đồng cho mượn tới Real Madrid.

Tại mùa giải năm ngoái, MU dù bết bát nhưng chỉ có 7 trận hòa. Ở mùa giải 2012 – 2013, MU đoạt chức vô địch và họ chỉ chia điểm trong 5 trận. Premier League 2011 – 2012, MU về đích với vị trí á quân và họ cũng chỉ hòa 5 trận. Trong khi đó, tỷ số 1-1 trên sân Britannia của Stoke City vừa qua đã là trận hòa thứ 7 và cũng là thứ 2 liên tiếp sau 20 vòng đấu tại Premier League mùa này của Man.United.

Một vấn đề thực sự của đội chủ sân Old Trafford. Quá nhiều trận hòa rõ ràng đã thể hiện sự bế tắc của Quỷ Đỏ và nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng bắt kịp hai đối thủ xếp trên là Man City và Chelsea. Trong bối cảnh đó, không phủ nhận nhiều vấn đề còn tồn tại của đội bóng áo đỏ thành Manchester, nhưng bất giác người ta lại nhớ về những “Siêu dự bị” trong quá khứ của MU.  

(Bạn đọc Lê Nghĩa)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục