Shaq O'Neal là cầu thủ bóng rổ đáng sợ nhất mà NBA từng sản sinh. Sở hữu chiều cao 2,16 m và cân nặng 147 kg, O’Neal thống trị tuyệt đối khu vực dưới bảng rổ khi còn thi đấu.
Tài năng và thể trạng thiên phú giúp O’Neal "oanh tạc" các sân đấu trên khắp nước Mỹ trong giai đoạn cuối thập niên 90 và đầu thế kỷ 21. Ngày ấy, báo chí thế giới tốn rất nhiều "giấy mực" để miêu tả về sự xuất chúng của O’Neal.
Huyền thoại của Los Angeles Lakers còn khiến NBA phải đổi luật nhằm cân bằng giải đấu. O’Neal giải nghệ gần 10 năm, nhưng di sản mà ông để lại cho NBA vẫn còn mãi.
Gã "dị nhân" bóng rổ
O'Neal thực sự là "dị nhân" của NBA nói riêng và bóng rổ nói chung. Trái ngược với quan niệm thường thấy về những cầu thủ cao to có thân hình quá khổ, O'Neal sở hữu sức mạnh và sự linh hoạt hiếm thấy trong chuyển động.
O'Neal tận dụng sự vượt trội về thể hình để tì đè hoặc chiếm vị trí trong các pha đánh cận rổ để ghi điểm. Nói về việc phòng ngự O'Neal trong thời đỉnh cao là sự bất lực khi các đội bóng phải dùng 2-3 người với hy vọng hạn chế sức mạnh của ông.
O'Neal sớm được biết đến với tài năng bóng rổ xuất sắc khi còn là học sinh trung học. Tại trung học Robert G. Cole, O'Neal dẫn dắt đội bóng rổ của trường giành 68 trận thắng trong 2 năm. Trong năm cuối, O'Neal ghi trung bình 32 điểm, 26 rebounds (bắt bóng bật bảng) và 8 blocks (chặn bóng) giúp trung học Robert G. Cole giành chức vô địch bang Texas cùng thành tích 36 trận bất bại.
Sau khi tốt nghiệp trung học, O'Neal đăng ký học kinh doanh tại đại học bang Louisiana. Ông tiếp tục theo đuổi đam mê bóng rổ và ghi trung bình 21,6 điểm, 13,5 rebounds và 4,6 block trong 90 trận sau 3 mùa giải ở NCAA Division 1 (giải bóng rổ sinh viên cấp độ cao nhất nước Mỹ).
Phong độ xuất sắc giúp O'Neal được Orlando Magic chọn ở vị trí đầu tiên trong kỳ NBA Draft 1992. O'Neal lập tức vươn tầm ngôi sao ngay mùa giải tân binh với trung bình 23,4 điểm, đạt hiệu suất ném 56,2%, 13,9 rebounds và 3,5 blocks để nhận danh hiệu Rookie of the Year 1993 (Tân binh của năm). Ông là tân binh đầu tiên góp mặt ở All-Star sau khi Michael Jordan làm được điều tương tự vào năm 1985.
Đỉnh cao trong sự nghiệp của O'Neal chính là giai đoạn thi đấu ở Lakers cùng cố danh thủ Kobe Bryant. Ông là nhân tố chính giúp Lakers giành 3 chức vô địch NBA liên tiếp vào các năm 2000, 2001 và 2002. Danh thủ 48 tuổi cũng là chủ nhân của danh hiệu NBA Finals MVP (Cầu thủ hay nhất loạt trận chung kết) trong cả 3 lần lên ngôi vô địch.
Năm 2006, O'Neal bắt đầu bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp, nhưng vẫn góp công không nhỏ giúp Miami Heat lên ngôi vô địch NBA. Năm 2016, O'Neal góp mặt vào Sảnh danh vọng Naismith Memorial Basketball. Ông kết thúc sự nghiệp với trung bình 23,7 điểm, 10,9 rebounds và 2,3 blocks sau 1207 trận đấu.
Khiến NBA phải đổi luật
O'Neal nổi tiếng với thân hình khổng lồ cùng sức mạnh áp đảo các trung phong còn lại của NBA khi còn thi đấu. Trong 2 mùa giải đầu tiên, O'Neal từng nhiều lần khiến các cột rổ ở NBA phải đổ sụp xuống hoặc gãy sau khi úp rổ uy lực.
Chính vì vậy NBA ra quy định buộc các sân thi đấu phải gia cố và tăng cường độ chịu lực của cột rổ sau mùa giải 1993/94. Sự thay đổi này giúp chất lượng các cột rổ tốt hơn và NBA không phải chứng kiến O'Neal phá hỏng rổ thêm một lần nào nữa. Ngoài ra, NBA bổ sung luật cấm các cầu thủ không được phép đu trên vành rổ quá lâu sau khi úp rổ, nếu bên dưới không có chướng ngại gây nguy hiểm.
O'Neal là cỗ máy ghi điểm hàng đầu, nhưng vẫn có điểm yếu. O'Neal có khả năng ném phạt cực tệ khi chỉ đạt hiệu suất ném 50,4% trong cả sự nghiệp. Lợi dụng điểm yếu này, HLV Don Nelson của Dallas Mavericks lúc đó tạo ra chiến thuật Hack-a-Shaq. Nelson ban đầu tạo ra chiến thuật này nhắm vào Dennis Rodman, nhưng nó trở nên nổi tiếng và được đặt tên Hack-a-Shaq khi áp dụng quá hiệu quả với O'Neal.
Chiến thuật này chỉ đơn giản là phạm lỗi nhắm vào O'Neal hoặc những cầu thủ ném phạt kém để ép họ phải bước lên vạch ném phạt trong 2 phút cuối trận. Hack-a-Shaq giúp các đội bóng có thể ngăn đà ghi điểm từ đối thủ và tìm kiếm cơ hội giành chiến thắng khi đang bị dẫn điểm. So với việc để O'Neal ghi 2 điểm khi áp sát rổ, thì chiến lược này tỏ ra hiệu quả. O'Neal thường chỉ ghi một hoặc không có điểm nào sau 2 quả ném phạt.
Sau đó, chiến thuật Hack-a-Shaq được nhiều đội bóng áp dụng và sử dụng một cách vô tội vạ. Nhiều HLV, truyền thông lẫn khán giả đã chỉ trích và đánh giá Hack-a-Shaq là chiến thuật tiêu cực gây ảnh hưởng lên giải đấu. Lối chơi này khiến các trận đấu có mặt O'Neal thường xuyên trở nên nhàm chán vào cuối trận. Khán giả thậm chí bỏ về ngay khi các đội bóng bắt đầu sử dụng Hack-a-Shaq.
Trước vấn nạn này, NBA buộc phải thay đổi luật lệ liên quan đến việc phạm lỗi. Một cầu thủ bị phạm lỗi khi không có bóng trong 2 phút cuối trận sẽ mang về cho đội 2 lần ném phạt và quyền kiểm soát bóng ngay sau đó.
Chiến thuật này vẫn được sử dụng cho đến ngày nay khi Andre Drummond, Dwight Howard, Hassan Whiteside hay DeAndre Jordan là những nạn nhân mà các đội nhắm đến vì khả năng ném phạt kém. Tuy nhiên, tính hiệu quả của Hack-a-Shaq đã không còn cao và tỷ lệ chuyển bại thành thắng rất thấp.
Cuối cùng, O’Neal một lần nữa khiến NBA phải chỉnh sửa luật lệ nhằm cứu lấy giải đấu. Việc O'Neal chỉ đứng lỳ một chỗ ở khu vực gần rổ làm cho mọi trung phong trở nên bất lực trong việc ghi điểm khiến NBA phải thay đổi luật để chống lại ông. NBA bổ sung thêm luật 3 giây phòng ngự.
Luật này không cho phép các cầu thủ đứng quá 3 giây ở khu vực hình thang dưới rổ nếu như không chủ động theo kèm bất cứ ai. Nếu vi phạm, cầu thủ sẽ bị phạt một lỗi kỹ thuật. Trong khi đối thủ sẽ được hưởng quả ném phạt và quyền kiểm soát bóng sau đó.
NBA chưa bao giờ thừa nhận việc bổ sung luật 3 giây phòng ngự là để giảm sự thống trị của O’Neal, nhưng họ có thực sự làm thế thì cũng vô ích. O’Neal vẫn tiếp tục thống trị giải đấu khi "đè bẹp" mọi trung phong to khỏe nhất trong phòng ngự và tấn công.