SEA Games và nỗi ám ảnh “hội làng” (kỳ 1): Tranh huy chương bằng mọi thủ đoạn

16:28 Thứ năm 28/05/2015

SEA Games 28 chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa khai mạc, và cũng chỉ vài hôm nữa là bóng đá nam khởi tranh (trận đầu tiên diễn ra 29.5) nhưng chưa thấy chút gì gọi là không khí lễ hội, hừng hực ra quân thể thao thường thấy. SEA Games xa dần khán giả - hậu quả của một thời gian dài Đại hội thể thao ĐNÁ được tổ chức cực kỳ tốn kém cho cả chủ nhà lẫn nước tham dự nhưng vẫn chỉ mang dáng dấp… hội làng.

Kỳ 1: Tranh huy chương bằng mọi thủ đoạn

Có một sự thật là hễ quốc gia nào đăng cai SEA Games là y như rằng số lượng HCV tăng vọt, thậm chí gấp nhiều lần so với những kỳ SEA Games trước. Không phải là sự phát triển đột biến của thể thao quốc gia đó mà chính là một “thông lệ” bất thành văn: Nước chủ nhà được bật đèn xanh để gom huy chương bằng nhiều cách, trong đó có cả việc dùng thủ đoạn để lấy vàng.

SEA Games - nơi phải tin vào những giọt nước mắt

Nữ võ sĩ Karate Phạm Hồng Thắm - nay đã là một thiếu tá ngành công an - khi nhớ về SEA Games không quên được những giọt nước mắt của mình đã lăn tại thảm đấu United Kajang - bang Selangor ở SEA Games 21 năm 2001. 14 năm rồi, Thắm chỉ hiểu được 1 điều là mình thất bại là do ý muốn của các ông trọng tài, hoặc của BTC khi muốn loại nhà ĐKVĐ. SEA Games 21 dường như là nơi bắt đầu của những cuộc tranh đoạt huy chương mà nước chủ nhà, hoặc một thế lực nào đó của thể thao ĐNÁ dùng các ông trọng tài để loại những VĐV giỏi, để có lợi cho VĐV nước chủ nhà.

Không ít VĐV Việt Nam bị xử ép.

Không thể kể hết những lần VĐV Việt Nam bị xử ép, đặc biệt là ở những môn võ khi các trọng tài cho điểm bằng cảm tính. Năm 2007, ở SEA Games lần thứ 24 trên đất Thái Lan, đô vật Lê Duy Hợi vì quá uất ức do bị xử ép đã không giữ được bình tĩnh đã đá vào mông ông trọng tài. Năm 2013 tại SEA Games 27 trên đất Myanmar, bộ 3 katatedo nữ Việt Nam đã thi đấu xuất sắc nhưng các trọng tài lại chấm điểm thua 3 VĐV không tên tuổi nước chủ nhà. Điều hài hước là sau khi tuyên bố Myanmar thắng, ông tổng trọng tài đã gửi lời xin lỗi tới đoàn Việt Nam và cũng đưa ra lời khuyên là không nên khiếu kiện vì thành công chung của đại hội.

Ngoài trọng tài, thì vô số các “trò mèo” được vận dụng. Chẳng hạn cũng ở SEA Games mới đây, nhà vô địch thế giới Phạm Văn Mách khi lên biểu diễn thể hình bị chạy… nhầm băng khiến anh mất tập trung và tuột HCV. Năm 2011 thì VĐV Đình Cương bị kéo ngay ở vạch đích, còn cả đội bóng chuyền - trước trận đấu quan trọng không hiểu vì sao mà bị…tiêu chảy cả đội tới mức gần như không thể nhảy lên chắn bóng.

Tất nhiên chuyện chèn ép để lấy huy chương - một trong những “vết nhơ” lớn nhất trong lịch sử SEA Games, không chỉ xảy ra với đoàn Việt Nam. Tại SEA Games 26 năm 2011 ở Indonesia, trong trận chung kết môn Silat giữa VĐV chủ nhà Indonesia là Dian Kristanto và VĐV của Thái Lan. Trong suốt trận đấu, Dian chẳng ra được một đòn nào đáng kể nào, liên tục phải chạy trốn, ngã, núp sau trọng tài và thậm chí... cắn đối phương... thế nhưng võ sĩ chủ nhà Indonesia vẫn giành HCV. Đây được coi là tấm HCV lố bịch nhất SEA Games.

Vùng vẫy với những môn thể thao lạ

Một trong những “thủ thuật” tranh huy chương chính là cố gắng đưa những môn thế mạnh của mình vào chương trình thi đấu, nhất là những môn cổ truyền của quốc gia đăng cai.

Những giọt nước mắt oan ức của VĐV Việt Nam ở SEA Games 27.

Trước thềm SEA Games 27, báo chí khu vực đã “té ngửa” khi điều tra ra chỉ có 33% số môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic. Thời điểm đó, báo chí Thái Lan lên tiếng chỉ trích: “SEA Games ngày càng khủng hoảng và mất giá trị bởi căn bệnh thành tích. “Vùng trũng” của thể thao thế giới càng trũng thêm bởi việc tự mình nới rộng khoảng cách với thể thao của thế giới còn lại.”

Còn Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Thái Lan - ông Sakol Wanapong - phát biểu: “SEA Games hai năm tổ chức một lần đã làm cho thể thao Đông Nam Á đầu tư chệch hướng với chiến lược thể thao quốc gia. Sân chơi Đông Nam Á đang bị “xỏ mũi” bởi các quốc gia đăng cai luôn tìm cách cài cắm các môn lạ không được sự khuyến khích của Ủy ban Olympic…”

Ông Charoen - thuộc Ủy ban Olympic Thái Lan - nói: “Tiền bạc phải bỏ ra là rất lớn nhưng có rất nhiều môn sau khi dự SEA Games 27 xong rồi về bỏ xó, ví dụ như môn Chilone, Kempo… đầu tư xong thi đấu xong là bỏ…”

Thể thao Việt Nam cũng không thoát khỏi vòng xoáy này khi SEA Games 22 tổ chức năm 2003 ở Việt Nam có thêm những môn như đá cầu, lặn, vovinam… là những môn mà thể thao Việt Nam “độc chiếm” huy chương giúp chúng ta khẳng định vị trí nhất toàn đoàn.

Thể thao Việt Nam cũng đã từng lập ra những đội tuyển võ gậy, Muay Thái… để phục vụ chủ trương “hòa nhập” ở SEA Games. Với riêng môn Vovinam - đã có lãnh đạo đoàn thể thao thừa nhận rằng: “Nước chủ nhà chỉ đồng ý đưa môn này vào chương trình thi đấu nếu… chia huy chương cho họ.”

Năm 2005, một lãnh đạo ngành thể thao suýt nữa bị Philippines “mời” ra khỏi nước họ khi trả lời phỏng vấn báo chí rằng có chuyện dàn xếp huy chương ở SEA Games. Vị quan chức ấy tất nhiên là phủ nhận nhưng cả làng đều biết chuyện chia chác huy chương không phải là cá biệt ở nhiều môn thể thao tại SEA Games.

SEA Games 28 tại Singapore (khai mạc ngày 5.6 tới) được cho là những “nỗ lực” để đưa ngày hội thể thao khu vực Đông Nam Á tránh khỏi “hội làng” song tư duy “đoạt nhiều HCV bằng mọi giá” vẫn còn tồn tại và gây khó cho nhiều đoàn, trong đó có Việt Nam.

Đắc Lâm | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục