Trong một trận bóng rổ, VĐV không được mang những đồ vật có thể gây chấn thương cho các VĐV khác. Theo đó, các loại băng ngón tay, bàn tay, cổ tay, khuỷu tay hoặc những đồ vật có thể cắt hoặc gây trầy xước đều nằm trong danh sách "cấm". Thậm chí móng tay của VĐV phải bắt buộc được cắt ngắn để giảm thiểu tối đa chấn thương cho đối thủ và chính bản thân VĐV đó trong quá trình thi đấu.
Vậy còn các loại kẹp tóc và đồ trang sức? Câu trả lời vẫn là không. Trong các trận đấu của nữ, các VĐV được sử dụng các loại buộc tóc mềm (bằng vải) nhưng phải qua kiểm tra của tổ trọng tài. Các loại kẹp, đồ trang sức kim loại cũng không được sử dụng. Đây là những kiến thức sơ đẳng trước khi một VĐV bắt đầu sự nghiệp, nên hầu hết người hâm mộ rất ít khi "bắt được lỗi" trong những trận đấu chuyên nghiệp.
VĐV sẽ phòng, tránh chấn thương bằng cách nào?
Họ sẽ được mang dụng cụ bảo vệ tay, vai, cánh tay, chân bằng chất liệu được bọc lót thích hợp (tất nhiên là đã qua kiểm tra). Trong trường hợp quần lót của VĐV dài hơn quần thi đấu thì nó phải cùng màu/ tông màu với quần thi đấu. Riêng một số giải bóng rổ VĐQG hàng đầu thế giới hiện nay như NBA, vấn đề trang phục đã được nới rộng. Theo đó VĐV có thể mang đồ lót khác tông màu so với trang phục thi đấu.
Bên cạnh đó bao cánh tay và vớ bó phải cùng màu với quần thi đấu. Nếu là vớ ngắn phải kết thúc ở trên đầu gối, nếu là vớ dài phải kết thúc ở dưới đầu gối. Để tránh chấn thương gối trong các va chạm, VĐV được phép mang băng gối nếu dược bọc lót thích hợp.
Tương tự, các trường hợp VĐV dính chấn thương mũi mà vẫn có thể thi đấu hoặc chưa dính chấn thương và muốn tránh chấn thương mũi, thì họ được phép mang dụng cụ bảo vệ mũi, ngay cả nếu nó được làm bằng chất liệu cứng. Các loại kính đeo mắt nếu không gây nguy hiểm cho người khác cũng được phép sử dụng.
Băng buộc đầu có chiều ngang tối đa 5cm, không nhám, bằng nhựa dẻo, cao su hoặc chất liệu vải mềm, cùng màu/ tông màu với áo. Các dụng cụ bảo vệ cánh tay, vai, chân không nằm trong danh sách cấm nhưng tuyệt đối không màu.