Roman Abramovich và số 1 ở Chelsea!

18:28 Thứ năm 05/02/2015

(TinTheThao.com.vn) - Trong bóng đá đương đại, thành công không dừng ở danh hiệu. Một đội bóng có lối chơi hoa mỹ luôn làm say mê tất cả dù họ không có danh hiệu. Nhưng cũng có đội bóng có danh hiệu nhưng không có sự hoa mỹ cũng bị coi là không thành công, Chelsea là đội bóng đó!

Lòng tham của ông chủ!

Năm 2003, sau sự kiện gây chấn động lịch sử câu lạc bộ bằng việc mua lại Chelsea - một đội bóng đang ngập trong khủng hoảng và nợ nần thì cuối mùa giải đầu tiên làm ông chủ mới, Roman Abramovich đã quyết định chấm dứt hợp đồng với HLV đương nhiệm Ranieri. Người đã có công xây dựng nền móng cho Chelsea trong khoảng 3 năm trên cương vị của mình. Và ngay sau đó, Jose Mourinho - một huấn luyện viên trẻ đầy nhiệt huyết và cá tính được đưa về sau khi đã đi từ hết câu chuyện huyền thoại này đến câu chuyện huyền thoại khác cùng Porto.

Nỗi ám ảnh thứ bóng đá đẹp vẫn theo Abram suốt hơn 1 thập kỷ qua.

Vào thời điểm này, hẳn ai cũng nghĩ rằng cái mà ngài Abram mong muốn không gì khác ngoài những “danh hiệu”- điều mà Ranieri không thể làm được sau khi đã được cấp hàng đống tiền để xây dựng lại đội bóng. Và đúng như thế, Chealse của Mou đã phá hoàng loạt những kỉ lục trong lịch sử cả câu lạc bộ lẫn giải ngoại hạng. Thành công đến nằm trong mong đợi, Chelsea bây giờ là đội bóng lớn, họ mạnh mẽ, lì lợm hơn, khát khao hơn nhưng cũng chắc chắn và ổn định hơn. Mong muốn của Abram đã thành hiện thực. Giai đoạn 2004 - 2007 là kỳ tích và là niềm mong ước của biết bao nhiêu câu lạc bộ. Phải thừa nhận rằng, chỉ bổ sung thêm 3 gương mặt mới là Ricardo Carvalho, Paulo Ferreira, Didier Drogba. Dựa trên nền tảng lứa cầu thủ ngôi sao mà Ranieri đưa về trước đó, danh hiệu đã đến liên tiếp với Chelsea. Quan trọng hơn là lối chơi, phong cách của đội được định hình rõ nét, tư duy chiến thuật và bản lĩnh thi đấu tốt hơn hẳn so với chính họ khi còn được dẫn dắt bởi Ranieri. Đó thực sự là đội bóng, và là đội bóng của Mourinho.

 

Chỉ có điều, thứ bóng đá thuần chất khoa học và đề cao tính vững chắc đã giết chết giấc mơ của Abram. 5 danh hiệu lơn nhỏ cùng những kỷ lục mà Mou Team gây dựng vẫn chẳng làm thỏa mãn ông chủ của họ, Mou vẫn như ngày còn ở Porto, ông tuân thủ triết lý và gắn kết những cầu thủ của mình như những móc xích. Ông quản lý cầu thủ theo cách riêng mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của Giám đốc thể thao (lúc bấy giờ là Avram Grant). Những trận thắng theo kiểu “đè người” và “chộp giật” tôn vinh Mou như bậc thầy chiến thuật dù ông còn khá trẻ lúc bấy giờ. Nhưng thắng trận kiểu ấy làm Abram bị nhàm. Có những trận đấu, ống kính bắt gặp ông chủ người Nga với gương mặt bơ phờ, kém vui dù đội bóng mà ông đang sở hữu đang thắng thế. Điều oái ăm ấy đã được lý giải phần nào sau sự ra đi của Mou năm 2007 dù mùa giải chưa kết thúc.

Sự kiện Mou rời Chelsea năm 2007 sau những “bất đồng”, “thành tích tệ hại”cho tới bây giờ vẫn có nhiều suy đoán. Nhưng lý giải nguyên nhân này, rất nhiều nhà bình luận lại cho rằng, tính tham lam và thói quen đầu tư sinh lãi của giới chủ đã khiến Abram không ngại gạt bỏ tất cả những gì ông cho là “không phù hợp”. Thực tế mà nói, lòng tham của Abram xa hơn. Nó không dừng ở những danh hiệu mà còn đòi hỏi phải có tính “cống hiến”, cống hiến cho chính ham muốn của ông. Tức là, Mou có danh hiệu nhưng “đá không đẹp” thì phải ra đi. Mặc cho tất cả những gì Mou xây dựng và đạt được, Abram vẫn sẳn sàng đẩy người quan trọng bậc nhất của đội bóng ra khỏi Stam sau hơn 3 năm làm việc cùng nhau.

Điều này phản ánh một sự thật trong giới thượng tầng của câu lạc bộ rằng, Mou không là số 1. Dù ông có đựơc người ta suy tôn đến đâu thì cũng chỉ là con số 2, sau Abram. Hay nói đúng hơn, đội bóng là của Mou, nhưng Mou là của Abram.

Lò xay xịn!

Roberto Di Matteo phải rời Chelsea sau chức vô địch Champions League lịch sử.

Diễn biến nội bộ Chelsea trong thời kỳ tiếp theo từ 2007 đến trước tháng 6/2013 càng cho thấy Abram độc tài thế nào? Hàng loạt nhừng HLV danh tiếng như: Avram Grant (2007-2008), Luiz Felipe Scolari (2008-2009), Guus Hiddink (2009), Carlo Ancelotti (2009-2011), Villas-Boas (2011-2012), Roberto Di Matteo (2012), Rafael Benitez (2012-2013) đã đến với Chelsea nhằm thực hiện hóa ước mơ của ngài chủ tịch. Thành công vẫn có khi họ góp phần đưa Chelsea giành thêm rất nhiều danh hiệu lớn mà đặc biệt là chức vô dịch C1 mà Roberto Di Matteo cùng đội bóng của mình giành được trên đất Đức đã đáp ứng “giấc mơ châu lục” của Abram. Nhưng rồi chính sự nhạt nhòa trong lối chơi và thiếu kiên nhẫn của ông chủ đã đẩy họ lần lượt rời Stam một cách ê chề. Nói như vậy không ngoa bởi công bằng rằng, sự can thiệp quá trớn và tính nôn nóng của Abram vô tình tạo áp lực rất lớn đến tâm lý của HLV và các cầu thủ. Mâu thuẩn xảy ra, cái tôi của họ không dung hòa được lợi ích chung toàn đội. Cuối cùng, cũng với lý do “thiếu ổn định”, HLV chịu trách nhiệm bằng việc bị sa thải.

Vậy thì, trong hai lý do “đá không đẹp” và “thiếu ổn định” đó, đâu là lý do thật? Điều này chỉ có chính Abram hiểu rõ mà thôi. Ông là người đã “cứu” Chelsea và đưa họ trở nên giàu có như ngày hôm nay, nhưng chính ông cũng tạo ra một Chelsea không ổn định trong hơn một thập kỷ làm chủ chứ không phải HLV. Cái tôi và thói quen sở hữu, lợi quả luôn đặt ông trong thế bề trên và ông chủ. Đôi khi người ta còn cho rằng ông sở hữu cả huấn luyện viên. Mà điều này chẳng khác nào phá hại đội bóng. HLV là người cá tính và chuyên môn, trong khi từ thời Mou cho đến Benitet ai cũng là HLV có cá tính mạnh. Sự mâu thuẩn ngầm chảy trong nội bộ Chelsea không đâu khác là bắt nguồn từ đòi hỏi của ông chủ và câu trả lời trên sân của HLV.

10 năm làm chủ, Abram tạo ra lò xay HLV “hiệu”, điều mà chưa có đội bóng hay ông chủ nào làm được trong lịch sử bóng đá. Thế mới biết, đội bóng của HLV, nhưng HLV là của Abram.

Thay đổi để có thứ mình muốn

Ngày 3/6/2013, Mou quay lại dẫn dắt Chlsea vào thời điểm phong độ của đội bóng thảm hại sau khi Benitez bị sa thải. Rất nhiều người mong chờ cuộc tái hôn này và họ bắt đầu tưởng tượng ra một tương lai tươi sáng mở ra cho câu lạc bộ. Nhưng cũng nhiều người nghi ngờ về tính lâu dài và thành công của nó khi mà Abram đã thẳng tay sa thải Mou không thương tiếc 6 năm trước. Vậy thì tại sao Abram lại mời Mou mà không tìm ai khác? Phải chẳng họ đã gác bỏ bất đồng trong quá khứ? Abram đã tin Mou hay chỉ chưa tìm người thích hợp hơn hoặc không còn HLV giỏi nữa? Liệu họ có chung quan điểm hay mạch ngầm mâu thuẫn quan điểm vẫn âm ỉ chảy trong nội bộ đội bóng? Rồi “tính ổn định” hay “bóng đã đẹp” mới là thứ Abram và Mou cùng hướng đến? …

Tin Mou, Abram sẽ có thứ mình muốn!

Trải qua hơn một năm rưỡi dẫn dắt Chelsea (lần 2) cho đến nay, Mou vẫn theo triết lý của mình. Nhưng có một điều là nụ cười lại luôn xuất hiện và vẻ mặt đầy hài lòng của Abram khiến người ta không khỏi bất ngờ. Abram đã thay đổi ư? Chỉ có thể khẳng định như thế ít nhất là cho đến bây giờ. Abram không còn tạo áp lực cho Mou, ông để Mou hoàn toàn kiểm soát đội bóng, quyết định chính sách và định hướng câu lạc bộ. Ông chỉ quan sát và xem cầu thủ chơi bóng và sẳn sàng chi tiền tấn chiêu mộ cầu thủ nếu đáp ứng yêu cầu Mou đưa ra. Mùa giải 2013-2014 Mou không mang về danh hiệu, ấy vậy mà Abram vẫn không có bất ký tín hiệu nào cho thấy mình không hài lòng. Có thể trong bóng đá, người hâm mộ không ai quan tâm nhiều đến ông chủ câu lạc bộ, nhưng nếu chúng ta để ý, hẳn không khỏi đặt cho mình lý do tại sao?
 

Với Mourinho, mọi thứ đều có thể!

Chelsea mùa này (2014-2015) đang chơi cực hay, họ chắc chắn nhưng cũng đầy biến ảo, tốc độ. Họ duy trì chiến thắng và làm mọi cách để chiến thắng. Các cầu thủ Mou mang về như Fabregas hay Diego Costa, Matic đều đáp ứng quá tốt kỳ vọng của ông. Vị trí dẫn đầu là minh chứng hùng hồn và cho thấy họ xứng đáng như thế nào. Thậm chí nếu chơi hay như thế này, chức vô địch Premie không còn xa.

Trong 10 năm Abram mời Mou về hai lần, lần trước ông không vui vẻ khi xem Mou và đội bóng thi đấu, nhưng lần này ông lại thỏa mái. Sẽ không có ai biết bản giao kèo giữa Mou và Abram như thế nào, nhưng Chelsea hiện tại đang được kiểm soát quá tốt bởi Mou. Có lẽ, bây giờ trở đi, quên Abram đi, các fan và chính Abram sẽ hiểu rằng, đội bóng là của Mou, và Mou là số 1. Hay chính xác hơn, Abram muốn có “danh hiệu”, “bóng đá đẹp” và “tính ổn định” thì tốt nhất, hãy tin Mou và để Mou là số 1!

(Bạn đọc Võ Đức Hiệp)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục