Sau chức vô địch Wimbledon, Federer hiện đang sống trong những ngày tháng tươi đẹp nhất trong sự nghiệp. Niềm vui của "tàu tốc hành" thậm chí còn lớn hơn gấp bội so với giai đoạn 2003-2010 khi anh thắng tổng cộng 16 danh hiệu Grand Slam danh giá.
Với chiến thắng 3-0 trước Marin Cilic ở trận chung kết, Federer không thua một set nào khi vô địch Wimbledon 2017. Trong lịch sử Wimbledon, mới có một người làm được điều tương tự Federer là Bjorn Borg năm 1976. Đồng thời anh cũng qua mặt Pete Sampras, trở thành ông Vua của Wimbledon với kỷ lục 8 lần vô địch giải đấu này.
Sau danh hiệu của Federer, người ta nói nhiều về những sự ưu ái đặc biệt mà "ông trời" ban tặng cho anh. Một lối chơi hào hoa, phong nhã nhưng hiệu quả, một đôi chân di chuyển nhẹ nhàng như vũ công ba-lê, mộ bộ óc tinh tường có khả năng phán đoán và đáp trả nhanh nhạy trước những cú giao bóng sấm sét của đối thủ. Song, Federer không thành công chỉ nhờ vào những yếu tố trời phú. Để chạm đến được đỉnh cao của danh vọng, Federer đã không ít lần vượt khó.
Wimbledon 2013: Hẳn người ta còn nhớ cái khoảnh khắc Federer buồn vô hạn rời sân sau thất bại trước đối thủ vô danh Sergiy Stakhovsky ở vòng hai. Đó là lần duy nhất trong 15 năm qua mà FedEx bị loại sớm đến vậy ở giải đấu sở trường.
Trong 4 giải Grand Slam của năm 2013, thành tích tốt nhất của Federer là vào bán kết Australian Open - có lẽ không quá tệ với một tay vợt khi đó đã 32 tuổi, nhưng người ta kỳ vọng anh làm được nhiều hơn thế. Kết mùa, Federer thắng 45 nhưng thua đến 17 trận - cũng là tệ nhất kể từ năm 2004, chỉ giành được 1 danh hiệu ở Halle Open.
Người ta khuyên Federer nên giải nghệ
Không giành được bất kỳ danh hiệu nào, Federer rơi vào tâm bão của truyền thông và giới mộ điệu. Số đông cho rằng anh nên giải nghệ khi ánh hào quang vẫn còn chút ít, người ta cho rằng Federer nên giải nghệ để ký ức về anh mãi là những chiến thắng vang dội ở Grand Slam chứ không phải những ngày tháng lầm lũi rời sân sau các thất bại cay đắng.
Từ năm 2014 đến năm 2016, Federer đã 4 lần vào bán kết Grand Slam và 3 lần khác lọt vào chung kết. Đây là giai đoạn mà lối chơi của anh khởi sắc hơn nhiều so với năm 2013, nhưng các chuyên gia hầu hết nhận định Federer đã hết khả năng tranh cúp ở các Grand Slam - những giải đấu theo thể thức 5 set, mà nếu muốn vô địch anh phải thắng 7 trận liên tiếp - điều khó xảy ra với một tay vợt ngoài 30 tuổi, giấc mơ về danh hiệu lớn thứ 18 tưởng như sẽ không thành.
"Tôi muốn ra sân, muốn nếm trải lại cảm giác được chiến thắng và nâng cúp. Tôi tin là mình vẫn có thể vượt qua giới hạn của bản thân để trở lại," nhiều người có lẽ đã phì cười khi nghe lời phát biểu này của Federer thời điểm 3-4 năm về trước. Song, FedEx có lẽ hiểu bản thân hơn ai hết.
Không chỉ 1 mà đến 2 danh hiệu Grand Slam
Năm ngoái khi Federer tuyên bố nghỉ hẳn nửa năm để điều trị chấn thương, ai nấy đều đinh ninh... vậy là hết. 35 tuổi, chấn thương, thể chất của Federer dường như đã bị đẩy đến giới hạn cuối cùng. Nhưng Federer không nghỉ hẳn như nhiều lời đồn, trái lại, một cuộc lột xác ngoạn mục đã diễn ra trong năm 2017.
Bay thẳng đến Australian Open mà không dự giải đấu khởi động nào khác, Federer gây sốc khi đánh bại đại kình địch Nadal để giành chức vô địch, bổ sung danh hiệu Grand Slam thứ 18 sau 5 năm đằng đẵng chờ đợi. Kế đến anh thâu tóm tiếp hai danh hiệu sân cứng khác là Indian Wells và Miami.
"Federer là tay vợt khôn ngoan trong việc phân bổ lịch thi đấu. Anh ta biết mình phải chơi ở đâu, bỏ qua giải nào và khi nào cần nạp lại năng lượng. Đó cũng là lý do mà anh ta thi đấu bền bỉ đến giờ này," Boris Becker - thầy cũ của Novak Djokovic nói.
Bỏ toàn bộ mùa đất nện, Federer đến với mặt sân cỏ sở trường ở Wimbledon và đúng như nhận định, anh dễ dàng lên ngôi vô địch mà không để thua một set nào - thành tích mà thậm chí Federer của thời đỉnh cao cũng chưa làm được. Khởi đầu năm với vị trí số 17, Federer giờ là một tay vợt trong top 3, và nếu nhận định của giới làm nghề là đúng, Federer sẽ duy trì phong độ này để kết thúc năm bằng ngôi số 1.
Những con số về Federer:
2: Federer đã giành hai huy chương Olympic trong sự nghiệp, gồm HCV đánh đôi năm 2008 và HCB đánh đơn 2012.
23: Federer đã 23 lần liên tiếp lọt vào Bán kết các giải Grand Slam trong giai đoạn 2004-2009.
35: Federer là tay vợt già nhất trong hơn 40 năm qua lọt vào một trận Chung kết Grand Slam khi anh đi tới trận Chung kết Úc mở rộng hồi đầu năm (35 tuổi).
93: Số danh hiệu trong sự nghiệp của Federer, nhiều thứ ba trong kỷ nguyên Mở rộng sau Ivan Lendl (94) và Jimmy Connors (109).
302: Là kỷ lục về số tuần Federer xếp ở vị trí số 1 thế giới, trong đó có 237 tuần liên tiếp.
10: Số năm liên tiếp Federer là tay vợt có tiền thưởng cao nhất thế giới.