Phân tích và phản biện: Ferguson “vẽ mây nẩy trăng”

12:46 Thứ hai 04/11/2013

David Moyes nói ông vẫn chưa có thời gian lật giở từng trang cuốn tự truyện của Sir Alex Ferguson xem “sếp” mình viết gì. Ông Arsene Weneger và ông Roberto Mancini thì không bức xúc như Brendan Rodgers, nhảy dựng ngược lên tố ông Ferguson “chém bừa” nhưng hẳn hai ông này bấm bụng cười thầm...

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 

Mua sắm giỏi như Wenger

Từ đầu mùa giải 2011/2012, Alex Ferguson đã gạch tên Arsenal ra khỏi những cái tên có khả năng cạnh tranh ngôi vô địch Anh với Manchester United. Sir Alex có lý do để xem thường Arsenal, sau khi M.U của ông đánh bại đội bóng của Wenger 8-2. Nguyên nhân khiến Pháo thủ London - đối thủ một thời của M.U suy yếu, theo Ferguson xuất phát từ chính sách chuyển nhượng sai lầm của ông thầy được người ta ca tụng là “Giáo sư”. Cụ thể, sau khi bán những “linh hồn” Fabregas hay Nasri, Wenger lại rước về Per Mertesacker - mẫu cầu thủ mà khi sang Đức, ông có thể tìm kiếm cỡ vài chục người. Đặc biệt là Olivier Giroud, sao Wenger lại có thể mua tiền đạo này để thay thế cho Robin van Persie - siêu tiền đạo bị M.U cướp mất? Thực ra, Ferguson cũng có ý định đưa Giroud về Old Trafford nhưng khi nghe các tuyển trách viên báo cáo Giroud “không có vẹo gì” nên nhà cầm quân người Scotland bỏ và Wenger mới có cơ hội mua tiền đạo Pháp.

Olivier Giroud

Nhưng những con số thực tế trên sân cỏ lại chứng minh rằng, Wenger tuy không thoáng trong vấn đề chi tiêu như Ferguson nhưng ông chẳng phải kẻ ngờ nghệch trên TTCN. Kết thúc mùa giải năm ngoái, mọi con số thống kê về khả năng phòng ngự cũng như tham gia tấn công của Mertesacker lại ăn đứt hậu vệ trẻ Ashley Williams - mục tiêu theo đuổi của M.U từ thời Sir Alex. Mùa giải năm nay, Mertesacker tiếp tục là hòn đá tảng trong hàng thủ của Pháo thủ London. Trong khi đó trên hàng công, phong độ tuyệt vời của Giroud là một trong những yếu tố giúp Arsenal độc chiếm ngôi đầu bảng Premier League cho tới thời điểm này.

Vạch lông tìm vết

Mertesacker và Giroud không phải những sai lầm trên TTCN của Wenger. Vấn đề này khỏi phải bàn cãi nhưng nếu cứ “vạch lông tìm vết” thì chính Sir Alex mới là nhà cầm quân mắc nhiều sai lầm nhất trên TTCN, điển hình là các vụ chuyển nhượng thất bại như Bebe, Tosic, Henriquez, Obertan... Vì cũng như vụ Giroud, các tuyển trạch viên của Ferguson đã sai lầm khi nhận định về những cầu thủ mà họ tiến cử tới ông ở mỗi kỳ chuyển nhượng?

Tuyển trạch viên, họ là ai? Tinh những người thân trong gia đình Ferguson như em trai Martin Ferguson và con trai Jason Ferguson thì bảo sao ông thầy đáng kính của M.U không “gật đầu bừa” vì lợi ích của người thân?

Sau khi bị BBC phanh phui những vụ chuyển nhượng mờ ám qua công ty môi giới Elite Sports, dưới sức ép của BLĐ M.U, Sir Alex đành phải đoạn tuyệt với công ty này của con trai Jason nhưng những thương vụ khó hiểu kiểu như David Bellion, Mame Biram Diouf hay Manucho vẫn cứ tái diễn. Giờ đây ở M.U, David Moyes lại học theo người tiền nhiệm đồng hương, tức là sử dụng cậu quý tử David Moyes Jnr làm “cò cứng” cho M.U trên TTCN. Kết quả là, M.U mua Fellaini và Varela - những cầu thủ Moyes và con trai cần nhưng nhu cầu thực tế ở Old Trafford thì không.

Hình bóng Mancini ở Old Trafford

Trong con mắt của Sir Alex, Man City mãi là “gã hàng xóm ồn ào”. Tuy có khả năng cạnh tranh ngôi vô địch với M.U nhưng không thể sánh ngang với đội bóng vĩ đại do ông dẫn dắt về đẳng cấp. Và dĩ nhiên, Roberto Mancini càng không thể so sánh với ông, bởi người đồng nghiệp người Italia quá yếu đuối và không có cái uy quyền cần thiết của một nhà cầm quân.

HLV David Moyes

Sau sự kiện Munich (Tevez từ chối vào sân thi đấu trong trận Man City thua Bayern), Tevez bỏ về Argentina. Tương lai của ngôi sao Argentina tại Etihad tưởng như chấm dứt khi Mancini tuyên bố gạch tên anh. Nhưng rốt cuộc, vì danh hiệu cho Man City, Mancini lại trọng dụng một kẻ bất tuân thượng lệnh và không còn toàn tâm toàn ý với đội bóng. Ferguson cho đó là hành động hèn nhát, bất lực, thiếu quyền uy, tiền hậu bất nhất. Mặt khác, yếu điểm của Mancini là trong đầu lúc nào cũng nghĩ tới phòng ngự, dù Man City đang thắng - đó là một bản tính cố hữu của người Italia.

Sir Alex phê phán Mancini, từ tính cách tới phong cách cầm quân. Nhưng ở chương này, người hâm mộ M.U lại thấy... quen quen, cứ như Fergie đang viết về... David Moyes chứ không phải nhà cầm quân người Ý. Thật vậy! Bởi chẳng phải Moyes cũng giống Mancini trong vụ Tevez, hạ mình níu kéo Wayne Rooney ở lại, cho dù từ cuối mùa giải năm ngoái, Ferguson từng tuyên bố Rooney đã muốn ra đi. Đấy là còn chưa kể tới mâu thuân với những trụ cột như Van Persie mà báo chí Anh đã miêu tả. Vậy Moyes - HLV được chính Sir Alex sắp đặt kế nhiệm mình có uy quyền? David Moyes không phải người Italia nhưng khi tới M.U, ông chỉ ưa dùng những cầu thủ như Fellaini và thiên về lối chơi phòng ngự - thứ xa lạ với người Old Trafford.

Không có trang nào trong cuốn tự truyện đang gây ra cơn sốt tại nước Anh viết về David Moyes nhưng khi Ferguson miêu tả, hay nói thẳng ra là phê phán Mancini thì lạ thay, cứ như thủ pháp nghệ thuật “vẽ mây nẩy trăng” trong văn học và thi ca, hình ảnh của Moyes lại hiện lên rõ nét...
Đông Hội | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục