Dưới thời của HLV Miura, báo chí đã không được thoải mái cho lắm. Ông quy định phóng viên đến chụp ảnh, đưa tin về các buổi tập của đội U-23 đều phải mặc áo bib (chiếc áo khoác mà chúng ta thường thấy các phóng viên ảnh phải mặc khi chụp ảnh các trận đấu); phải tác nghiệp đúng khu vực quy định. Mỗi tuần, ông chỉ dành một lần để trả lời phỏng vấn báo chí và tất cả câu hỏi phải được gởi trước đến bộ phận truyền thông của VFF. Các nhà báo muốn phỏng vấn cầu thủ cũng vậy, phải đăng ký và khi phỏng vấn đều có người của bộ phận truyền thông VFF sát cánh...
Không ít nhà báo cảm thấy khó chịu về những quy định trên, nhưng nếu bình tâm suy xét thì sẽ thấy đó là những quy định cần thiết. Chúng ta cứ thử đặt mình vào vị trí Miura thì sẽ cảm thông được cho ông, khi có vài chục phóng viên đeo bám đội tuyển và ai cũng muốn được phỏng vấn ông, hỏi ông về mọi chuyện; cũng như muốn tiếp xúc lấy thông tin từ các tuyển thủ. Nếu đáp ứng tất cả các nhu cầu ấy, chắc đội tuyển chẳng còn bao nhiêu thời gian mà tập luyện, thư giãn hồi phục!
Riêng cái chuyện phải gởi câu hỏi trước cho bộ phận truyền thông VFF, hay có người của bộ phận này giám sát các cuộc trả lời báo chí của những thành viên đội tuyển, chúng tôi nghĩ ông Miura có lẽ đã nhận được sự tư vấn của ai đó rất rành về báo chí thể thao Việt Nam. Trong các đời HLV trước, đã có nhiều vụ mà những HLV ngoại phải cười ra nước mắt, khi có một số nhà báo với vốn tiếng Anh chỉ đủ để không đi lạc đường, nhưng có những bài trò chuyện bàn về triết lý bóng đá, về cuộc sống... với HLV ngoại! Chính từ kiểu tác nghiệp cẩu thả đó, đã dẫn đến không biết bao nhiêu chuyện ồn ào không đáng có, gây ảnh hưởng đến công việc của HLV, đến đội tuyển.
Nhìn lại cả chục HLV ngoại đến Việt Nam dẫn dắt đội tuyển, có thể nói chưa ai kỹ như Miura trong chuyện làm việc với báo chí. Ngày xưa, ông Riedl cũng vào loại khó, nhưng với một số nhà báo “ruột” thì ông sẵn sàng trả lời bất cứ lúc nào, kể cả qua điện thoại. Ông Calisto thì khỏi nói, do có thời gian rất dài làm ở Đồng Tâm Long An nên ông rất thân tình với một số nhà báo và những nhà báo này cũng rất được ưu ái.
Hy vọng với những quy định “ngặt nghèo” đặt ra, ông Miura sẽ giữ đúng nguyên tắc ấy một cách bền bỉ, chứ đừng để một thời gian sau lại có chuyện “bên trọng bên khinh”. Điều đó sẽ rất có ích cho các nhà báo thể thao trong việc làm quen với cung cách chuyên nghiệp, không bị bỡ ngỡ khi tác nghiệp tại những đấu trường quốc tế.
Tuy có vất vả trong việc săn tin, nhưng các nhà báo thể thao hãy chia sẻ và cám ơn Miura về những quy định “khắc nghiệt” của mình.