Ông chủ và người làm công

13:32 Thứ hai 26/11/2012

Roberto Di Matteo, Mark Hughes và Mano Menezes. Đó chắc chắn không phải là những huấn luyện viên hạng xoàng. Nhưng giữa họ có một điểm chung là đều bị sa thải trong tuần qua.

Nguyên nhân chủ yếu đương nhiên là do thành tích kém cỏi của đội nhà. Chelsea của Di Matteo không thắng trong bốn trận gần nhất tại Premier League, đồng thời đứng trước nguy cơ bị loại khỏi Champions League. Queen Park Rangers của Hughes thì thậm chí còn không thắng nổi trận nào từ đầu mùa. Còn Brazil của Menezes thì cũng không thắng được các đối thủ hạng A, chưa kể thất bại liên tiếp tại Copa America 2011 và Olympic London 2012.

Trong những trường hợp nói trên, cũng có một số ý kiến chỉ trích các ông chủ, đặc biệt là Roman Abramovich của Chelsea đã hành xử quá nghiệt ngã. Báo chí Anh đay nghiến tỉ phú Nga, với thứ văn hoá gọi là “coi trọng đồng tiền” là trên hết, cư xử thiếu tình người. “Ông ta cứ ném tiền vào khủng hoảng để đồng tiền giải quyết tất cả”, cây bút Martin Samuel viết trên tờ Daily Mail.

Tuy nhiên, nếu không coi bóng đá là một ngành nghề đặc thù, nơi mà đôi khi người ta vẫn đặt nặng chuyện tình cảm lên trên, thì phản ứng của báo chí Anh có phần hơi thái quá. Nước Anh là nơi khai sinh ra chủ nghĩa tư bản, và đáng ra người ta phải nhận thức rõ ràng về triết lý “không làm được thì nghỉ”. Abramovich bỏ tiền đầu tư vào bóng đá, nếu không sinh lợi thì ít ra cũng đạt được mục đích nào đó. Đằng này, Chelsea đứng trước nguy cơ trắng tay, nên việc Di Matteo bị sa thải (kèm theo khoản đền bù hợp đồng) là điều không có gì phải bàn cãi.

Có thể, lý do khiến báo chí Anh này so sánh là bởi cũng trong tuần qua, Manchester United đã vinh danh Sir Alex Ferguson bằng cách dựng tượng ông bên ngoài sân Old Trafford. Trong làng bóng đá đỉnh cao, không có một huấn luyện viên nào gắn bó với một câu lạc bộ lâu bền như Sir Alex với M.U, và đây vẫn được xem như một biểu tượng của lòng trung thành. Thế nhưng, người ta đã quên rằng không lâu sau khi đến M.U năm 1986, Sir Alex cũng từng đối mặt với nguy cơ bị sa thải. Và trong suốt 26 năm qua, vị trí của chiến lược gia kỳ cựu này cũng từng bị các ông chủ sân Old Trafford “nâng lên, đặt xuống” vài lần.

Tóm lại, trong quan hệ giữa ông chủ – người làm công, chuyện sa thải là điều hết sức bình thường, nếu như người làm công không đáp ứng được yêu cầu của ông chủ. Ngay cả Jose Mourinho bây giờ cũng đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc, sau khi Real Madrid của ông lại vừa nhận thêm thất bại trước Betis cuối tuần qua, bất chấp việc mùa trước huấn luyện viên người Bồ Đào Nha đã giúp Real chấm dứt sự thống trị của Barcelona ở La Liga.

Tuy vậy, quan hệ ông chủ – người làm công cũng cần có một số chuẩn mực. Abramovich luôn lạnh lùng mỗi khi sa thải các huấn luyện viên, song ông chủ người Nga cũng rất nhiều lần thân chinh vào tận phòng thay đồ cảm ơn các cầu thủ và huấn luyện viên sau mỗi chiến thắng quan trọng. Ở một mức độ cao hơn là việc ban lãnh đạo M.U cho dựng tượng Sir Alex bên ngoài sân, một sự trân trọng đối với những đóng góp của “người làm công”. Tính chuyên nghiệp được thể hiện rất rõ ở những sự ghi nhận công lao đó. Thà cứ là “ông chủ” và “người làm công” rồi hành xử như vậy, đi còn hơn chuyện lãnh đạo bắt huấn luyện viên di chuyển tới cả ngàn cây số để lắng nghe “những lời vàng ngọc” trước ngày lên đường dự “trận đánh” lớn.

Nhật Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục