Nước Mỹ, cường quốc thể thao hàng đầu thế giới luôn được xem là điểm đến lý tưởng cho các tài năng thể thao tập luyện, nhất là sau thành công của Ánh Viên và Schooling, hai kình ngư đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, với các VĐV Việt Nam, ngoài trường hợp thành công của Ánh Viên, các VĐV khác đều thất bại.
Sau hơn một năm tập huấn tại Mỹ, "ngốn" hết khoảng 2 tỷ đồng của cơ quan chủ quản và Tổng cục TDTT, anh em nhà Quách Công Lịch, Quách Thị Lan đã rời Mỹ về Việt Nam. Và nếu không có 4 chiếc HCV đạt được ở Giải điền kinh vô địch quốc gia, tổ chức cách đây vài tháng tại sân Hàng Đẫy, thì quả là khó ăn, khó nói.
Tuy thế thành tích của 2 VĐV này vẫn chưa cho thấy hiệu quả sau hơn một năm liên tục ăn, tập miệt mài trên đất Mỹ. Ở nội dung 400 m nữ, thành tích của Lan sau hơn một năm trên đất Mỹ là 52 giây 72, thua thành tích (52 giây 06) khi cô đoạt được chiếc HCB Asian Games vào năm 2014. Và câu hỏi đặt ra là nếu chỉ để vô địch các giải đấu trong nước thì có nhất thiết phải đưa Lan sang Mỹ?
Trả lời câu hỏi này Trưởng bộ môn Điền kinh, Tổng cục TDTT Dương Đức Thủy cho rằng đúng là hiệu quả của chuyến tập huấn này chưa được như mong đợi. Ông Thủy nói: "Không chỉ riêng việc tập huấn tại Mỹ mà tập ở các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng phải xem xét kỹ xem có phù hợp với VĐV của ta không".
Vị chuyên gia này cũng cho rằng phải khảo sát kỹ lưỡng môi trường tập luyện, thi đấu trước khi đưa VĐV Việt Nam sang tập huấn và cần có người làm công tác quản lý về chuyên môn, có khả năng ngoại ngữ tốt để hỗ trợ, giám sát các VĐV. Trước khi lên đường tập huấn, bản thân HLV, VĐV cũng phải ý thức được việc chuẩn bị cho mình những kỹ năng tối thiểu để có thể hòa nhập vào môi trường tập luyện và thi đấu tại các nền thể thao chuyên nghiệp.
Theo ông Thủy, nguyên nhân dẫn đến việc hầu hết VĐV Việt Nam tập huấn tại Mỹ đều chưa hiệu quả, là do ý thức chuyên nghiệp, khả năng thích nghi và nhất là khả năng về ngoại ngữ còn quá hạn chế. Việc Lan, Lịch một mình sang Mỹ tập huấn trong khi vốn tiếng Anh chỉ đủ để... hỏi thăm sức khỏe, đã trở thành rào cản lớn khi hai VĐV này không thể tiếp thu hết được bài giảng cũng như không thể nói lại với chuyên gia những khúc mắc của mình để chuyên gia điều chỉnh.
Ông Thủy kể lại câu chuyện khi dẫn đội Điền kinh Việt Nam gồm 4 VĐV sang Mỹ tập huấn, các chuyên gia của Mỹ kiểm tra và phát hiện ra rằng VĐV Việt Nam bị thiếu canxi nên cần phải bổ sung và cần chất dẫn vitanmin D đến từ ánh nắng tự nhiên. Thế nhưng khi tập luyện thì nhiều VĐV sợ bị đen, che kín từ chân đến đầu nên nắng không thể chui lọt được để cung cấp vitamin D. Và thế là thiếu vẫn hoàn thiếu.
Một số chuyên gia khác cho rằng sở dĩ các chuyến tập huấn ở nước ngoài ở một số đội tuyển, với một số VĐV chưa hiệu quả là vì vốn quen với tinh thần tiết kiệm nên chế độ ăn thường được VĐV cắt bớt để dành tiền mang về nhà, dẫn đến sự thiếu hụt dinh dưỡng.
"Có lần tôi phát hoảng khi thấy VĐV của mình mang theo cá khô để ăn khi sang Mỹ tập huấn trong khi căng tin thì đầy đủ đồ ăn giàu chất dinh dưỡng. Lý do là vì không quen khẩu vị. Cứ ăn uống như thế thì sao có thể đảm bảo được", một HLV nói.
VĐV Nguyễn Thị Huyền sau chuyến tập huấn tại Mỹ năm 2014 đã nhất quyết không đi tập huấn nước ngoài nữa. Huyền cho biết khi sang Mỹ, cơ thể cô không kịp thích nghi nên thường dẫn đến những cơn đau dạ dày, ảnh hưởng đến việc tập luyện. Nhất quyết không đi tập huấn nước ngoài, Huyền ở nhà tập với thầy nội và 2 chiếc HCV cùng 2 suất dự Olympic mà cô đoạt được tại SEA Games 28 đã cho thấy VĐV không nhất thiết phải sang Mỹ mới có được thành tích tốt nhất.
Khi sang một đất nước xa lạ, cách xa nửa vòng trái đất, vấn đề khúc mắc lớn nhất mà các VĐV Việt Nam gặp phải là ngôn ngữ rồi việc tập luyện trái múi giờ, như việc Lịch, Lan kể rằng khó thích nghi khi múi giờ tập luyện tại Mỹ là buổi trưa trong khi ở Việt Nam, buổi trưa là giờ nghỉ ngơi.
Việc không hợp khẩu vị cũng là vấn đề nan giải. Một HLV kể lại rằng, đội tuyển của ông hễ cứ nghe đến việc phải đi tập huấn nước ngoài lại sợ vì nghĩ đến những miếng lườn gà to tướng, trắng bệch, nhạt nhẽo phải nuốt trong suốt vài tháng trời. Thế nhưng cứ đến hẹn lại lên, đội lại phải đi tập huấn!
Nói thế không có nghĩa là việc tập huấn tại Mỹ hay các quốc gia phát triển khác mang lại nhiều hại. Trên thực tế cái được lớn hơn rất nhiều. Như trường hợp thành công của Ánh Viên là một ví dụ. Ánh Viên luôn coi Mỹ là ngôi nhà thứ hai và giờ nữ VĐV này đã quá quen với chuyện tập luyện tại Mỹ.
"Tôi thích tập luyện bên Mỹ vì môi trường tập luyện chuyên nghiệp, được tập cùng nhiều VĐV giỏi của thế giới, đồ ăn ngon và đặc biệt là không bị phân tâm như khi ở nhà", Viên nói.
Thế nhưng để có được thành công như Ánh Viên, ngoài việc Viên có một người thầy đáp ứng được các tiêu chuẩn của Mỹ từ ngoại ngữ, đến việc thích nghi với lối sống, sinh hoạt, tập luyện, kịp thời áp dụng khoa học kỹ thuật thì yếu tố tự thân cũng rất quan trọng.
Sau một thời gian tập huấn chỉ dựa vào thầy, Viên đã kịp trang bị cho mình vốn tiếng Anh kha khá để có thể trao đổi về chuyên môn, tiếp xúc với các VĐV hàng đầu thế giới. Viên cũng không để nỗi nhớ nhà gặm nhấm tâm hồn, ý chí mà biến nó thành động lực tập luyện và thi đấu.
Thế nên nếu chưa được trang bị đầy đủ hành trang, không có thầy có đủ trình độ theo cùng thì tốt hơn hết VĐV của Việt Nam nên tìm một địa điểm tập huấn phù hợp thay vì phiêu du tới những môi trường tập luyện quá chuyên nghiệp như Mỹ để rồi hiệu quả thì chẳng thấy đâu trong khi tiền thì đã mất.