Neymar có thể xem là một cái tên thuộc diện xuất sắc nhất của bóng đá thế giới hiện tại. Ở tuổi 25, chàng trai Brazil trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới, vẫn là đội trưởng đội tuyển quốc gia và được thi đấu ở những CLB hàng đầu với mức lương cũng là “top” đầu thế giới. Với sự nghiệp như vậy, hẳn cầu thủ nào cũng mơ được hạnh phúc như Neymar.
Thế nhưng, chàng trai hạnh phúc ấy vừa bật khóc tức tưởi khi nhắc đến những vấn đề lùm xùm ở PSG. Phải nói thêm rằng cầu thủ này không phải là một cô đào nóng bỏng để có thể dùng nước mắt cầu xin lòng thương của người khác, đàn ông như Neymar mà nhỏ nước mắt trong phòng họp báo, chứ không phải trên sân cỏ, thì có khi còn bị những người ghét mình chỉ trích thêm. Thế nên, những giọt nước mắt ấy không phải là “diễn” mà nó có thể chứng tỏ rằng sự ức chế của Neymar đã lên đến đỉnh điểm.
Không ức làm sao được, khi mà sự thêu dệt từ khi Neymar tới PSG luôn tăng lên không ngừng. Hôm nay anh gây sự với đàn anh, ngày mai anh thành quyền lực đen trong phòng thay đồ, ngày kia anh “bật” luôn HLV,... những tin đồn cứ thế xảy ra liên tiếp và nếu tất cả đều là dối trá thì thử hỏi bao nhiêu người có thể chịu đựng được từng ấy điều tiếng đến với mình?
Tuy nhiên, Neymar là ngôi sao, cả thế giới sẽ biết đến những nỗi ấm ức của anh. Còn những cầu thủ ở Việt Nam, những người cũng chịu sự chỉ trích, sự thêu dệt như thế hàng tuần, hàng tháng, ai sẽ biết cho họ?
Một cầu thủ Việt phạm sai lầm, thì rất nhiều người, thậm chí có những người luôn vỗ ngực “khoe” rằng không thèm xem bóng đá Việt Nam, lập tức lên tiếng chỉ trích, kết tội bán độ, đòi mời công an vào cuộc,... Một hay một nhóm cầu thủ được lên tuyển quốc gia, lập tức người ta cũng cho rằng có những “dây”, có những mối quan hệ mờ ám hậu thuẫn họ. Hay thậm chí những cầu thủ có quen biết nhau giữa hai đội, trước trận đấu ngồi cafe với nhau cũng bị quy kết rằng họ sẽ... dàn xếp tỷ số. Còn những việc “lẻ tẻ” như tin đồn cầu thủ quen biết với “ông trùm”, hay là đàn em của một người có “quyền lực đen” nào đó thì nhiều vô kể, mà ngay cả nhiều danh thủ cũng từng bị quy chụp vào.
Tất nhiên, đối với bóng đá Việt, không ít những lùm xùm là có căn cứ, nhưng không thể vì một vài vụ việc mà đánh đồng tất cả cầu thủ với nhau. Người Việt rất thích các cầu thủ của mình chơi bóng như những nghệ sĩ, nhưng họ quên mất rằng nghệ sĩ cũng cần có cảm xúc mới có thể thăng hoa. Tâm lý các cầu thủ vốn đã kém, không thể giải tỏa cho họ đã đành, đằng này còn tròng thêm trên vai họ những gánh nặng tâm lý không đáng có, thì thử hỏi đôi chân cầu thủ thanh thoát như thế nào được?
Ngay sau khi SEA Games 2017 kết thúc với thất bại, Xuân Trường đã có những chia sẻ buồn, tất nhiên có thể anh còn trẻ và những phát biểu của anh chưa thực sự khéo léo, nhưng đó cũng là một tín hiệu, báo rằng áp lực các cầu thủ phải chịu là rất nhiều, và nó sẽ sớm trở thành những ức chế. Lẽ nào chúng ta muốn những hình ảnh đó lặp lại sao?
(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam