Những sai lầm của chủ tịch Florentino Perez trong 2 nhiệm kỳ qua

23:20 Thứ ba 16/09/2014

(TinTheThao.com.vn) - Florentino Perez là người đàn ông quyền lực nhất tại Real Madrid. Trên cương vị của mình chủ tịch của mình, ông đã đưa ra rất nhiều quyết định quan trọng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đội bóng. Nhưng không phải bao giờ đó cũng là quyết định đúng đắn. Và sau đây là 5 quyết định được coi là sai lầm của ông trùm xây dựng này.

Không gia hạn hợp đồng với HLV Vicente Del Bosque

Đó thực sự là một sai lầm của Florentino Perez và BLĐ Real. Sau khi kết thúc mùa giải 2002-2003 với chức vô địch La Liga lần thứ 29 cho Real, giám đốc thể thao Valdano lúc đó đã thay lời Chủ tịch Real nói rằng: "HLV Del Bosque đã có được thành công tại sân Bernabeu nhưng chúng tôi tin những sự thay đổi cần được thực hiện đúng lúc này".

HLV Del Bosque vẫn tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công sau khi rời Real Madrid.

Trong 4 năm dẫn dắt Real, HLV Del Bosque đã giành được 7 danh hiệu, trong đó có 2 chiếc cúp Champions League vào các năm 2000 và 2002, vô địch La Liga mùa giải 2000/2001 và 2002/2003, đoạt 1 cúp thế giới các CLB, 1 siêu cúp Châu Âu và 1 siêu cúp TBN. Hơn hết cả, lúc bấy giờ ông gần như là HLV duy nhất tại Tây Ban Nha chiếm được cảm tình của cả cầu thủ, NHM và giới truyền thông.

Khi ấy CLB cũng có rất nhiều ngôi sao như Roberto Calos, Luis Figo, Zidane, Ronaldo, Raul nhưng những cá tính mạnh mẽ đó được dung hòa với nhau và người duy nhất làm được điều đó chính là Del Bosque. Nhớ lại thời điểm khi “Ro béo” mới sang Real, chính Raul là người luôn tích cực chuyền bóng để tiền đạo Brazil có thể thoải mái ghi bàn.

Khi ông ra đi, chưa có bất cứ một HLV nào từ Carlos Queiroz, Camacho, Capello, Schuster, Juande Ramos, Pellegrini hay cả “Người đặc biệt” Mourinho mang về chức vô địch Champions League thứ 10 cho Real để hoàn thành giấc mơ Decima. Mãi đến sang năm nay HLV Ancelotti mới giúp đội bóng hiện thực hóa mong ước đó.

Ở chiều ngược lại, trong khoảng thời gian 10 năm đó Del Bosque đã trở thành HLV số 1 thế giới với 1 chức vô địch Euro và chức 1 chức vô địch World Cup cùng đội tuyển TBN, biến đội bóng từng được gọi là “Vua vòng loại” trở thành thế lực số một của bóng đá thế giới. Tuy nhiên mỗi khi được hỏi ông vẫn không thể dấu đi sự cay đắng vì bị BLĐ Real “vắt chanh bỏ vỏ”. Ông cũng tuyên bố trước báo giới rằng không bao giờ nhận lời dẫn dắt Real thêm một lần nữa.

Quyết định bán Makelele

Lịch sử bóng đá có lẽ ghi nhận rất ít mẫu cầu thủ tiền vệ phòng ngự như Claude Makelele, một cầu thủ nhỏ con với chiều cao khiêm tốn 1.70m. Makelele không phải là mẫu cầu thủ giỏi sử dụng kỹ thuật và tốc độ, cũng không phải là người có khả năng phát động tấn công nhưng anh lại sở hữu khả năng phán đoán tình huống, đánh chặn từ xa tuyệt vời. Không rườm rà, không hoa mỹ, chẳng sử dụng quá nhiều sức để tranh chấp, anh chơi bóng bằng cái đầu nhiều hơn. Nếu nhìn có lẽ ít ai thấy được tầm quan trọng của Makelele trong đội hình nhưng chỉ cần thiếu vắng anh thì ngay lập tức đội hình Real gặp nhiều xáo trộn và khó khăn trong việc thu hồi bóng cũng như giữ nhịp trận đấu.

Thế nhưng bấy nhiêu lý do cũng không giúp được Makelele có thể ở lại Real bởi theo như Perez từng nói anh không mang gen Los Galacticos. Năm 2003, Makelele bị bán sang Chelsea và trở thành một phần quan trọng trong sự vươn lên mạnh mẽ của The Blues với 2 chức vô địch Premier League liên tiếp mùa giải 2004/2005, 2005/2006. Còn Real thì sao, kể từ khi Makelele ra đi họ mất luôn chốt chặt quan trọng nhất ở tuyến giữa. Chính Zidane từng nói rằng: “Không lúc nào chúng tôi thôi nghĩ về anh ấy, anh ấy là cầu thủ tuyệt vời”.

Real nhiều năm liền sống trong nỗi nhớ Makelele.

Giải tán nhóm Hà Lan bay

Sau khi trở lại nắm quyền tại Real lần 2 vào năm 2009 để thay thế cho người tiền nhiệm Ramon Calderon, việc đầu tiên Perez làm là xóa sổ tàn dư của chế độ cũ, tiêu biểu là nhóm những cầu thủ Hà Lan bao gồm Robben, Sneijder và Huntelaar. Riêng Huntelaar chỉ vừa đến Real chưa đầy 6 tháng cũng đã phải ra đi với lý do để dọn đường đón Ronaldo và Benzema.

Thời gian cho thấy đây là một quyết định cực kỳ sai lầm. Như ai cũng biết chỉ 1 năm sau Sneijder giành cú ăn ba lịch sử với đội bóng mới Inter Milan, còn Robben thì cùng với Bayern giành cú đúp danh hiệu và chỉ chịu thất bại trước Inter ở trận chung kết Champions League năm ấy. Sau này chính anh là người hùng giúp “Hùm xám” đăng quang ở Wembley trước Dormund mùa giải 2012/2013.
Ngoài ra Huntelaar cũng cho thấy anh không phải là “món hàng thải” khi vẫn tiếp tục duy trì trong độ ghi bàn, nhất là từ khi chuyển đến đầu quân cho Schalke 04. Quá vội vàng đưa ra quyết định bán cầu thủ, chủ tịch Real đã phải trả một giá đắt và từng là mục tiêu châm chọc của báo chí TBN trong suốt một thời gian dài.

Rời khỏi Real, cả Sneijder và Robben cùng nhau tỏa sáng.

Biến Real thành mồ chôn tài năng trẻ

Chính từ thói quen bạo chi trong các chuyển nhượng của chủ tịch Perez đã khiến Real lúc nào cũng đặt trong tình cảnh dư thừa tài năng. Những “sao mai” được đôn từ đội trẻ hoặc được mua về không có nhiều cơ hội được ra sân thi đấu trước cái bóng quá lớn của các bậc đàn anh. Viễn cảnh được xếp đá chính ở La Liga hay Champions League thực sự là một điều quá xa xỉ với họ.

Cúp Nhà Vua TBN được cho là sân chơi duy nhất những tài năng trẻ này được HLV ngó ngàng tới. Ở cái tuổi cần thi đấu nhiều để tích lũy kinh nghiệm và hoàn thiện kỹ năng thì băng ghế dự bị chẳng khác gì liều thuốc độc hủy hoại giấc mơ phát triển tài năng. Trước khi đến Real họ được ngợi ca rất nhiều và nhận định sẽ sớm trở thành những ngôi sao trong tương lai.

Thế nhưng chỉ sau 1, 2 mùa ở đây, giấc mộng được tỏa sáng trong màu áo đội bóng Hoàng gia TBN không còn nữa, thay vào đó là sự chán nản bao trùm lên những đôi chân mới đôi mươi này, điều mà họ đã được cảnh báo trước nhưng vẫn không thể cưỡng lại sức hút mãnh liệt từ phía Real.

Dưới thời của Florentino Perez, số phận của những cầu thủ như Nuri Sahin không hề ít.

Từ Garay, Gago, Canales, Granero cho đến Nuri Sahin, Casemiro đều chịu chung một số phận như nhau. Nói qua thì phải nói lại, tuy Real được cho là mồ chôn tài năng trẻ nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, họ đã vươn lên mạnh mẽ trên mảnh đất khô cằn này, tiêu biểu phải để đến Benzema, Higuain, Oezil, Marcelo, và bây giờ là trung vệ người Pháp – Varane hay bộ đôi người TBN là Carvajal và Jese. Thế nhưng từng đó là chưa đủ để người ta có thể có cái nhìn khách quan hơn về cách vung tiền mua sắm vô tội vạ của chủ tịch Perez và các cộng sự của ông.

Quá thờ ơ trước những mâu thuẫn đội bóng mùa giải 2012/2013

Một trong những nguyên nhân chính khiến thành tích của Real mùa giải 2012-2013 trở nên sa sút đó chính là mâu thuẫn nội bộ đội bóng. Chẳng ai tưởng tượng được rằng chỉ 1 năm sau chứng vô địch La Liga lần thứ 32 với điểm số kỷ lục 100, nội bộ Real lại trở nên lục đục như vậy. Đầu tiên là việc các cầu thủ gần như được chia thành 2 phe đối địch: những người TBN và những cầu thủ nói tiếng Bồ, chỉ có 1 vài cầu thủ được xem là trung lập.

Sau đó mâu thuẫn càng được đẩy lên cao khi HLV Mourinho đẩy đội trưởng Iker Casillas lên băng ghế dự bị, đồng thời loại hết những ai chống đối mình ra khỏi đội hình chính. Ông công khai chỉ trích thẳng mặt nhiều cầu thủ được cho là cố tình chơi dưới sức, điều đó tạo nên những cuộc khẩu chiến vô cùng căng thẳng. Thất bại trước Dortmund tại bán kết Champions League 2012/2013 như một giọt nước tràn ly khiến Mourinho phải rời khỏi Real sau 3 mùa giải tại vị.

Chủ tịch Perez quá thờ ơ với những mâu thuẫn trong nội bộ Real dưới thời Mourinho.

Người ta đặt ra câu hỏi rằng trong khi nội bộ đội bóng rối như canh hẹ thì vị chủ tịch đáng kính của Real đang làm gì? Ông thừa hiểu chuyện gì đang xảy ra với đội bóng của mình nhưng cũng tỏ ra bất lực và thiếu quyết đoán. Điều duy nhất ông nói với đội bóng của mình đơn giản chỉ bằng là: "Căng thẳng là điều không bao giờ tốt".

Nếu ông chịu đứng ra can thiệp ngay từ khi mâu thuẫn còn đang ở trong trứng thì mọi chuyện chắc chắn sẽ khác. Nhưng không! Chẳng có cuộc dàn xếp còn được diễn ra cả và mâu thuẫn vẫn cứ tiếp diễn cho đến ngày cuối cùng Mourinho ở lại Real. Có lẽ rằng quá lo cho chiếc ghế trong cuộc tái bầu cử chủ tịch Real, ông trùm xây dựng này chọn giải pháp an toàn nhất là nằm im, thở khẽ.

Bán Xabi Alonso và Di Maria

Các Madridista đang rất nhớ Alonso và Di Maria.

Hai trong số những nhân tố quan trọng đem về danh hiệu Champions League thứ 10 cho Real ở mùa giải trước đã phải nói lời chia tay với Bernabeu trong mùa hè này, đó chính là Alonso và Di Maria. Giữa bối cảnh hàng tiền vệ của Real đang gặp nhiều khó khăn cả về chất và lượng thì việc bán Alonso được xem là hành động cực kỳ khó hiểu bởi ai cũng biết tầm ảnh hưởng của tiền vệ người TBN lên lối chơi chung của đội. Lối chơi kinh nghiệm và điềm tĩnh của Alonso đã giúp cho tuyến giữa của Real vận hành linh hoạt hơn rất nhiều.

Nếu Alonso sở hữu khả năng giữ nhịp trận đấu tuyệt vời thì Di Maria lại là nguồn sáng tạo vô tận trong lối chơi của đội bóng. Dù mùa giải trước thi đấu không phải ở vị trí sở trường nhưng tiền vệ người Argentina đã nhanh chóng thích nghi trong vai trò mới của một tiền vệ trung tâm. Vẫn sở hữu tốc độ, khả năng xuyên phá nhưng người ta còn nhìn thấy ở Di Maria một hình ảnh hoàn toàn mới lạ của một ông “vua kiến tạo”. Con số 17 đường chuyền thành bàn ở La Liga 2013/2014 là minh chứng rõ nét nhất. Ngoài ra khả năng phòng ngự của anh cũng được cải thiện đáng kể.

Ngay sau khi bán Alonso và Di Maria, chủ tịch Perez đã nhận được không ít lời phàn nàn từ CĐV, thậm chí ngay cả các cầu thủ như Ronaldo cũng lên tiếng vì việc này. Và chuyện mà nhiều người dự đoán đã xảy ra, Real thua 2/3 trận đấu đầu tiên tại La Liga mùa này dù sở hữu nhiều ngôi sao tấn công sáng giá như Ronaldo, Bale, James Rodriguez, Kroos, Benzema. Thêm một lần người ta lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của Zidane: “Tại sao lại dát thêm vàng lên chiếc Bentley, trong khi chúng ta đã mất đi động cơ”.

Đức Thịnh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục