Điển hình nhất cho việc hụt HCV vì tâm lý là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Ở nội dung thi đấu đầu tiên của mình ở SEA Games năm nay là 50m, Xuân Vinh thường xuyên phải nhận điểm 7, và đã có lượt bắn thậm chí đạt điểm 5,7 - số điểm thấp chưa từng có.
Sau khi thất bại ở nội dung 50m, Xuân Vinh và Ban huấn luyện Đội tuyển bắn súng "xin" truyền thông không tiếp cận để tránh việc áp lực đè nặng lên vai anh. Nhưng sau đó, ở nội dung 10m sở trường - nội dung đã từng giúp Xuân Vinh giành HCV lịch sử ở Olympic Rio 2016 thì anh cũng thất bại đáng tiếc.
Và phải đến lúc này thì Xuân Vinh mới chính thức lên tiếng: "Tôi thất bại do vấn đề tâm lý". Áp lực của một nhà vô địch Olympic, của một ngôi sao được quan tâm, chú ý nhiều nhất trong trường bắn khiến Xuân Vinh không còn giữ được sự chính xác cần thiết trong mỗi lần nhắm bắn.
Tâm lý cũng là vấn đề của một VĐV trọng điểm khác: Nguyễn Thị Ánh Viên. Cô gái người Cần Thơ cho biết, khi tham gia những nội dung thi đấu đầu tiên, cái suy nghĩ "sợ thua", "sợ mất huy chương" trong mình là có thật.
HLV Đặng Anh Tuấn nhận định rằng, ở Asiad vào năm tới, Ánh Viên sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với khoảng 3,4 VĐV khác có trình độ tương đương mình, và trong những thời điểm so kè quyết định ấy, yếu tố tâm lý đóng vai trò cực lớn.
Hoàng Xuân Vinh và Nguyễn Thị Ánh Viên chỉ là hai trường hợp điển hình trong số khá nhiều trường hợp thi đấu không đúng sức vì lý do tâm lý. Thế nên Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn mới cho biết: "Kết thúc SEA Games, chúng tôi đã hoạch định xong khoảng 100 VĐV được đầu tư trọng điểm cho chiến dịch săn huy chương Asiad 2018, và lần này chắc chắn sẽ có sự xuất hiện của các bác sĩ tâm lý bên cạnh các VĐV. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí nên chỉ có một nhóm nhỏ VĐV được các chuyên gia tâm lý này kèm cặp".