Nhìn từ Giải U21 Quốc gia sang U21 Premier League

18:15 Chủ nhật 25/10/2015

(TinTheThao.com.vn) - Tất nhiên, trình độ bóng đá Việt Nam không thể mang ra so sánh với bóng đá Anh. Nhưng hãy thử nhìn những nét khác biệt giữa Giải U21 Quốc gia đang diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh và U21 Premier League của người Anh.

Giải U21 Quốc gia ở Việt Nam thường quy tụ khoảng 25 đội bóng, đó là các lò đào tạo trẻ từ Bắc chí Nam. Các đội bóng phải thi đấu vòng loại để chọn ra 8 đại diện mạnh nhất vào vòng chung kết. Tại đó, họ tranh tài với nhau để đi đến trận chung kết và định đoạt chức vô địch sau 90 phút bóng lăn. Thời gian tổ chức Giải U21 Quốc gia từ vòng loại đến vòng chung kết chỉ trong vỏn vẹn chưa đầy một tháng.

Giải U21 Quốc gia diễn ra chỉ trong gần một tháng. Ảnh: Đình Viên.

Trong khi đó, người Anh tổ chức U21 Premier League theo thể thức League và bài bản không khác gì Premier League. Mùa 2015 có 24 đội bóng tham dự, bao gồm 12 đội Division 1 và 12 đội Division 2. Các đội trong từng Division đá vòng tròn hai lượt sân khách – sân nhà. Đội đứng đầu Division 1 giành chức vô địch (mùa 2014-15 là Manchester United). Hai đội bét bảng Division 1 phải xuống hạng, thay thế bằng hai đội dẫn đầu Division 2.

Mùa giải kéo dài trong khoảng 9 tháng, từ tháng 8 đến tháng 5 năm sau, tương tự Premier League. Ngoài ra, các đội U21 còn được tham dự U21 Premier Cup (phiên bản FA Cup dành cho lứa tuổi U21). Tóm lại, những cầu thủ trẻ tại Anh có rất nhiều dịp cọ xát vì thi đấu xuyên suốt cả năm chứ không theo thời vụ như ở Việt Nam.

Về thành phần lực lượng, Giải U21 Quốc gia Việt Nam và U21 Premier League cũng có sự khác biệt rõ ràng. Tại Anh, một cầu thủ đã khẳng định được tên tuổi ở đội 1 bị đẩy xuống tuyến trẻ có thể coi như một hình phạt. Ví dụ ở Manchester United, những trụ cột như Robin van Persie, Jonny Evans, Radamel Falcao, Michael Carrick,… từng phải xuống đá ở đội trẻ (U21 Premier League không giới hạn độ tuổi). Sở dĩ họ bị “đày” xuống đội U21 vì HLV muốn họ lấy lại thể lực, hoặc coi đó là một cách để trừng phạt.

Hãy tạo cơ hội để các cầu thủ ra sân tại Giải U21 Quốc gia. Ảnh: Đình Viên.

Còn tại Việt Nam, các CLB “gửi” những cầu thủ ở đội 1, thậm chí là tuyển thủ quốc gia hoặc U23 Việt Nam, đi dự giải trẻ nhằm lấy thành tích. Không thể phủ nhận, những gương mặt đã thành danh sẽ giúp giải đấu tăng chất lượng chuyên môn và giúp ban tổ chức dễ dàng thu hút truyền thông, nhà tài trợ và khán giả. HLV Phan Thanh Hùng của Hà Nội T&T đồng tình: “Họ là tuyển thủ quốc gia nhưng vẫn có trách nhiệm với CLB. U21 Quốc gia cũng là giải trẻ quốc gia nên những tuyển thủ quốc gia ở lứa tuổi đó tham gia thì là chuyện bình thường.”

Tuy nhiên, điều này không có lợi cho sự phát triển bóng đá trẻ về lâu về dài, bởi các ngôi sao sẽ lấy đi cơ hội ra sân của những cầu thủ “mới toanh”. Nhiều năm nay, các đội bóng thường xuyên chạy theo cái lợi trước mắt để ghi vào “báo cáo thành tích” cuối năm. Rõ ràng, việc từ chối cơ hội cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm của cầu thủ trẻ tại các giải đấu như U21 Quốc gia là điều không nên và cần được thay đổi.

Hữu Thời | 18:00 25/10/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục