Nhìn lại thể thao thế giới năm 2016: Anh hùng và kẻ thất thế

17:15 Thứ tư 28/12/2016

Năm 2016, làng thể thao thế giới đón nhận khá nhiều sự bất ngờ, trong đó có cả những thành tích không tưởng lẫn những thất bại ngoài dự đoán.

Những kẻ thất thế

* "Búp bê Nga" Maria Sharapova dính chàm

3

 

Vốn được xem là một trong những "cô gái vàng" của quần vợt thế giới, Maria Sharapova hứng chịu không ít tiếng xấu sau khi cô thừa nhận đã không vượt qua cuộc kiểm tra doping tại giải Australia Open hồi tháng 1/2016.

Tay vợt người Nga có kết quả dương tính với chất meldonum và chịu án cấm thi đấu 2 năm, sau đó giảm còn 15 tháng nhờ kháng cáo. Nhà sản xuất vợt Head và đại gia trang phục thể thao Nike vẫn trung thành với Sharapova, nhưng nhiều nhãn hàng khác đã nhanh chóng chấm dứt làm việc với cô.

Sharapova được phép thi đấu trở lại vào tháng 4/2017, nhưng con đường đó sẽ không dễ dàng khi mọi động thái của cô sẽ bị soi xét kỹ càng.

* Sam Allardyce - 67 ngày và phát ngôn tranh cãi

Sam Allardyce được đặt rất nhiều vọng có thể đưa tuyển Anh bay cao, nhưng chỉ 67 ngày sau đó, ông đã bị sa thải vì những phát ngôn gây tranh cãi bị báo chí phát giác. Người ta đã ghi lại được cảnh nhà cầm quân 62 tuổi này hướng dẫn cách lách luật chuyển nhượng và châm chọc người tiền nhiệm Roy Hodgson.

Giai đoạn nắm quyền của ông là ngắn nhất trong lịch sử huấn luyện viên của tuyển Anh, đồng thời khiến bóng đá Anh càng thêm mất mặt sau thất bại gây sốc trước Iceland tại EURO 2016. "Kế hoạch gài bẫy đã thành công, và tôi phải chấp nhận điều đó", Allardyce đã chia sẻ với báo giới như vậy.

* Ryan Lochte và bê bối "ăn cướp"

Nhà vô địch bơi lội người Mỹ Ryan Lochte đã bổ sung chiếc huy chương vàng 4x200m tự do vào danh sách thành tích của anh tại Olympic 2016, nhưng lại vướng vào vụ bê bối "ăn cướp" tai tiếng, khiến anh trở thành trò cười cho thiên hạ.

Lochte nói rằng anh và 3 đồng đội đã bị kẻ cướp đóng giả làm cảnh sát chặn lại khi họ trở về sau một đêm vui chơi ở Rio de Janeiro (Brazil). Nhưng cảnh sát nhanh chóng bác bỏ câu chuyện hư cấu này sau khi băng camera an ninh cho thấy cảnh nhóm của Lochte thực chất đã phá hoại một trạm xăng.

Gunnar Bentz, Jimmy Feigen và Jack Conger bị cấm thi đấu 4 tháng, trong khi nhà sản xuất trang phục bơi Speedo dẫn dầu một loạt nhà tài trợ cắt đứt quan hệ với Lochte. Kình ngư 32 tuổi này cũng phải chịu án cấm thi đấu kéo dài 10 tháng.

* Sepp Blatter và Michel Platini

Đã gần 1 năm kể từ khi hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới bóng đá là Sepp Blatter và Michel Platini bị đẩy ra khỏi môn thể thao vua. Khoản chi 2 triệu franc Thụy Sĩ (2 triệu USD) gây tranh cãi cho Platini đã khiến bộ đôi này sụp đổ, với hàng loạt kháng cáo bất thành. Lệnh cấm hoạt động trong lĩnh vực thể thao với thời gian 8 năm ban đầu đã được giảm xuống còn 4 năm đối với Platini và 6 năm đối với Blatter.

Trong khi cựu ngôi sao người Pháp thề sẽ tiếp tục kháng án lên tòa án dân sự Thụy Sĩ, thì Blatter đã thừa nhận ông "đã ở cuối con đường" và không tiếp tục đấu tranh pháp lý.

Cương vị Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), do ông Blatter đảm nhiệm từ năm 1998, đã được trao cho ông Gianni Infantino, trong khi ông Alekander Ceferin thay thế Platini làm người đứng đầu Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA).

Anh hùng

* Leicester City vô địch Premier League

1

 

Leicester đã tạo nên cú sốc lớn nhất lịch sử bóng đá Anh khi họ nâng cao chiếc cúp vô địch Premier League mùa giải 2015-2016, dù trước đó chỉ được trao tỷ lệ đặt cược 5000/1.

Sau khi trụ hạng thần kỳ ở mùa giải trước, "bầy cáo" tiếp tục đà thăng tiến để hoàn thành câu chuyện cổ tích trong mơ. Hành trình "lên hương" của Leicester cũng phản chiếu con đường tỏa sáng của Jamie Vardy - tiền đạo mới vài năm trước còn thi đấu ở giải nghiệp dư - với 24 bàn thắng, xếp thứ hai ở danh sách Vua phá lưới sau Harry Kane.

Tiền vệ Riyad Mahrez cũng đã giành giải Cầu thủ xuất sắc nhất năm của Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh, trong khi N'Golo Kante và Wes Morgan cũng được lựa chọn vào đội hình của năm.

* Eder đưa Bồ Đào Nha lên đỉnh

2

 

Eder đã trở thành người hùng của đội tuyển Bồ Đào Nha khi ghi bàn thắng quyết định trong trận chung kết EURO 2016, giúp đội nhà giành ngôi vô địch châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử.

Trước đó, chẳng mấy ai tin rằng tiền đạo gốc Guinea-Bissau này sẽ làm nên chuyện tại Stade de France, do anh mới chỉ ghi được 3 bàn thắng trong 28 lần ra sân, và đó đều là các trận giao hữu.

Nhưng việc Cristiano Ronaldo bị chấn thương ngay đầu trận đấu đã khiến Bồ Đào Nha phải tính toán lại và tiền đạo 28 tuổi được tung vào sân ở cuối hiệp 2. Cú sút xa đầu uy lực từ khoảng cách 30m của Eder đã khiến thủ thành Hugo Lloris (Pháp) phải bất lực nhìn bóng bay vào lưới.

* Luvo Manyonga

Vận động viên nhảy xa người Nam Phi Luvo Manyonga đã chiến thắng các kình địch lẫn thói nghiện ma túy trên con đường lấy lại danh dự. Phần thưởng cho anh là chiếc huy chương bạc tại Olympic Rio 2016.

Manyonga nổi lên trên đấu trường quốc tế với vị trí thứ 5 tại giải vô địch thế giới năm 2011 tại Daegu (Hàn Quốc), nhưng sau đó lại rơi vào "địa ngục trần gian" vì nghiện ma túy. Anh bị cấm thi đấu 18 tháng vì có kết quả dương tính trong một lần kiểm tra doping năm 2012, nhưng cuối cùng cũng từ bỏ được ma túy sau khi rời quê hương Mbekweni.

Tuy Manyonga lỡ hẹn đáng tiếc với tấm huy chương vàng ở Brazil, khi chỉ kém 1cm so với thành tích của vận động viên người Mỹ Jeff Henderson, nhưng anh vẫn đem đến câu chuyện truyền cảm hứng bậc nhất các kỳ Olympic.

* Simone Biles - Kỷ lục gia 19 tuổi

Vận động viên thể dục dụng cụ Mỹ Simone Biles tham dự kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp với một màn trình diễn kinh điển. Mới chỉ 19 tuổi, Biles đã san bằng kỷ lục 4 huy chương vàng ở nội dung đồng đội, cá nhân toàn năng, ngựa gỗ và tự do. Bài thể hiện không như ý khiến cô đánh mất chiến thắng thứ 5 ở nội dung cầu thăng bằng và đành hài lòng với huy chương bạc.

Nhưng với chừng đó, Biles cũng đã đánh dấu tên tuổi mình là nữ vận động viên thể dục dụng cũ xuất sắc nhất thế giới. Biles trở thành nữ vận động viên thứ tư giành được 4 huy chương vàng tại cùng một kỳ Olympic, sau Agens Keleti của Hungaria (1956), Larissa Latynina của Liên Xô (1956), Vera Caslavska của Tiệp Khắc (1968) và Ecaterina Szabo của Romania (1984).

VIỆT ANH | 17:15 28/12/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục