Nhìn lại SEA Games 27: Vì sao các VĐV Việt Nam thường bị trọng tài “hạ knock-out”?

15:14 Thứ ba 24/12/2013

Các trọng tài xử lý thiếu công bằng ở các kỳ SEA Games không còn là chuyện lạ nhưng có nhiều lý do khiến tỷ lệ các sự cố kiểu này rơi vào các VĐV nhiều hơn.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi




“Độc cô cầu bại” thế giới cũng phải khóc

Đang là ĐKVĐ thế giới, không có đối thủ ở châu Á, võ sỹ muay Thái, Nguyễn Trần Duy Nhất chắc chắn ở một đẳng cấp khác so với các đối thủ còn lại ở hạng cân 60kg nam. Trong trận bán kết môn chiều 19/12, Duy Nhất cũng đã thể hiện rất rõ năng lực chuyên môn của mình. Đối đầu với võ sỹ của Lào, Duy Nhất liên tục tung ra những đòn đánh hóc hiểm và đầy uy lực. Do bị áp đảo hoàn toàn, VĐV của Lào không thể chống đỡ và cuối cùng chọn chiến thuật chạy quanh sàn đấu để né đòn.

Khi tất cả đều tin chiến thắng sẽ thuộc về Duy Nhất thì các trọng tài lại đưa ra quyết định khiến tất cả phải ngỡ ngàng: Duy Nhất bị xử thua. Ngay lập tức, hơn 3.000 khán giả Myanmar ở nhà thi đấu Wunna Theikdi đã la ó, phản ứng dữ dội với quyết định quá đỗi bất công này. Các võ sỹ của Indonesia, Philippines có mặt ở đó cũng ra hiệu rằng Duy Nhất mới là người chiến thắng chứ không phải võ sỹ của Lào. Thậm chí, ngay cả HLV của đội muay Lào cũng bày tỏ rằng, VĐV của ông kém hơn hẳn và bản thân ông cũng rất ngạc nhiên khi Duy Nhất bị xử thua.

Nguyễn Trần Duy Nhất đã bật khóc vì bị xử ép. Ảnh: Internet.

Quá tức tưởi với thất bại hết sức vô lý này, Duy Nhất đã phản ứng mạnh mẽ. Anh khoác quốc kỳ Việt Nam trên sàn đấu để chứng tỏ mình mới là người chiến thắng. Sau đó, do không kìm nén được cảm xúc, Duy Nhất đã bật khóc. BHL ĐT muay Việt Nam đã làm đơn khiếu nại nhưng không thể thay đổi vì ông Tổng trọng tài lại là... người Lào.

Trước đó, trong trận chung kết nội dung kata đồng đội nữ, bộ ba võ sỹ karate của Việt Nam là Thu Hà, Thanh Hằng và Hoàng Ngân có màn thể hiện vượt trội nhưng có tới 4 trong số 5 trọng tài lại quyết định chiến thắng thuộc về VĐV chủ nhà Myanmar. Dù ngay sau đó, Trưởng ban Trọng tài đã lên tiếng thừa nhận sai lầm nhưng kết quả không thể thay đổi. Rồi ở môn wushu, VĐV từng giành HCV thế giới và mới vô địch World Games, Nguyễn Thanh Tùng dù có bài thi rất tốt nhưng các trọng tài lại chấm anh đứng cuối cùng trong số các VĐV tham dự.

Chưa dừng lại, sự thiếu công tâm từ công tác trọng tài còn khiến đoàn TTVN mất 3 HCV trong ngày thi đấu áp chót. Cụ thể, sáng 21/12, Nguyễn Thị Dương bước vào trận chung kết hạng 51 kg môn kempo gặp VĐV của Indonesia. Thi đấu tốt, đấu pháp hợp lý nhưng Nguyễn Thị Dương lại bị trọng tài xử ép khá lộ liễu để rồi bị tước mất HCV trong cay đắng của toàn thể ĐT kempo Việt Nam.

Đến buổi chiều, dù là đương kim VĐTG nhưng trong trận chung kết hạng 48kg môn muay Thái, Bùi Thị Quỳnh cũng phải trào nước mắt vì cách chấm điểm quá thiên vị của trọng tài cho VĐV của nước chủ nhà Myanmar. Sau Bùi Thị Quỳnh, nhà vô địch châu Á, Phan Thị Ngọc Linh cũng bị xử ép ở hạng 57kg nữ, qua đó mất HCV vào tay VĐV của Thái Lan…

Vì sao đoàn TTVN hay bị o ép?

Ai cũng biết, thế mạnh lớn nhất của TTVN ở các kỳ SEA Games là nhóm các môn võ vật. Số lượng HCV từ nhóm môn “fighting” luôn chiếm trên 50% tổng số HCV của cả đoàn, thậm chí có Đại hội con số này lên tới 60-70%. Ở các môn thi đấu đối kháng và biểu diễn, tác động của trọng tài luôn rất lớn do luật lệ một số môn chưa minh bạch.

Trong khi Việt Nam dựa vào các môn võ vật thì Thái Lan lại mạnh đều ở nhiều môn thể thao, trong đó chủ lực là những môn cơ bản của Olympic. Thế nên dù chính là đối thủ cạnh tranh trực tiếp ngôi đầu bảng với đoàn Myanmar nhưng Thái Lan chưa bị trọng tài “hành” nhiều như Việt Nam. Tương tự, các đoàn Malaysia, Singapore cũng tập trung đầu tư cho các môn Olympic vốn có luật rõ ràng nên tác động của trọng tài là ít hơn.

Giấc mơ vàng của Thanh Phúc không thể thành hiện thực ở Myanmar. Ảnh: internet.

Việt Nam bị trọng tài o ép cũng có nguyên nhân từ việc chúng ta có quá ít quan chức và trọng tài cầm trịch ở các cuộc thi đấu khu vực. Nhìn cảnh 5 quan chức họp bàn quyết định lá đơn kiện của ĐT bơi lội Việt Nam về việc VĐV Li Tao (Singapore) xuất phát phạm luật mà 4 trong số đó là đồng hương Singapore thì người ta đủ hiểu quyết định cuối cùng sẽ nghiêng về ai.

Tương tự với môn pencak silat, Việt Nam từng làm mưa làm gió ở nội dung đối kháng nhưng chưa bao giờ giành HCV SEA Games ở nội dung biểu diễn. Nguyên nhân là quê hương của môn võ này là Indonesia luôn kiểm soát lực lượng trọng tài và có đủ quyền lực để phân chia huy chương theo ý muốn.

Một rào cản lớn đối với các quan chức và trọng tài Việt Nam khi tham gia các tổ chức quốc tế là vấn đề ngoại ngữ. Không có đủ trình độ giao tiếp một cách tương đối nên rất ít quan chức Việt Nam được giao trọng trách ở các liên đoàn, hiệp hội thể thao khu vực. Từ đó, chúng ta luôn phải nhìn cảnh các VĐV của Việt Nam khóc ròng vì uất ức sau mỗi cuộc đấu.

HLV ĐT karate Lê Công từng phân tích rằng người Việt Nam có thể lực yếu hơn hẳn các đối thủ trong khu vực do ảnh hưởng của yếu tố lịch sử, chiến tranh. Thế nên, trong thi đấu chúng ta thường không giành được chiến thắng áp đảo như cách mà Thái Lan thường làm nên những trọng tài không công tâm có cơ hội ra tay.

Nhận định của HLV Lê Công là khá chính xác khi mà những gương mặt xuất sắc vượt trội như Nguyệt Ánh (karate), Nguyễn Văn Hùng (taekwondo), Mẫn Bá Xuân, Đới Đăng Hỷ (vật) hiếm khi phải phàn nàn vì vấn đề trọng tài vì họ luôn thắng áp đảo đối thủ.

Quang Ngọc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục