Nhìn lại cú ngã của Italia: Xa phản công, gần… thất bại!

14:08 Thứ bảy 21/06/2014

Bị Costa Rica dẫn trước, Italia đã phải xa rời lối chơi phản công sở trường để tìm kiếm bàn thắng. Nhưng đó cũng là thời điểm mà đội hình Azzurri xộc xệch nhất, thiếu sáng tạo nhất, vấn đề mà HLV Cesare Prandelli phải cải thiện trong trận tử chiến với Uruguay ở loạt trận cuối.

Ốc chẳng mang nổi mình ốc

Trước trận đấu này, người ta đã nói nhiều về việc Italia sẽ giải mã hiện tượng Costa Rica, hay xa hơn là thắp lại hi vọng sống cho người Anh. Chẳng bởi vậy mà ở Recife đêm qua, đã có những lá cờ Anh phấp phới trên phía khán đài Pernambucano. Italia ra sân và chiến đấu dưới sự ủng hộ của 2 quốc gia, thậm chí là 3 nếu tính cả Uruguay, đội bóng không muốn chiến Azzurri ở loạt trận cuối trong thế “một mất một còn”.

Nhưng “ốc chẳng mang nổi mình ốc”! Italia không thể đảm bảo mục tiêu tối thiểu là 1 điểm chứ nói gì tới chuyện cứu người Anh, hay xa hơn là giúp Uruguay dễ thở hơn ở loạt trận hạ màn.

Italia tự đẩy mình vào thế khó sau trận thua Costa Rica

Giờ thì Italia đã tự đẩy mình vào thế khó khi buộc phải quyết tử với Uruguay trong trận đấu mà thất bại sẽ khiến thầy trò Cesare Prandelli phải theo Tây Ban Nha và Anh về nước. Đó chính là kịch bản không tưởng mà người ta rất chờ đợi ở bảng tử thần. Chỉ khác biệt ở chỗ, “kẻ lót đường” giờ lại là khoan thai chờ đợi đối thủ của mình ở vòng 1/8, trong khi 3 đại gia phải lao vào cuộc chiến “sinh tử”.

Nếu Italia để thua thêm 1 bàn ở trận gặp Costa Rica đêm qua, đó sẽ là ác mộng với thầy trò Prandelli. Đơn giản bởi ở lượt trận cuối, họ buộc phải thắng chứ không có cửa hòa trước Uruguay. Đó là lí do vì sao các tifosi đã phải sống trong cảm giác sợ hãi khi Costa Rica liên tục tạo ra cơ hội trong thời điểm Azzurri đẩy cao hết cỡ.

“May mắn” thậm chí là từ đã được nhiều tờ báo Italia nhắc tới khi nói về thất bại của thầy trò Prandelli. Bên cạnh đó là lời ca ngợi dành cho Costa Rica, đội bóng hoàn toàn lấn lướt Azzurri về thể lực, tốc độ và cả đấu pháp.

Lục lại quá khứ, các tifosi có thể thông cảm với thất bại của Azzurri bởi kể từ France 1998 tới nay, đội quân áo thiên thanh chưa bao giờ thắng ở lượt đấu thứ 2 vòng bảng World Cup, kể cả trong lần vô địch phi thường năm 2006. Cách đây 4 năm, họ bị “tiểu gia” New Zealand cầm hòa trước khi thua Slovakia và trở thành nhà vô địch thứ 4 phải về nước từ vòng bảng.

Thất vọng trước Balotelli và Italia, giờ là lúc truyền thông Anh chĩa họng súng về phía thầy trò Roy Hodgson. Italia thì sống trong cảm giác sợ hãi của thời điểm cách đây 4 năm. Còn Uruguay, họ đã sẵn sàng lửa chiến để cứu lấy chính mình. Đó là sự hấp dẫn khó lường của bảng đấu mang danh “tử thần” và lời cảm ơn phải dành cho Costa Rica, bất ngờ thú vị nhất tính tới thời điểm này của World Cup 2014.

Xa phản công, gần… thất bại

Nhận định về Andrea Pirlo, HLV Louis van Gaal đã từng nói “Nếu sở hữu 1 cầu thủ như Andrea Pirlo, bạn có thể chuyển đổi linh hoạt mọi đội hình và thế trận, từ phòng ngự tới tấn công”. Thật vậy, Pirlo đã chứng tỏ vai trò đặc biệt quan trọng ở ĐT Italia trong trận thắng Anh 2-1. Với 108 đường chuyền đạt tỉ lệ chính xác 95%, anh đã giúp Azzurri phá kỉ lục về tỉ lệ chuyền bóng thành công, yếu tố quan trọng để đội quân áo thiên thanh vượt qua sự hưng phấn của Tam sư.

Đó là trận đấu mà Italia đã thu mình trước khi tung ra các đường chuyền chết người để “bóp chết” đối thủ. Trong thế trận ấy, Pirlo là linh hồn của Azzurri. Đêm qua, HLV Cesare Prandelli tiếp tục nhường thế trận cho Costa Rica khi nhập cuộc với hi vọng tận dụng khả năng điều tiết và sáng tạo của Pirlo với những đường chuyền dài sắc như dao cạo.

Xa rời lối chơi phản công, Pirlo không phát huy được sự hiệu quả

Thực tế, Azzurri đã chơi khá tốt trong hiệp 1. Pirlo đã từng tạo nên sự khác biệt với đường chuyền dọn cỗ để Balotelli đối mặt thủ thành Navas. Chỉ tiếc rằng “ngựa chứng” đã lốp bóng ra ngoài. Trong khi đang triển khai thế trận phản công rất hiệu quả, Italia lại để thủng lưới và đó là bước ngoặt khiến ý đồ chiến thuật của họ bị phá vỡ.

Hệ quả, trong hiệp đấu thứ 2, Italia phải xa rời lối chơi phản công để áp dụng lối chơi tấn công chủ động. Đây là sự chuyển đổi mà các “ông vua phản công sợ nhất”! Hà Lan đã từng chơi phản công rất hay ở trận gặp Tây Ban Nha nhưng khi chủ động tấn công trong thế “cửa trên” ở trận gặp Australia, họ đã để lộ rất nhiều khoảng trống ở hàng thủ và phải nhận 2 bàn thua.

Nhưng rất may, Hà Lan đang sở hữu những ngôi sao tấn công xuất sắc như Van Persie, Robben hay Sneijder. Còn Italia đêm qua là sự thất vọng lớn của hàng công! Balotelli nhạt nhòa với 2 cơ hội ngon ăn bị bỏ lỡ, “ông già” Cassano vào sân không để lại nhiều dấu ấn trong khi Insigne – Cerci thường xuyên dính bẫy việt vị của Costa Rica. Trong thế trận tấn công, Pirlo không còn cơ hội phất những đường chuyền dài thương hiệu. Sự đột biến trong lối chơi của Azzurri theo đó mà tan biến.

Thậm chí, Italia còn nhiều lần đối mặt với bàn thua thứ 2 khi Costa Rica bắt đầu phản công nhanh bằng những đường chuyền dài. Đó là điều dễ hiểu bởi Thiago Motta đã rời sân, trong khi De Rossi chơi chẳng khác nào một tiền vệ công đúng nghĩa.

Trong lối chơi phản công, có 2 cách để đưa bóng tới khung thành đối phương nhanh nhất. Cách thứ nhất là tốc độ, thứ mà Hà Lan đã sử dụng để “giết” Tây Ban Nha. Cách thứ 2 là chuyền dài, phong cách mang thương hiệu của Italia. Vấn đề là Prandelli đã không thể sử dụng lối chơi ấy khi Costa Rica chủ động phòng ngự số đông.

Bởi vậy, thất bại đêm qua đã lột tả nhiều vấn đề còn tồn tại của ĐT Italia. Thứ nhất là khả năng chơi tấn công chủ động rất thiếu sáng tạo. Và thứ hai là sự phụ thuộc vào Pirlo, người tỏ ra khá đuối sức ở hiệp đấu thứ 2.

Tổng hợp | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục