Nhân chuyện đi, ở của Trọng Hoàng: Biểu tượng cũng bỏ ta đi

08:39 Chủ nhật 20/01/2013

Người của SG.XT thông tin, họ đang rất muốn có chữ ký của Nguyễn Trọng Hoàng (cựu tuyển thủ QG và vừa mãn hạn hợp đồng với SLNA) với giá 5 tỷ đồng cho 2 mùa giải. Để tất cả tin rằng đó là một ý định nghiêm túc, GĐĐH Trần Tiến Đại đã nói thẳng rằng: “Chúng tôi chuyển nhượng Minh Đức, Quang Hải và Antonio cũng là để dọn đường đưa Trọng Hoàng về với sân Thống Nhất”. Nghe biết vậy thôi! Vấn đề là ở chỗ Hoàng.

Trọng Hoàng dù rất có tiềm năng nhưng còn quá sớm để xem là biểu tượng của SLNA trong tương lai gần. Ảnh: VSI

Thần tượng…

Trong giới “showbiz”, một vài ca sỹ trẻ vừa giành được một giải thưởng âm nhạc cấp… nhà trường nào đó, hay thậm chí chưa đạt được dấu ấn nghệ thuật nào, nhưng vẫn có thể là thần tượng cho ít nhất một nhóm “fan” cuồng nào đó. Bây giờ được xem là thời đại của công nghệ, của mạng Internet nên có không ít những thần tượng sinh ra từ chiếc máy tính.

Nhưng ở lĩnh vực thể thao, với riêng địa hạt bóng đá, không dễ gì để được coi là biểu tượng hay là thần tượng. Không phải khán giả bóng đá khắt khe hơn khán giả âm nhạc, mà có khi đơn giản, cầu thủ không thể chui ra từ chiếc máy tính. Họ phải hy sinh tuổi thơ để tập luyện, phải lao động và phải cống hiến suốt một thời gian dài để được thừa nhận…

Và bóng đá Việt Nam trong khoảng 10 năm đổ lại đây đang mai một thực sự các thần tượng. Làm gì còn những chiếc áo đấu in tên và số áo của Huỳnh Đức, của Hồng Sơn, Hữu Thắng hay Công Minh…, mà thanh thiếu niên mặc ra đường với niềm tự hào nữa?!

Bóng đá kim tiền chi phối đời sống cầu thủ lớn hơn nhiều so với họ nghĩ. Ngoài ra, sự khác biệt lớn nhất giữa bóng đá ta và bóng đá ở trời Âu là giá trị để lại. Raul đã rời Real Madrid từ lâu và sân Bernabeu cũng đã đón thêm về rất nhiều thần tượng mới, nhưng đến lúc này vẫn chưa ai thay thế được hình ảnh của Raul. Người Việt Nam vẫn có câu: “Cái còn là cái để lại”, chứ không đơn giản như chuyện xây và phá.

Và biểu tượng

Sau Nguyễn Hữu Thắng, ở SLNA, cùng với khoảng thời gian hơn 10 năm bóng đá Việt Nam lên chuyên, trung vệ đội trưởng Nguyễn Huy Hoàng được xây dựng hình ảnh như một biểu tượng thất truyền tại sân Vinh. Không chỉ trên sân cỏ mà Hoàng đã là số một với phong cách chơi bóng đặc trưng xứ Nghệ và cả các vấn đề khác ở phòng thay đồ, cũng như cuộc sống ngoài xã hội khác. Thậm chí khi Huy Hoàng dính “phốt” nặng “say rượu khi điều khiển ô tô tham gia giao thông”, sự tôn trọng chỉ mai một đi ít nhiều, chứ không một ai có thể phủ nhận những đóng góp của cầu thủ này cho SLNA và cho cả các ĐTQG Việt Nam. Huy Hoàng là một biểu tượng, không tranh cãi!

Nhân tài bóng đá xứ Nghệ dồi dào như dòng sông Lam. Thế nên, không cần phải đợi đến khi Huy Hoàng bắt đầu sườn dốc bên kia của sự nghiệp, người ta mới phải tìm cái tên khác để trở thành một biểu tượng mới của SLNA. Người đó là Nguyễn Trọng Hoàng. Năm 2009, tức mới chỉ ở tuổi 20 (theo giấy tờ), Trọng Hoàng đã nổi lên như một biểu tượng của SLNA với thế hệ vàng thứ 3 (sau những Huy Hoàng, Thế Anh, Hồng Sơn, Thanh Thưởng, Tân Thịnh…; SLNA tiếp tục sản sinh ra lứa 84-85 của Văn Quyến, Công Vinh, Hồng Tiến, Lâm Tấn, Minh Đức…; và Trọng Hoàng được xem là đại diện ưu tú của thế hệ những Văn Bình, Quang Tình, Văn Hoàn, Đình Đồng, Đắc Khánh, Ngọc Anh…).

Nhưng, có vẻ như việc gắn 2 chữ biểu tượng cho Trọng Hoàng là một hành động hơi quá vội vàng. Không phủ nhận rằng Trọng Hoàng tương đối sáng nước so với đồng đội cùng trang lứa, nhưng Trọng Hoàng, 23 tuổi, và chỉ mới có vài năm cống hiến trong màu áo SLNA, vừa hết hợp đồng cống hiến đào tạo trẻ, không thể là biểu tượng của đội bóng … Và Trọng Hoàng vẫn đang cân, đo, đong, đếm, đang tính đến khả năng ra đi đấy thôi!

Những Trọng Hoàng, Thành Lương hay Văn Quyết…, có thể đang là thần tượng, nhưng khó là biểu tượng, dù với họ thì có thể điều đó cũng chẳng có gì quan trọng.
Tùy Phong | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục