Trang chủ của Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) hôm 8-2 đưa tin, lực sĩ Trịnh Văn Vinh có kết quả dương tính với các chất cấm Adiol và Anabolic S1.1. Từ kết quả này, Vinh sẽ phải đối mặt với các án phạt nghiêm khắc mà theo Vụ phó Vụ Thể thao thành tích cao 2 - Tổng cục TDTT Đỗ Đình Kháng, có thể kèm khoản tiền phạt lên đến 5.000 USD cùng với việc bị cấm thi đấu 8 năm.
Đây thật sự là điều đáng tiếc bởi Trịnh Văn Vinh năm nay mới 24 tuổi, từng giành HCV cử giật thế giới năm 2017, vô địch SEA Games 2017 và HCB ASIAD 2018 hạng cân 61 kg và được đầu tư trọng điểm từ ngành TDTT để tham gia các giải đấu quốc tế lớn.
Được biết, sau khi đoạt HCB tại ASIAD 18 cuối tháng 8 năm ngoái, Vinh đã được Ban tổ chức yêu cầu lấy mẫu thử doping và mọi thứ đều ổn thỏa. Kết quả dương tính với chất cấm lại đến từ lần các bác sĩ thuộc IWF đến lấy mẫu thử của Vinh sau đó ba tháng, giai đoạn tuyển thủ này chuẩn bị tham dự môn cử tạ ở Đại hội Thể thao toàn quốc.
Ngoài Trịnh Văn Vinh, IWF cũng thông báo nữ lực sĩ Nguyễn Thị Phương Thanh có kết quả dương tính với mẫu thử doping. Như vậy, hai quốc gia có nền cử tạ hàng đầu Đông Nam Á là Thái Lan và Việt Nam gần đây đều có VĐV vi phạm các quy định về phòng chống sử dụng doping, theo đó, tất cả đều sẽ bị cấm tham gia các giải đấu thường niên trong hệ thống IWF.
Trịnh Văn Vinh là một trong số 9 lực sĩ cử tạ Việt Nam – cùng với Hoàng Thị Duyên, Lý Quang Vinh, Ngô Sơn Đỉnh, Nguyễn Thị Phương Thanh, Nguyễn Hồng Ngọc, Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn, Vương Thị Huyền – có tên trong danh sách 312 VĐV trên toàn thế giới được IWF chuyển sang Tổ chức Phòng chống doping quốc tế (WADA) để hai tổ chức này có thể phối hợp kiểm tra doping vào bất cứ thời gian nào. Đây là những VĐV được đánh giá có tiềm năng đoạt huy chương ở các giải đấu quốc tế nên cần kiểm soát gắt gao để bảo đảm sự trong sạch cho các giải đấu.
Theo lý giải từ Trịnh Văn Vinh, do chấn thương ở lưng và đầu gối, anh có chủ động chữa trị bằng việc tiêm thuốc nhưng không nhớ là những loại thuốc gì và trong thành phần thuốc có chất cấm hay không. Khi có thông báo chính thức từ IWF, anh rất bàng hoàng nhưng không đủ khả năng tài chính để yêu cầu thử lại mẫu B nhằm xác định độ chính xác của kết quả dương tính ban đầu. Hiện nay, khi Tổng cục TDTT cũng như đơn vị chủ quản Công an Nhân dân yêu cầu đóng một phần trong khoản phạt 5.000 USD, anh cho biết cũng chẳng có tiền.
* Không chỉ cử tạ Việt Nam, môn thể thao có mối quan hệ "anh em ruột rà" là thể hình từng có vài trường hợp VĐV dính doping, có khi là do VĐV dùng thuốc lợi tiểu để giảm cân nhanh, có khi VĐV chủ động dùng chất cấm với hy vọng rút ngắn quá trình tập luyện vốn rất gian khổ, sớm có thành tích quốc tế.
Dư luận giới thể hình Việt Nam đang đồn đại chuyện 1 VĐV tên tuổi hàng đầu, sau khi nhận huy chương tại Giải Vô địch thế giới năm 2017 ở Mông Cổ, đã bị tước bỏ thành tích đồng thời bị cấm thi đấu dài hạn. Gọi là "đồn đại" bởi những người có trách nhiệm ở Bộ môn Tạ- Thể hình (Tổng cục TDTT) lẫn Liên đoàn Tạ - Thể hình Việt Nam đều từ chối phát biểu về thông tin này. Trước đó, một lực sĩ thể hình quê Đồng Nai chính thức bị tước HCV Đông Nam Á, một lực sĩ khác của TP HCM bị cấm thi đấu trước khi giải khởi tranh do trong hành lý có tồn trữ chất cấm và bị phát hiện ở sân bay của quốc gia tổ chức giải.