‘Người hùng thầm lặng’ Carrick: 10 năm, một chặng đường (phần 5)

22:56 Thứ hai 06/07/2015

(TinTheThao.com.vn) - Hơn một năm trời, Michael Carrick mới ghi được bàn thắng tại Premier League. Một tháng sau, anh tiếp tục có bàn thắng vào lưới Bolton. Giống với lần trước, đây tiếp tục là pha lập công vô cùng đẹp mắt vào lưới Bolton (14/1/2011). Nhận đường chuyền nhanh từ Ryan Giggs, Carrick dẫn bóng vài nhịp, quan sát rất nhanh trước khi tung cú cứa lòng chân trái hoàn hảo vào góc xa khung thành đối phương.

Thật đặc biệt. Các bạn có thể thấy, Carrick rất ít khi sút, nhưng đã sút thì kiểu gì cũng có chuyện. Cả mùa giải 2011-2012, anh ta sút đúng bốn quả, hai trong số đó là bàn thắng, một cú sút dẫn đến bàn thắng ở trận M.U thắng Bolton 5-0 (lượt đi) và pha còn lại đưa bóng dội trúng xà ngang khung thành của Patrick Kenny (trận lượt về trên sân QPR).

Hình bóng mới

Đề cập đến câu chuyện ở trên. Có thể dễ dàng nhận thấy, hình ảnh của Carrick ở thời điểm bấy giờ đã rất khác so với lúc anh mới chuyển đến “Nhà hát của những giấc mơ” (ít tiếp cận với khung thành hơn). Thuở còn khoác áo Tottenham, Carrick được đánh giá là một trong những tiền vệ công triển vọng nhất ở xứ sở sương mù. Nhanh nhẹn, kỹ thuật và rất táo bạo ở giữa sân. Tuy vậy, theo thời gian, Sir Alex Ferguson đã dần biến Carrick chuyển sang hình ảnh của một tiền vệ phòng ngự đúng nghĩa.

Ba mùa đầu tiên, bên cạnh Carrick có những Paul Scholes, Darren Fletcher và Owen Hargreaves, những người thiên về xu hướng phòng ngự ở giữa sân hơn. Trong sơ đồ 4-4-2 với hai tiền vệ giăng ngang, có thể nhận thấy Carrick không hề có xu hướng phòng ngự, thay vào đó là việc sẵn sàng lao lên phía trên để hỗ trợ các đồng đội trên hàng công.

Kể từ mùa giải 2009/2010 trở đi. M.U không còn Hargreaves vì cầu thủ này đã dính phải chấn thương rất nặng, chưa biết chính xác ngày trở lại. Fletcher chơi tốt ở một mùa rưỡi trước khi bị virus dạ dày cực kì quái ác hành hạ và Scholes không ra sân đều đặn. Carrick bắt đầu quen dần với việc phải đá thấp và làm rất nhiều nhiệm vụ ở giữa sân thay vì thong thả như thời điểm trước.

Người ta đã trách rất nhiều ở Ferguson về việc không mang về sân Old Trafford thêm bất kì một tiền vệ trung tâm chất lượng nào nữa. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh nào đó, đây chính là chất xúc tác quan trọng để giúp Carrick hồi sinh mạnh mẽ. Không chỉ có thể, anh đã mang trên mình một hình bóng khá mới, hình ảnh không phải sao chép ở bất kì ai mà đó chỉ có thể là Carrick.

Thu hồi bóng tốt, điều phối tuyệt vời và sẵn sàng tung ra những đường chuyển hướng tấn công nhanh và gọn. Vai trò của Carrick ở thời điểm này đã thầm lặng hơn rất nhiều so với chính anh cách đây 5 năm. Như “trục xoay” đa chiều ở giữa sân, Carrick luôn đảm bảo cho việc bóng sẽ tìm đến vị trí thuận lợi nhất sau khi qua chân anh.

Ngoài ra, nhờ bộ óc thông minh, Carrick cũng sở hữu khả năng đọc tình huống đáng nể để trên sân. Dù đá ở vị trí ác liệt nhất song số 16 vẫn dùng cái đầu là chính thay vì “sức”. Carrick quả là một mẫu tiền vệ đặc biệt. Tôi tạm trích bình luận của một bạn trên chính Series bài viết này: “Carrick phòng ngự kiểu Ý, kỹ thuật của Tây Ban Nha và lối chơi kiểu Anh.”

Ở thời điểm này, Carrick đúng với những gì đã được mô tả ở trên. Bạn đã bao giờ thấy Carrick phô diễn kĩ thuật chưa? Chắc chắn là chưa! Nhưng có dễ dàng lấy bóng trong chân Carrick không? Có lẽ là không! Với Carrick, không cần phô diễn quá nhiều, chỉ cần hiệu quả là đủ. Bên cạnh đó là những tình huống phát động tấn công đẳng cấp cùng tư duy tổ chức lối chơi hiện đại.

Chính những phẩm chất đáng quý ở trên, Carrick đã làm nên mùa giải 2012/2013 bùng nổ dữ dội nhất trong sự nghiệp.

* Mời các bạn đón xem loạt bài về sự nghiệp của Michael Carrick vào ngày mai trên BongDa.com.vn.

Thanh Hoài | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục