Người Anh và cơn sốt Januzaj

16:35 Thứ tư 09/10/2013

Adnan Januzaj đang là cái tên được quan tâm nhất tại Premier League vài ngày trở lại đây, nhưng sự nổi lên nhanh chóng của cậu càng khắc họa rõ cơn khát tài năng của bóng đá Anh.

Theo nghiên cứu của Kickdex, liều thuốc cho cơn khát ấy, khá đáng ngạc nhiên, lại là nhập khẩu thêm nhiều “Januzaj” hơn nữa và cắt giảm bớt đất diễn của những món hàng nội không đủ tiêu chuẩn…

Trông người mà ngẫm đến ta

Những ngày này, nước Anh đang náo loạn vì một tài năng trẻ có tên Adnan Januzaj. M.U sốt sắng chìa ra bản HĐ có mức lương tới 60.000 bảng/tuần để giữ chân Januzaj đã đành, nhưng ngay cả khả năng lôi kéo tiền vệ người Bỉ gốc Albania này về khoác áo “Tam sư” cũng được các nhà tổ chức bóng đá Anh tính đến.

Tuy nhiên thực ra Januzaj là ai, trình độ của cậu ta tới đâu? Là một chàng trai vừa bước qua tuổi 18 không lâu, mới đá được 3 trận đỉnh cao và – dù đã ghi 2 bàn ngay trong lần đầu tiên đá chính trước Sunderland – chưa cho thấy dấu hiệu chắc chắn nào về việc trở thành một ngôi sao đẳng cấp.

Cần nhớ, vào cuối mùa giải 2008/2009, Federico Macheda thậm chí còn ghi 2 bàn trong 2 trận liên tiếp với Aston Villa và Sunderland (lại Sunderland), trong đó có một cú cứa lòng đẹp mắt không kém gì pha volley của Januzaj vài ngày trước, giúp M.U giành trọn 6 điểm cực kỳ quan trọng trong cuộc đua vô địch và được tờ Gazzetta dello Sport tâng bốc lên tầm “huyền thoại”.

Kết quả, sau đó sự nghiệp của Macheda cứ đi xuống dần đều và bây giờ thì anh đang khoác áo CLB hạng Ba Doncaster Rovers sau khi lang bạt qua 4 đội bóng khác nhau trong vòng 2 năm.

Hãy đem về thêm nhiều Januzaj nữa!

Tất nhiên khả năng thực sự của Januzaj chỉ là chuyện nhỏ, sự khan hiếm tài năng trong bóng đá Anh mới là chuyện lớn. Trừ Danny Welbeck hay phần nào đó là Tom Cleverley, đã từ lâu M.U không còn cho ra lò món “hàng nội chất lượng cao” nào nữa, trong khi ĐT Anh vẫn đang phải dựa vào các ông già như A.Cole, Carrick, Gerrard hay Lampard.

Giả sử sự lựa chọn của HLV Roy Hodgson cũng phong phú như Vicente Del Bosque, liệu ông có thèm đoái hoài đến một cậu bé vô danh như Januzaj? Nên nhớ, ở TBN, cỡ như Mata hay Cazorla – những cầu thủ được đánh giá là sáng tạo bậc nhất Premier League - thậm chí còn chưa chắc được lên tuyển.

Lỗi của ngoại binh?

Câu chuyện bóng đá Anh thiếu tài năng vốn xưa như trái đất. Nhưng lý giải nó một cách thật cặn kẽ thì lại không phải là điều dễ dàng. Có thể là vì bóng đá không phải môn thể thao số 1 đối với dân trung lưu (mà phải là cricket, golf, tennis), có thể vì dân số Anh không quá đông, cũng có thể vì người Anh chưa biết đào tạo các mầm non đúng cách…

Khó có thể khẳng định chính xác nguyên nhân, nhưng chắc chắn không phải là vì các cầu thủ ngoại ở Premier League quá đông đảo, như lời phàn nàn của ngài Chủ tịch FA Greg Dyke hồi tháng Chín.

“Cuối tuần trước, chỉ có 65 cầu thủ người Anh đá chính ở Premier League. Nguồn cung tài năng của chúng ta vốn đã ít ỏi, nay lại càng ít hơn” – Dyke than thở.

Thậm chí một số người còn hùa theo Dyke khi cho rằng Premier League nên tái áp dụng “quota” nhập khẩu đối với ngoại binh, giúp tạo đất diễn cho các gương mặt bản địa. Trên thực tế, 65 người đá chính là không ít một chút nào. Đó là con số cao nhất thế giới, ở giải VĐQG khắc nghiệt nhất hành tinh.

Quá nhiều và quá ít

Vấn đề của người Anh không phải là có quá ít đại diện trên “sân nhà”, mà là có quá nhiều. Vâng, xin nhắc lại là có quá nhiều. Lẽ ra, nếu căn cứ trên trình độ thực tế của làng cầu xứ sở sương mù, số lượng cầu thủ Anh góp mặt tại Premier League nên giảm xuống thấp hơn nữa vì một lý do đơn giản: họ không đủ khả năng cạnh tranh với các món hàng ngoại nhập.

Hãng phân tích dữ liệu thể thao Kickdex vừa đánh giá lại đóng góp của các cầu thủ (chỉ tính những người thi đấu từ 10 trận trở lên) ở giải Ngoại hạng mùa giải 2012/13 vào thành tích của đội nhà, dựa trên các tiêu chí như quãng đường di chuyển, số lần xoạc bóng, chuyền bóng chính xác, sút bóng, cắt bóng….

Theo đó, tại Premier League, “hàng nội” thua kém “hàng ngoại” trên tất cả mọi phương diện. Nếu tính điểm trung bình theo từng tuyến (thủ môn/hậu vệ/tiền vệ/tiền đạo) thì các cầu thủ Anh chỉ đạt khoảng 70-80% so với ngoại binh, còn nếu chỉ tính gương mặt xuất sắc nhất thì Rooney cũng không bằng Suarez, Gerrard kém Cazorla, Baines thua Zabaleta đôi chút trong khi Kompany vẫn nhỉnh hơn Jagielka (xem đồ thị).

Kết luận: người Anh không nên phàn nàn về sự tràn ngập của cầu thủ ngoại nữa, thay vào đó họ nên nhập khẩu thêm càng nhiều Januzaj càng tốt, dù anh có được nhập tịch và khoác áo “Tam sư” hay không.

Nếu Rooney đã trưởng thành như hiện nay nhờ sát cánh cùng Ronaldo, Tevez, biết đâu Welbeck cũng sẽ đi theo con đường tương tự sau khi học hỏi từ Van Persie, Kagawa hay Januzaj?

- Những Croatia, BĐN, Serbia hay Uruguay chắc chắn sẽ nằm mơ đến cảnh có 30 cầu thủ đá chính tại Premier League, chứ đừng nói là hơn 60 người.

Sự thực là việc thi đấu bên cạnh những tài năng xuất chúng đến từ khắp thế giới đã giúp bản thân các cầu thủ Anh tiến bộ hơn: kể từ năm 1998, khi làn sóng cầu thủ ngoại tại giải Ngoại hạng bùng nổ, ĐT Anh đã lọt vào ít nhất là vòng 1/16 của tất cả các kỳ World Cup, trong khi ở giai đoạn trước đó còn có một số kỳ giải mà họ không thể vượt qua vòng đấu loại.

Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục