Trước thềm mỗi kỳ SEA Games, một câu hỏi lớn được người hâm mộ đặt ra là bóng chuyền nữ Việt Nam liệu có lật đổ được Thái Lan để trở thành "nữ hoàng" của sân chơi châu lục hay không?
Câu hỏi đó được lặp đi lặp lại suốt 16 năm nay, tức đã 8 kỳ SEA Games liên tiếp kể từ khi Việt Nam lọt vào trận chung kết năm 2001 và thất bại trước Thái Lan. Nhưng lời đáp thì vẫn chưa có, và có thể SEA Games 29 này tuyển Việt Nam sẽ phải tiếp tục cam phận về nhì.
Trong quá khứ, Việt Nam từng có những set thắng trước Thái Lan nhưng từng đó là chưa đủ để đánh bại đội bóng xứ Chùa Vàng. Lần lượt bao thế hệ từ Trần Hiền, Bùi Huệ, Phạm Yến tới Đỗ Thị Minh, Nguyễn Thị Xuân trôi qua, "giấc mơ vàng" SEA Games vẫn chỉ là giấc mơ. Giới mộ điệu nói vui rằng, việc tuyển Việt Nam đánh bại Thái Lan khó như "hái sao trên trời" - tức đó là mục tiêu không thực tế.
Nhìn nhận khách quan, bóng chuyền Thái Lan đã vươn tầm châu lục hơn chục năm qua. Họ từng vô địch châu Á (2009, 2013) rồi được tham dự hàng loạt sân chơi danh giá như giải VĐTG, giải FIVB World Grand Prix, FIVB World Grand Champion Cup, và có lúc tưởng như sẽ chạm tay vào suất tham dự Oympic (2012, 2016). Những thống kê ở cấp độ đội tuyển của Việt Nam lại cực kỳ khiêm tốn. Chúng ta mới chỉ 2 lần đứng thứ 5 tại giải VĐCÁ, 1 lần đứng thứ 4 tại Cúp liên đoàn châu Á và chưa từng được tham dự sân chơi nào thuộc hệ thống FIVB.
Đó là về cấp đội tuyển, còn ở phương diện cá nhân, Thái Lan cũng có những VĐV nổi trội hơn Việt Nam. Giai đoan 2007-2013, 7 cái tên Onuma, Malika, Nootsara, Amporrn, Wanna, Wilavan, Pleumjit liên tiếp bùng nổ ở những sân chơi cấp châu lục và tạo được nhiều dấu ấn cho Thái Lan ở các giải thế giới.
Nếu như ở môn bóng đá, cơ chế cực "thoáng" giúp cầu thủ Thái Lan được xuất ngoại thi đấu từ rất sớm (trường hợp của Kiatisuk Senamuang đầu quân cho Hoàng Anh Gia Lai 2002-2006) và Datsakorn Thonglao (2007-2009) thì các VĐV bóng chuyền của họ cũng không kém cạnh. Chục năm về trước, bóng chuyền Thái Lan đã "xuất khẩu" hàng loạt VĐV sang chơi ở giải VĐQG Việt Nam như Chaisri, Pleumjit, Piyamas, Patcharee. Gần đây, bóng chuyền Thái Lan "phủ sóng" rộng hơn khi Malika, Wilavan, Nootsara đã xuất hiện ở các giải VĐQG tại châu Âu. Thành công nhất phải kể đến là trường hợp của cây chuyền hai Nootsara, khi cô cùng CLB Fenerbahçe giành chức vô địch Thổ Nhĩ Kỳ mùa giải 2016/17.
Với Việt Nam, ngoại trừ những lần đánh tiếng của các CLB nước ngoài tại VTV Cup nhưng không thành, chúng ta mới ghi nhận có 4 trường hợp xuất ngoại thành công của Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Trần Thị Thanh Thúy, Đỗ Thị Minh và Nguyễn Thị Kim Liên. Trong đó phụ công Ngọc Hoa có 4 mùa thi đấu ở giải VĐQG Thái Lan, các VĐV còn lại mỗi người mới chỉ thi đấu 1 mùa.
Xét về lối chơi, khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan càng được thấy rõ hơn bao giờ hết. Thái Lan tiếp thu lối chơi của Nhật Bản, lấy sự cơ động để bù đắp bất lợi về thể hình. Các miếng tấn công biên, giữa lưới, hàng sau rồi đánh len, đánh chồng từng giúp Thái Lan hạ cả Nhật Bản, Trung Quốc lẫn Hàn Quốc. Trong khi đó, Việt Nam vẫn trung thành với lối chơi tiếp thu nhiều thập kỷ trước từ Trung Quốc, bóng dựng cao ở biên, các miếng phối hợp đánh chồng giữa lưới, tấn công hàng sau nếu có cũng dễ đoán và phòng thủ.
Còn nhớ năm 2015, Việt Nam dù chơi khá hay ở vòng bảng SEA Games nhưng bước vào chung kết chúng ta vẫn phải "phơi áo" sau 3 set trắng trước Thái Lan. Một tín hiệu đáng mừng diễn ra ngay trước thềm đại hội thể thao khu vực 2017 là Việt Nam đánh bại cả Kazakhstan và Đài Bắc để bảo vệ thành công vị trí thứ 5 châu Á. Chúng ta có hai mũi tấn công đang chơi rất hay là Ngọc Hoa và Thanh Thúy (đều lọt top 10 ghi điểm nhiều nhất giải VĐCÁ vừa qua), song bên kia lưới, nên nhớ Thái Lan có tới 4 VĐV có "sức công phá" lớn là Pleumjit, Ajcharaporn, Pimpichaya và Chat Chu-on.