Vấn đề nghỉ ngơi của các cầu thủ nghỉ ngơi đã trở thành một chủ đề gây nhiều bàn luận tại NBA những năm qua. Các huấn luyện viên đa phần đều muốn những trụ cột đội bóng được nghỉ ngơi thư giãn sau những chuyến di chuyển mệt mỏi do lịch thi đấu dày đặc tạo ra.
Để ngăn chặn việc tự ý cho nghỉ, ủy ban NBA phải đưa ra luật phạt ít nhất 100 nghìn USD dành cho những đội bóng từng nhiều lần cố ý giữ chân các siêu sao. Ngoài mục đích chính hướng tới việc thỏa mãn nhu cầu được chứng kiến các ngôi sao thi đấu của khán giả, bản thân một nghiên cứu gần nhất cũng chỉ ra rằng để cầu thủ nghỉ ngơi quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng thi đấu của họ.
Nghiên cứu mới nhất
Khi các giải đấu thể thao bắt đầu coi trọng và đề cao các nghiên cứu khoa học ở mọi mặt lĩnh vực, chuyện giờ giấc nghỉ ngơi của các cầu thủ cũng được phân tích tìm hiểu rất kỹ.
Mỗi đội bóng tại NBA đều có một bộ phận chuyên lưu trữ thông số của từng cầu thủ. Họ sẽ thường xuyên phân tích số phút thi đấu của các cầu thủ trong tuần, đối chiếu với lịch thi đấu kế tiếp và có trao đổi với HLV trưởng ngay khi nhận thấy có dấu hiệu bất ổn.
Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp nhất, HLV trưởng đội bóng đều phải có sự thảo luận chặt chẽ với đội ngũ y tế, đội ngũ phân tích sức khỏe và đội ngũ huấn luyện. Một quyết định được đưa ra không hề đơn giản, bởi ngoài tình trạng thể lực, HLV trưởng còn phải tính tới việc duy trì điểm rơi phong độ. Vậy có nên cho một cầu thủ nghỉ ngơi quá nhiều so với mức đủ?
Một nghiên cứu gần đây của Viện Y Tế Thể Thao thuộc đại học Colorado đã cho thấy một kết luận trái ngược với quan điểm mà nhiều người vẫn lầm tưởng từ trước tới nay.
Các chuyên viên nghiên cứu đã tiến hành theo dõi hàng trăm cầu thủ NBA trong suốt 10 năm, kể từ năm 2007 tới năm 2017. Họ phân chia các dạng cầu thủ theo lần lượt 5 vị trí bóng rổ gồm: hậu vệ dẫn bóng, hậu vệ ghi điểm, tiền vệ phụ, tiền phong và trung phong.
Thống kê sau khi tổng hợp cho thấy những cầu thủ được nghỉ ngơi nhiều trong một mùa regular season không đạt hiệu suất cao hơn so với khi họ phải thi đấu đều đặn. Hiệu suất sẽ được thu gom dựa trên các chỉ số trung bình về ghi điểm, kiến tạo, rebound của cùng một cầu thủ ..
Mức độ nghỉ ngơi từ 2-4 trận trong toàn bộ 82 trận thuộc regular season sẽ là con số lí tưởng để giúp các cầu thủ được thư giãn mà vẫn không làm giảm phong độ. Những cầu thủ khác được cho nghỉ từ 5-10 trận/mùa sẽ có mức độ thể hiện thấp hơn so với nhóm ở trên.
Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra con số 30 phút thi đấu trung bình trận không phải vấn đề gây khó khăn cho môi trường vận động viên chuyên nghiệp như NBA, ngược lại còn mang lại một số hiệu quả khác.
Lấy ví dụ ở mùa giải năm nay, Minnesota Timberwolves hiện đang có tới 4 cầu thủ đang chơi trung bình 33 phút hoặc hơn trong mỗi trận, cao nhất tại giải đấu. Nhưng đội bóng của HLV Tom Thibodeau cũng nằm trong nhóm những tập thể chơi hiệu quả nhất trong hiệp 4, cả về tấn công lẫn phòng ngự.
Đây vốn là một phương pháp thúc đẩy giới hạn thể lực khá nổi tiếng của HLV Thibodeau nhằm đạt được hiệu quả thi đấu khá tốt của các cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến phản đối đường hướng này của Thibodeau và đổ lỗi cho ông như một phần nguyên nhân gây ra chấn thương cho Derrick Rose, khiến kỷ nguyên thăng hoa của Chicago Bulls vụt tắt.
Để mang tính toàn diện hơn cho nghiên cứu của mình, viện y tế thể thao đại học Colorado cũng khẳng định kiến thức phổ biến “sự mệt mỏi gây ra chấn thương” là thiếu căn cứ.
Chấn thương thực tế xuất phát từ nhiều nguyên nhân
Trưởng nhóm nghiên cứu đại học Colorado, ông Kelechi Okoroha cho biết: “Các bước tìm hiểu của chúng tôi cho ra kết quả rất thú vị. Một số lượng lớn các cầu thủ dính chấn thương ở thời điểm họ vẫn còn sung sức. Đó là những khoảng thời gian đầu mùa giải, hay ở những hiệp đầu tiên của các trận đấu.
Điều đó chứng tỏ quan điểm chấn thương do sự mệt mỏi gây ra có độ chính xác không cao. Nghiên cứu của chúng tôi phủ nhận quan điểm này vì các chấn thương được tạo ra từ vô số các yếu tố trong trận đấu. Một cầu thủ có thể bị chấn thương do va chạm với cầu thủ khác, do động tác đặc trưng của bản thân kết hợp với ngoại cảnh, do cả sự lơ đễnh và thiếu may mắn.”
Trở lại với sự oan ức của HLV Tom Thibodeau, giờ đây rất nhiều người đều biết rằng chế độ tập luyện của ông không phải nguyên nhân gây ra chấn thương cho các trụ cột Chicago Bulls của năm 2011 và 2012.
Derrick Rose sau đó dù chuyển sang đội bóng nào cũng liên tục gặp phải nhiều chấn thương. Các phân tích đã chỉ ra chính lối bật nhảy và biến chuyển động tác trên không của cựu MVP 2011 mới được xem như lí do lớn nhất khiến anh khốn đốn.
Sau cùng, trưởng nhóm Kelechi Okoroha đưa ra lời khuyên: “Nghỉ ngơi quá nhiều không mang lại hiệu suất thi đấu tốt nhất cho các cầu thủ. Nhưng vẫn cần phải có chế độ hồi phục hợp lý. Ý tôi là, không chỉ hồi phục thư giãn nơi thể chất mà còn phải có những phương pháp giúp nghỉ ngơi cả về tinh thần.”