Nữ VĐV điền kinh Dutee Chand. Ảnh: Internet. |
Hãng tin BBC (Anh) cho biết ngày 28-7 (giờ VN), CAS ra một quyết định mang tính lịch sử với một số VĐV nữ có hoàn cảnh đặc biệt trong làng điền kinh thế giới: gỡ bỏ đạo luật mang tên “Hyperandrogenism” (Hội chứng phụ nữ có hormone nam giới quá cao) của Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF). Đạo luật này quy định cấm thi đấu đối với những nữ VĐV có hormone nam giới quá cao trong người, tạo ra một làn sóng phản ứng dữ dội trong làng điền kinh nữ nhiều năm qua. Trong đó, nạn nhân mới nhất của đạo luật này là cô gái 19 tuổi Dutee Chand.
Ở tuổi 18 trong sự nghiệp, Chand là một trong những VĐV điền kinh chạy nước rút xuất sắc nhất của Ấn Độ. Cô giành được chiếc HCĐ cự ly 200m ở Asiad 2013 và vô địch nhiều giải trẻ của Ấn Độ. Nhưng rồi mùa hè năm ngoái, Chand bị IAAF cấm thi đấu vì vướng vào điều luật “Hyperandrogenism” sau một lần kiểm tra giới tính cho thấy nồng độ testosterone (hormone nam) của cô quá cao. Liên đoàn Điền kinh Ấn Độ phản ứng dữ dội với điều luật này và một cuộc vận động mang tên “Hãy để Dutee (Chand) được chạy” nổ ra.
Cuộc vận động này thu được 5.646 chữ ký ủng hộ và sau cùng cũng thu được kết quả khi CAS ra lệnh tạm thời gỡ bỏ điều luật “Hyperandrogenism”, đồng nghĩa với việc Chand có thể được thi đấu trở lại, thậm chí ở Giải vô địch điền kinh thế giới 2015 sắp diễn ra tại Trung Quốc vào tháng 8.
Không chỉ Chand, nhiều nữ VĐV bị xem là “lưỡng tính” khác trong làng điền kinh cũng được trao trả sự công bằng sau phán quyết này. Câu chuyện về sự tranh cãi giới tính đã xảy ra từ rất lâu trong giới thể thao, đặc biệt là điền kinh, khi nhiều nữ VĐV bị cho là “đàn ông đội lốt” để thi đấu, chiếm nhiều lợi thế so với những cô gái khác. Năm 1968, Ủy ban Olympic thế giới thông qua một quy định cho phép tiến hành các cuộc điều tra xác nhận giới tính trước khi thi đấu.
“Những tranh cãi nổ ra từ đó khi người ta thấy rõ đặc điểm sinh học của con người phức tạp như thế nào. Mẹ thiên nhiên tạo ra con người không chỉ đơn thuần là hai màu trắng - đen, nam và nữ” - BBC bình luận. Một loạt trường hợp gây tranh cãi xuất hiện khi tồn tại những phụ nữ mang các tố chất của nam giới, rõ ràng nhất là nồng độ testosterone quá cao. Khái niệm về những VĐV “lưỡng tính” ra đời từ đó. Đạo luật “Hyperandrogenism” được IAAF áp dụng vào năm 2011 và bị nhiều nhà khoa học chỉ trích là “sự phân biệt sinh học” (biological racism).
“Thể thao vốn không có sự công bằng tuyệt đối. Bạn không thể phàn nàn rằng sải chân của Usain Bolt quá dài hay sải tay của Michael Phelps quá rộng” - BBC bình luận. Lý lẽ này đã khiến CAS quyết định bãi bỏ điều luật “Hyperandrogenism” trong thời gian ít nhất hai năm. Trong thời gian này, nếu không có những nghiên cứu chứng minh được phụ nữ có nồng độ testosterone cao sẽ có những ưu thế rõ rệt như thế nào so với người cùng giới, điều luật này sẽ bị bỏ vĩnh viễn.
Về phần Chand, cô gái 19 tuổi chia sẻ nỗi vui mừng khi được xác nhận trở lại là một cô gái “bình thường”. Chand nói: “Khi tôi bị cấm thi đấu, tất cả vinh quang mà tôi giành được đều mất sạch. Bạn bè bắt đầu xa lánh tôi. Ở nơi tôi tập luyện, các cô gái khác sử dụng phòng chung với nhau còn tôi thì bị tách biệt. Nhưng giờ mọi chuyện đã qua, tôi đã giành lại công lý. Tôi rất vui vì sẽ không còn cô gái nào phải nghe những lời cáo buộc mà tôi từng chịu nữa.”