Ngoại trừ pha vào bóng làm gãy chân Anh Khoa của Quế Ngọc Hải ra, nhìn chung V-League 2015 diễn ra theo đúng lịch trình, về đích an toàn và kết thúc tương đối bình lặng. Tuy nhiên, dễ dàng nhận ra sự “bất hợp lý” ở mùa giải này đó là việc HAGL thi đấu trầy trật, vất vả mới trụ hạng thành công nhưng khán giả đến sân xem họ thi đấu rất đông. Ngược lại, những đội bóng mạnh, thi đấu đẹp mắt, cống hiến như B.Bình Dương hay Hà Nội T&T lại có rất ít người hâm mộ đến sân. Điều này đi ngược lại với thông lệ với các giải đấu khác trên thế giới và đó được xem là “hiện tượng lạ lùng”.
V-League 2016 đang để lại nhiều vết gợn trong lòng người hâm mộ. Ảnh: Quang Thịnh. |
Nhiều người khó tính có thể cho rằng V-League 2015 giống như một điệp khúc được lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán. Giải đấu càng xem tẻ nhạt, khán giả buồn nhiều hơn vui, đến sân ít hơn; các trận đấu diễn ra không thật; tình trạng đấu võ trên sân cỏ vẫn diễn ra; công tác tổ chức còn yếu kém, thiếu chuyên nghiệp,… Nhưng chí ít họ vẫn còn đó lứa cầu thủ tài năng của Bầu Đức để họ ngóng trông vòng đấu tiếp theo diễn ra.
Rõ ràng Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường và đồng đội đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền bóng đá chuyên nghiệp nước nhà. Có thể họ chơi bóng hồn nhiên, chưa mang nặng chiến thuật để đem đến hiệu quả cho đội bóng nhưng lối chơi bóng ngắn, ban bật đẹp mặt, tinh thần thi đấu fair play luôn chiếm tình cảm của người hâm mộ.
Có đội bóng nào lại khiến khán giả đội khách phải cổ vũ cho đội bóng mình như HAGL hay không? HAGL đi đến đâu, khán giả ùn ùn kéo đến đó, rồi khi họ rời đi, sân bóng đó lại quay về “thói quen” vắng bóng như cũ. Rõ ràng, với việc được đào tạo bài bản mang thương hiệu Arsenal, Công Phượng và đồng đội không chỉ được người hâm mộ HAGL mà còn người hâm mộ nước nhà kỳ vọng rất lớn.
Bây giờ, nếu được hỏi bất kỳ một người hâm mộ trái bóng tròn nào rằng V-League 2015 có gì đáng nhớ nhất? Câu trả lời là được chứng kiến lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường của HAGL thi đấu.
Nhưng với lý do “để nâng cao trình độ, vì tương lai bóng đá ” nước nhà, những Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường đã được đi “du học” tại Nhật Bản và Hàn Quốc và điều đó khiến cho V-League không khỏi khiến những ai yêu mến họ hụt hẫng.
Giờ đây, đã 18 vòng đấu trôi qua, V-League 2016 khiến cho người ta phải lắc đầu ngao ngán. Công tác trọng tài không vòng đấu nào không được nói đến, đến mức mà người ta phải ví von rằng, nếu không nói đến trọng tài thì vòng đấu đấy thành công. Từ Hà Anh Chiến đến Hoàng Ngọc Hà rồi NguyễnTrọng Thư… sai lầm cứ tiếp nối sai lầm. Đến mức CĐV phải lao xuống sân đòi xô xát trọng tài, trút “cơn mưa” chai lọ khi tổ trọng tài rơi sân hay mới đây nhất những vị vua áo đen khiến cho hai ngoại binh Hải Phòng phải “vái lạy” mình.
Rồi rất nhiều trận đấu đặt dấu hỏi về tiêu cực nhưng kết quả không được làm rõ. Hay pha vào bóng của thủ thành Bửu Ngọc (XSKT Cần Thơ) đối với tiền đạo Trịnh Duy Long (Sài Gòn FC) khiến người xem phải cảm thấy lạnh gáy với mức độ của nó....
Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường chưa có nhiều cơ hội thể hiện ở đất Nhật và Hàn. Ảnh: Internet. |
Tất cả những điều đó thể hiện số lượng khán giả trên khán đài. Mới đầu mùa, với sự hồ hởi, số lượng khán giả đến sân còn đông. Nhưng càng về sau, sự ngao ngán khiến cho số lượng khán giả đến sân càng sụt giảm. Những sân đấu trước đây được coi là náo nhiệt như Cẩm Phả thì giờ đây người hâm mộ đến sân đã ít và họ còn đeo khẩu trang “cỗ vũ” để phản đối cách điều hành giải của VPF.
V-League năm nay là vậy, còn những “gà nòi” của Bầu Đức cũng đang khiến người hâm mộ lo âu vì họ không được trọng dụng ở đội bóng mới. Thay bằng việc được ra sân đội hình chính, họ phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị và đứng trước nguy cơ thui chột tài năng?
Bóng đá suy cho cùng là để phục vụ khán giả. V-League đang khiến hàng triệu trái tim người hâm mộ phải thở dài, lắc đầu ngao ngán. Dù chưa hạ màn nhưng xem ra V-League 2016 đã thất bại. Với tình hình này, có hay chăng nên có cuộc tái ngộ giữa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường với V-League ở mùa bóng tới?