Một nét Roman - Nhà đầu tư khai cuộc

08:43 Thứ bảy 23/05/2015

(TinTheThao.com.vn) - Lâu nay nói về Roman Abramovich, ông chủ của CLB Chelsea, người ta thường ví với “túi tiền không đáy", nhà tài phiệt của “những đồng tiền dầu lửa” với không mấy thiện cảm mà ít ai nhận ra những tác động tích cực của ông với thế giới bóng đá cũng như niềm đam mê mãnh liệt trong ông với trái bóng tròn.

Abramovich mua câu lạc bộ Chelsea tháng 7/2003 khi câu lạc bộ này đang trên bờ vực phá sản. Ngày đó trên các mặt báo của thủ đô London đã có không ít lời hoài nghi của các chính trị gia Anh, các CĐV Chelsea.

Người ta cho rằng với một nhà tài phiệt như Abramovich thì đầu tư vào bóng đá không phải là mục tiêu tự thân hoặc giả chỉ có người điên mới đầu tư vào bóng đá, nhất là với câu lạc bộ đang bị thua lỗ. Nhưng Abramovich nghĩ khác, trên BBC ngày mua lại Chelsea ông nói: “Đây không phải công việc kinh doanh, tôi có nhiều cách kiếm ra tiền ít mạo hiểm hơn đầu tư vào bóng đá, nhưng công việc này mang lại cho tôi niềm vui. Ước mơ của tôi là sở hữu một câu lạc bộ hàng đầu, dù cho ai đó có thể nghi ngờ hoặc cho là tôi điên.”

Abramovich mua câu lạc bộ Chelsea tháng 7/2003 khi câu lạc bộ này đang trên bờ vực phá sản. Ảnh: Internet.

Để sở hữu một câu lạc bộ hàng đầu đương nhiên là phải đầu tư. Nhưng lúc đó không ai nghĩ rằng, ngày Abramovich đầu tư vào Chelsea cũng là ngày ông khai cuộc cho một làn sóng đầu tư mới vào bóng đá của của các nhà tỷ phú thế giới. Làn sóng đó bắt đầu bùng nổ ở Anh rồi về sau lan ra trên cả lục địa già, trong suốt thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.

Nếu Abramovich đầu tư vào Chelsea năm 2003 thì năm 2004 hai doanh nhân người Mỹ là George và Tom Hickc cũng bắt đầu thôn tính Liverpool, năm 2005 gia đình nhà Malcolm Glazer nhanh chóng thâu tóm MU, rồi năm 2008 các ông chủ Ả Rập cũng lập tức xuất hiện.

Người đầu tiên trong số này là Sheikh Mansour ông chủ của tập đoàn Abu Dhabi United hạ cánh xuống câu lạc bộ MC, người thứ hai là Nasser Al-khelaifi ông chủ người người Qatar, đổ bộ vào nước Pháp, chiếm quyền sở hữu câu lạc bộ Paris Saint-Gemain,... Chưa kể, nhiều câu lạc bộ khác ở cả Anh, Pháp, Tây Ban Nha cũng được nhiều tỷ phú mua đứt hoặc tăng dần cổ phần sở hữu tại các câu lạc bộ.

Làn sóng đầu tư đó tác động không nhỏ đến trật tự của thế giới bóng đá, từ giá trị các câu lạc bộ, giá mua bán cầu thủ, đến bản quyền truyền hình cũng như sức hấp dẫn và phát triển các giải đấu.

Tại Premier League, với việc mua lại Chelsea, Abramovich đã làm thay đổi không nhỏ bộ mặt bóng đá Anh. Thế độc tôn trong cuộc đua song mã do MU và Ársenal nắm giữ nhiều năm trước đó đã không còn tồn tại. Mùa bóng 2004-2005, sau một năm Abramovich mua Chelsea, từ một câu lạc bộ tầm trung, Chelsea vươn lên giành ngôi vô địch giải Ngoại hạng, đó cũng là chiếc cúp mà họ đã chờ đợi sau 50 năm.

Song, điều quan trọng, với việc đưa Chelsea lên ngôi vô địch, một cuộc đua ganh mới ở Premier League cũng được thiết lập. Bây giờ cuộc đua vô địch không còn là của một vài câu lạc bộ đứng đầu mà là của nhiều câu lạc bộ khác đang vươn lên, và nó cũng tác động không nhỏ đến sự cố gắng của các đội đang nằm phía dưới cùng của giải đấu. Nhóm “Big For” của Premier League cũng xuất hiện từ đó để rồi trong nhiều năm từng làm khuynh đảo trời Âu.

Không ít người cho rằng, đầu tư vào bóng đá chỉ là thú vui nhất thời của các nhà tỷ phú. Điều đó có thể đúng và với Abramovich cũng vậy. Không ai bảo đảm Abramovich sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài và đầu tư mãi mãi cho Chelsea. Có điều, sự đam mê của Abramovich với quả bóng tròn thì không ai phủ nhận và cũng rất đặc biệt. Đam mê ấy theo ông trong suốt những năm tháng gắn bó với Chelsea, nó không nằm trong sự tính toán đuổi lỗ lãi, cũng không nằm trong danh giá trọng vọng của một ông chủ.

Không ít lần trên khán đài sân vận động Stamford Bridge, người ta bắt gặp Abramovich nhấp nhổm, đung đưa tay chân theo từng bước chạy của một cầu thủ Chelsea dưới sân. Cũng không ít lần ông ưỡn người co chân như chính ông đang né tránh một pha phạm lỗi của cầu thủ đối phương và ông cũng vỡ òa với nụ cười hết cỡ khi cầu thủ Chesea ghi được một bàn thắng. Không có nhiều những ông chủ hòa nhập với cuộc sống bóng đá đời thường đến thế.

Abramovich ít khi ngồi trịnh trọng trong bộ ghế VIP, cũng ít khi ông ngồi đối diện với ông chủ của đội đối thủ đang đá dưới sân như nghi thức của một vài câu lạc bộ danh tiếng khác.

Ông đến sân không tiền hô hậu ủng, cũng chẳng mấy khi mặc quần áo trịnh trọng. Đôi khi là quần jean áo phông, và cũng chẳng ngồi, ông đứng dựa lưng vào bờ tường trên khán đài sân Stamford Bridge để xem trận đấu mà không câu nệ kẻ hầu người hạ. Với ông, tất cả là trận đấu dưới sân và là làm sao để xem trận đấu thoải mái theo cách mà ông thích là tốt nhất.

Ông yêu quả bóng tròn và luôn muốn tận hưởng niềm vui như một người trong cuộc. Cũng vì thế mà trong ngày lịch sử khi câu lạc bộ Chelsea tổ chức rước cúp vô địch Champions League, người ta không thấy ông đứng trên lễ đài trước đám đông để vỗ tay chúc mừng. Ông chúc mừng theo cách của riêng ông và chưa có tiền lệ, đó là đi theo đoàn xe, đứng hẳn trên thùng xe, cùng cầu thủ 'bá vai bá cổ' nhảy múa.

Có thể rồi lúc này lúc khác người ta vẫn ác cảm với “túi tiền không đáy” của Abramovich, hoặc bảo ông điên. Nhưng với Abramovich và CĐV Chelsea, những người luôn cảm ơn ông đã xây dựng Chelsea của họ thành một câu lạc bộ hàng đầu của Premier League và châu lục, đơn giản ông chỉ là người yêu quả bóng tròn.

(Bạn đọc: Trịnh Minh Hỗ)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục