Messidependencia
Messidependencia - hội chứng phụ thuộc Lionel Messi từ lâu đã là một vấn đề "cũ mèm" ở Barca. Qua các đời HLV, người ta chỉ thấy "căn bệnh nan y" này biến nặng hay trở nhẹ chứ chưa từng thực sự khỏi hẳn. Thế nhưng đáng nói hơn cả, đó là theo tuổi tác ngày một gia tăng của Leo, thì mức độ của Messidependencia lại có xu hướng tăng dần dưới triều đại của Ernesto Valverde.
Rất nhiều mỹ từ được dùng để xưng tụng về sự xuất sắc của M10. Dù đã bước sang tuổi 30 và không còn giữ được tốc độ cũng như khả năng đi bóng đáng sợ như hồi trai tráng, thế nhưng ngôi sao sinh năm 1987 vẫn đang là hạt nhân trong lối chơi của gã khổng lồ xứ Catalan khi cùng lúc đảm nhận rất nhiều vai trò khác nhau từ cầm nhịp, kiến thiết, tạo khoảng trống và ghi bàn.
Sự xuất chúng của Messi là điều không cần bàn cãi, thế nhưng vì đâu mà một đội bóng chỉ những cái tên trên băng ghế dự bị cũng đủ khiến rất nhiều CLB khác thèm khát lại khiến một cá nhân phải cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ như vậy, đó thực sự là điều mà Ernesto Valverde cần phải suy nghĩ?
Không những thế, thành tích của Barcelona mỗi khi thiếu vắng Messi là vô cùng đáng báo động, điển hình là trận đấu với Sevilla hồi đầu tháng tư. Không có ngôi sao người Argentina trên sân, hàng công bạc tỷ của nhà ĐKVĐ La Liga với những Luis Suarez, Ousmane Dembele, Philippe Coutinho bỗng chốc hóa tầm thường đến lạ. Chỉ đến khi Messi vào sân, "gã khổng lồ" dường như mới thức giấc, vội vàng vùng dậy trước khi quá muộn và may mắn tìm lại được một điểm quý giá. Đáng nói hơn, vẫn là Sevilla ở trận chung kết cúp Nhà vua, thế nhưng khi thiên tài Rosario được đá chính ngay từ đầu, Barca đã dễ dàng chiến thắng với tỉ số đậm năm bàn không gỡ.
Bài toán phòng ngự
Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy mâu thuẫn khi một Barcelona được xem như có hàng phòng ngự hay nhất kể từ thời kỳ hoàng kim được dẫn dắt bởi "thánh" Johan Cruyff những năm 1988 lại cần giải quyết những bài toán nằm ở tuyến ba. Thế nhưng điều này không hề vô lý chút nào nếu nhìn vào thành tích đi xuống thấy rõ của thầy trò Valverde trong giai đoạn cuối mùa.
Họ đã để Roma ghi 3 bàn trong giai đoạn lượt về vòng tứ kết Champions League, để Real Madrid hai lần xé lưới trong trận El Classico và mới đây nhất là để Levante - một đội bóng hạng ruồi (đang xếp thứ 16 trên BXH) bắt Ter Stegen phải vào lưới nhặt bóng tới 5 lần.
Lý giải cho sự sa sút này, chính là sự "hai lòng" của Umtiti, gánh nặng tuổi tác của Pique. Nguy hại hơn, đó là việc Barca không có được những cái tên thay thế xứng đáng ở vị trí trung vệ khi ai cũng nhìn thấy những gì mà Yerry Mina và Thomas Vermaelen đã thể hiện xứng đáng với hai từ "thảm họa".
Thái độ thi đấu thận trọng quá mức cần thiết
Như đã nói từ bài trước, Valverde đến và thổi vào Barca luồng hơi thở của sự thực dụng với triết lý "phản" Johan. Thế nhưng có lẽ do chỉ từng dẫn dắt những đội bóng hạng trung trước khi lên cầm quyền tại Nou Camp mà đôi lúc người ta thấy vị chiến lược gia sinh năm 1964 chỉ đạo các cầu thủ thi đấu thận trọng quá mức cần thiết.
Những gì đã thể hiện trong trận "thắng may" với cách biệt một bàn trước Sporting Lisbon tại vòng bảng Champions League và thất bại bẽ bàng 0-3 trước người Rome chính là ví dụ rõ ràng nhất cho điểm yếu này. Sau "cơn địa chấn" đó, rất nhiều thông tin tiết lộ rằng cả Luis Suarez lẫn Gerard Pique đều từng yêu cầu HLV Valverde dâng đội hình dồn ép lại Roma khi Barca bị dẫn 1-0 và 2-0, nhưng đều không được chấp thuận. Sau cùng kết quả ra sao thì ai cũng biết, Barca đã bị ngược dòng theo cái cách mà một đội bóng nhược tiểu thường gặp khi đối đầu với các ông lớn.