Molla Mallory – Bà hoàng giữa hai thế chiến

15:54 Chủ nhật 28/09/2014

Molla Mallory không phải là cái tên được nhiều người biết đến, kể cả dân ghiền tennis ngoài Mỹ. Trên đời lúc này, hiếm ai từng được chứng kiến Molla thi đấu vì thời kỳ đỉnh cao của bà bắt đầu tư lúc thế chiến thứ nhất mở màn. Nhưng nhìn vào thành tích đồ sộ của Molla, người ta phải nghiêng mình trước một tượng đài đã 8 lần đoạt giải vô địch Mỹ (tiền thân của US Open). Đó là một kỷ lục.

Khi Molla ra đời ở Christiania (giờ là Oslo – thủ đô của Na-uy) vào cuối thế kỷ 19, chính xác là 1884 thì Bắc Âu vẫn là vùng hẻo lánh. Tại Đức, Otto Von Bismarck – Thủ tướng đang nắm quyền. Tại Anh, Nữ hoàng Victoria vẫn ngạo nghễ với câu “Mặt trời không bao giờ tắt trên đất Anh”. Tại Hà Lan Van Gogh chưa hề vẽ tuyệt tác “Hoa hướng dương” và tại Nga, nhạc sỹ thiên tài Tchaikovsky vẫn chưa biết nốt nhạc nào cho bản giao hưởng bất hủ “Sleeping Beauty”. Khi đó, tennis vẫn còn là bộ môn mới mẻ và luật chơi của bộ môn quý tộc hàng đầu thế giới mới chỉ có 10 năm tuổi.

Bạn có thắc mắc vì sao viết về Molla mà lại kể hết về Bismarck, Victoria, Van Gogh hay Tchaikovsky. Bởi Molla có phẩm chất của những vĩ nhân đó. Bà mạnh mẽ như Bismarck, giàu tham vọng như Victoria, có chút điên của thiên tài như Gogh và gào thét như Tchaikovsky khi viết bản “1812 Overture”. Molla được coi như người tạo cách mạng trong làng tennis nữ thời sơ khai, dẹp tan định kiến rằng tennis là phải chơi như tiểu thư.

Là còn của một sĩ quan Na Uy, Molla thừa hưởng tính cách mạnh mẽ của cha và nếu nhìn ảnh của bà thi đấu cách đây một thế kỷ thì người ta thấy khuôn mặt bà đã toát ra vẻ rất cứng rắn chứ không yểu điệu chút nào. Khi viết cuốn sách “Tennis với phụ nữ” năm 1926, bà Molla đã kể về chuyện mình phải lòng tennis theo cách rất con trai.

“Lý do tôi đến với tennis ư? Tôi thích đập một cái gì đó thật mạnh bằng tất cả sức lực của mình và nhìn bóng xé không gian bay vút đi như một mũi tên. Đó là điểm quyễn rũ nhất của tennis”, bà Molla viết. Khi còn đi học, bà Molla tự nhận mình học không giỏi nhưng cực kỳ xuất sắc trong các bộ môn thể dục. Vào lúc nghỉ hè, bà thường thi chèo truyền hay bơi với anh trai và đôi tay khỏe của cô bé Molla khiến các người anh của bà ngậm ngùi chịu thua.

Nhưng chèo thuyền và bơi vẫn chưa khiến Molla cảm thấy hứng khởi cho đến khi bà gặp tennis và bắt đầu chơi bộ môn thể thao mà người ta nói khi đó dành cho các tiểu thư. Molla cảm thấy thật sự phấn khích khi được cầm vợt nện thật mạnh vào quả bóng và nhìn nó đập xuống đất rồi giận dữ nẩy lên. Chỉ một tháng sau khi tập tennis, Molla đã đăng ký chơi một giải đầu tiên ở Christiania với sự tự tin sẽ dùng sức mạnh đôi tay để chinh phục các đối thủ.

Kết thúc thật đau buồn, Molla thua ngay trận đầu bởi một đối thủ mảnh khảnh, ra dáng tiểu thư. Đối thủ đánh không mạnh nhưng hiếm khiến Mola thảm bại. Trận thua đầu đời giúp Molla hiểu rằng không phải dùng sức mạnh là tìm được chiến thắng trong tennis. Do đó, bà quyết định đi học tennis nghiêm chỉnh và được người thầy đầu tiên nhắc nhở: “Trong tennis không phải cứ đánh mạnh một cách hoang dã là thắng mà phải biết đánh đúng nơi đối thủ không phòng bị”. Dù tiếp thu lời thầy nhưng Molla cũng không từ bỏ lối chơi lấy thịt đè người mà bà coi là vũ khí tối thượng của mình.

Biết dùng sức mạnh và cả sự khéo léo, Molla nhanh chóng trở thành nữ hoàng tennis tại Na Uy khi chưa đầy 20 tuổi. Nhưng Na Uy có quá ít người chơi tennis, đặc biệt là phụ nữ và đối thủ duy nhất sẵn sàng chơi với Molla là cô em gái. Ngay cả khi bà chuyển sang chơi với các tay vợt nam thì các quý ông cầm vợt tại Na Uy cũng chào thua.

Sau 20 tuổi, Molla đi du học khắp châu Âu để được vừa học vừa trau dồi tennis. Bà đã sang Đức, Pháp rồi Anh nhưng nhận được rất ít điều mình mong muôn. Tại Đức, nữ sinh chỉ tập trung học chứ không màng tennis, ở Paris chẳng khá hơn. Thời gian ở London, tennis ở đây rất phát triển nhưng Molla không kiếm được thầy dạy tốt nên cuối cùng lại quay về Na Uy.

Mãi đến năm 1914, khi đã 30 tuổi thì Molla mới đến nước Mỹ lần đầu tiên và nhanh chóng nhận được đây là nơi thích hợp để phát triển tài năng. Các HLV tại Anh không muốn dạy Molla vì họ luôn áp đặt phái nữ phải đánh kiểu tiểu thư, luôn luôn lên lưới để ra tay nhẹ nhàng như chơi cầu lông hạ đối thủ. Còn tại Mỹ, Molla được khuyến khích chơi theo cách của bà: bám biên cuối sân, chạy liên tục, vụt thật mạnh vào hai góc sân để khiến đối thủ phải kiệt sức trước bà.

Bob Kelleher, cựu Chủ tịch của Liên đoàn tennis Mỹ từng theo dõi bà Molla chơi khi ông còn là một cậu bé nhặt bóng, nhận xét: “Cái nhìn và mỗi cú đánh của bà Molla đều có sát khí khiến lũ trẻ nhật bóng chúng tôi phải toát mồ hôi. Trên sân, bà giống như Athena (nữ thần chiến tranh)”.

Nhờ sự mạnh mẽ, bà đã vô địch Mỹ 8 lần dù bắt đầu chơi tại đây khá muộn. Bà tiếp tục chơi theo cách của nữ thần chiến tranh cho đến tận 45 tuổi, khi đầu gối của bà không chịu được gánh nặng tuổi tác và khuỵu xuống. Nhưng tượng đài về Molla thì vẫn còn mãi.

Nguồn: Tạp chí Thế giới Tennis

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục