Từ thuở xa xưa, khi vàng đúc vẫn là đơn vị tiền tệ phổ biến của xã hội, viêc cắn vào những thỏi hay đồng vàng chính là phương pháp kiểm tra đơn giản nhất để nhận biết chúng có bị làm giả hay không.
Thói quen cắn vàng thường xuyên được khắc họa qua những thước phim về xã hội châu Âu, châu Á thời xưa. Nguyên nhân chính do vàng vốn là một kim loại tương đối mềm. Càng mềm, hàm lượng vàng càng cao. Nếu răng bạn chìm sâu, chứng tỏ đó là một thỏi vàng nguyên chất. Ngược lại, đó chỉ là một loại "tiền giả" với vỏ bọc bên ngoài là vàng.
Ở Olympic hiện đại, các nhà vô địch vẫn thường đặt răng cắn vào mỗi tấm huy chương giành được như một hành động để chứng tỏ giá trị của bản thân. Hay nghĩ theo một cách đơn giản, nhà nghiên cứu về lịch sử các kỳ Olympic, David Wallechinsky khẳng định hành động này chỉ là chủ ý của các nhiếp ảnh gia tại Thế vận hội, bởi họ muốn có một bức hình thú vị hơn.
Michael Phelps chắc hẳn đang vô cùng mỏi răng khi liên tục phải cắn những tấm huy chương anh giành được. Ảnh: Internet. |
Việc cắn để "kiểm tra" huy chương vàng ở các kỳ Olympic không còn nhiều ý nghĩa bởi kể từ sau Olympic Stockholm 1912, tất cả các huy chương dành cho nhà vô địch đều được đúc từ bạc nguyên chất 92,5 %. Nếu may mắn xếp thứ nhất, các VĐV sẽ được "thưởng" thêm một lớp vàng khoảng 6 gram mạ bên ngoài.
Ngoài giá trị về danh hiệu, mỗi tấm huy chương đều có giá trị về mặt tiền bạc. Cụ thể huy chương vàng tương đương 600 USD, huy chương bạc tương đương 300 USD và phần thưởng cho người xếp thứ ba, huy chương đồng chỉ là 3 USD, bởi huy chương của họ có thành phần gồm 97% đồng nguyên chất, còn lại là phụ gia kẽm và thiếc.