Theo Sports Illustrated, 60% số cầu thủ NBA phá sản trong vòng 5 năm sau khi giải nghệ. Đây là con số khiến người hâm mộ bóng rổ sửng sốt khi biết rằng NBA là giải thể thao trả lương cho VĐV cao nhất thế giới.
Allen Iverson và Antoine Walker là 2 trường hợp nổi tiếng nhất phá sản nhanh chóng sau giải nghệ, bất chấp việc kiếm hàng trăm triệu USD trong sự nghiệp. Trong khi Walker dành nhiều thời gian để trò chuyện với thế hệ cầu thủ trẻ về sai lầm của mình, thì Iverson đang phải sống tiết kiệm với số tiền có được hàng năm từ hợp đồng giày đã ký với Reebok.
Chi tiêu hoang phí
Phần lớn cầu thủ bóng rổ trước khi đến NBA đều trải qua những tháng ngày thi đấu không lương ở cấp độ trung học và đại học. Luật ở hệ thống giải bóng rổ trung học và NCAA Division 1 (giải đấu bóng rổ sinh viên hạng cao nhất nước Mỹ) không cho phép các cầu thủ nhận lương khi thi đấu.
Năm 2020, NBA G-League (giải đấu hạng thấp hơn NBA) mới cho phép các đội bóng chiêu mộ những tài năng xuất sắc ở trung học. Ngoài ra, việc rời khỏi nước Mỹ để thi đấu chuyên nghiệp sau khi học xong trung học cũng được một số cầu thủ lựa chọn. Tuy nhiên phương án này mang đến nhiều rủi ro và không quá nhiều cầu thủ mặn mà.
Việc được thi đấu ở NBA biến nhiều cầu thủ từ không có gì trở thành triệu phú ở tuổi đời rất trẻ. Theo Basketball Reference, mức lương trung bình của các cầu thủ thi đấu tại NBA là gần 7 triệu USD/năm.
Các cầu thủ cũng vì thế mà nhanh chóng sa lầy khi đột nhiên có trong tay số tiền lớn. Họ dùng số tiền kiếm được để thỏa mãn nhu cầu cá nhân hoặc chăm lo cho gia đình và bạn bè. Các cầu thủ có xu hướng chi nhiều tiền cho siêu xe, trang sức đắt tiền và những dinh thự xa hoa ở Mỹ.
Thậm chí, họ sẵn sàng dùng số tiền của mình để mua nhà và nhiều tài sản đắt tiền khác cho bạn bè hay người thân. Thật không may, chính điều này khiến nhiều cầu thủ nhiễm thói ăn chơi sa đọa và không nghĩ đến tương lai. Đáng buồn thay số lượng cầu thủ như vậy lại chiếm hơn quá nửa ở NBA.
Một số cầu thủ "nướng" hàng triệu USD chỉ vì cờ bạc. Cựu ngôi sao Dwyane Wade là trường hợp mới nhất khi thừa nhận đứng trước nguy cơ phá sản vì chơi poker vào tháng 3/2020. Thông tin này khiến người hâm mộ bất ngờ khi biết rằng Wade kiếm gần 200 triệu USD tiền lương trong sự nghiệp.
Đã quá quen với mức thu nhập khổng lồ khi còn thi đấu, phần lớn cầu thủ vẫn duy trì thói quen chi tiêu hoang phí sau giải nghệ. Đây là yếu tố khiến tài chính của nhiều cầu thủ nhanh chóng khánh kiệt khi tiêu tiền nhiều hơn thu nhập có được sau giải nghệ.
Những cầu thủ bóng rổ sở hữu khối tài sản kếch xù được xem là con mồi béo bở với nhiều thành phần bất hảo trong xã hội. Allen Iverson có đội ngũ khoảng 50 người bạn bên cạnh khi còn sở hữu hàng trăm triệu USD. Iverson sẵn sàng lo mọi chi phi trong các cuộc vui cho những người bạn.
Cựu danh thủ 44 tuổi tỏ ra hào phóng khi tặng nhà cửa và những món đồ đắt tiền cho bạn bè khi họ cần. Tuy nhiên tất cả những người bạn chí cốt năm nào lần lượt rời đi khi Iverson tuyên bố phá sản vào năm 2012. Không riêng gì Iverson, nhiều cầu thủ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự và nhanh chóng phá sản sau một thời gian ngắn.
Đầu tư sai lầm
Một yếu tố khác góp phần khiến nhiều cầu thủ dù không ăn chơi sa đọa nhưng vẫn đi đến phá sản là khả năng đầu tư tệ hại. Hầu hết cầu thủ sau này ít nhiều ý thức việc phải đầu tư để duy trì cuộc sống giàu sang sau giải nghệ. Tuy nhiên việc thiếu kiến thức chuyên môn khiến họ dễ làm ăn thua lỗ và hết tiền chóng vánh. Đa phần các cầu thủ không có bằng đại học vì bắt đầu sự nghiệp bóng rổ ở tuổi dưới 21.
Chính vì vậy mà một cố vấn tài chính là điều mà các cầu thủ cần để giúp đỡ trong việc đầu tư hoặc đơn giản là chi tiêu. Tuy nhiên các cầu thủ không mấy mặn mà với việc thuê một cố vấn tài chính cho riêng mình.
Derrick Coleman là trường hợp điển hình trong việc đầu tư sai lầm. Cựu cầu thủ 52 tuổi dù kiếm 87 triệu USD trong sự nghiệp, nhưng ông nhanh chóng phá sản sau giải nghệ do sai lầm khi đầu tư. Coleman rơi vào cảnh khánh kiệt về kinh tế vì quyết định đầu tư bất động sản ở Detroit.
Trong khi đó Kevin Garnett và Tim Duncan lại bị cố vấn tài chính của mình bòn rút tài sản. Duncan từng đâm đơn kiện cố vấn tài chính Charles Augustus Banks IV để đòi lại số tiền gần 30 triệu USD bị biển thủ. Tuy nhiên, Duncan chỉ đòi lại được 7,5 triệu USD, trong khi số tiền còn lại vẫn chưa thể thu hồi cho đến hiện nay.
Garnett cũng từng phải đâm đơn kiện Banks IV với hy vọng đòi lại số tiền khổng lồ 77 triệu USD bị biển thủ. Cho đến nay Garnett vẫn chưa thể lấy lại số tiền bị mất sau 2 năm theo đuổi vụ kiện. Thật may mắn khi biết rằng Garnett và Duncan vẫn chưa lâm vào cảnh phá sản, tuy nhiên những cầu thủ khác đã mất trắng tất cả chỉ vì tin lầm người.
Shaq O’Neal là hình mẫu trong việc trở nên giàu hơn sau giải nghệ với những quyết định kinh doanh đúng đắn. Ông vẫn kiên trì bổ túc kiến thức kinh doanh khi trở thành cầu thủ NBA.
Huyền thoại 48 tuổi là cầu thủ hiếm hoi trong lịch sử NBA sở hữu tấm bằng tiến sĩ. Số tiền khổng lồ kiếm được trong sự nghiệp, cộng với kiến thức kinh doanh và sự hỗ trợ từ đội ngũ cố vấn tài chính giúp Shaq O’Neal trở nên giàu có sau giải nghệ.