"Barca làm gì có tiền để chiêu mộ tôi" được cho là câu nói của tiền đạo Erling Haaland trong lễ cưới của đồng đội Aymeric Laporte tại Tây Ban Nha. Đó có thể là lời nói đùa và cần được kiểm chứng của chân sút người Na Uy, song lại phản ánh thực trạng tài chính khó khăn của Barca vào lúc này.
Ảnh hưởng nghiêm trọng
Khó có chuyện Barca chi 180 triệu euro cho Haaland (theo định giá của Transfermarkt) trong mùa hè này. Những phi vụ "bom tấn" dần trở nên xa xỉ với Barca. Đội chủ sân Camp Nou đang chật vật giải quyết bài toán kinh tế vốn âm ỉ từ mùa hè năm ngoái.
Từ đầu kỳ chuyển nhượng hè này, Barca chỉ đón hai tân binh Ilkay Gundogan và Inigo Martinez theo dạng tự do. Nhưng Barca cũng không thể đăng ký những cầu thủ mới cho đội hình dự La Liga 2023/24 vì quỹ lương vượt mức cho phép. Theo Mundo Deportivo, mới có 13 cầu thủ được Barca đăng ký lên ban tổ chức. Đội chủ sân Camp Nou đang đi vào chính vết xe đổ của đội ở mùa hè năm ngoái.
Nhà đương kim vô địch La Liga có khoản nợ ngắn hạn lên tới 1,35 tỷ euro (1,48 tỷ USD), chưa bao gồm 1,5 tỷ euro (1,64 tỷ USD) tiền vay cho dự án Espai Barca liên quan đến việc cải tạo sân Camp Nou. Eduard Romeo, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề kinh tế của Barca, thừa nhận mọi nỗ lực trong việc tái cơ cấu các khoản nợ trong thời gian qua của CLB đều bất thành.
Chức vô địch La Liga mùa vừa qua không giúp ích nhiều cho tình hình tài chính của Barca. Việc bị loại sớm ở Champions League khiến CLB xứ Catalonia mất đi nguồn thu đáng kể. Hồi tháng 5, Barca buộc phải dừng kênh truyền hình riêng của CLB sau 24 năm hoạt động, khiến 150 nhân viên phải mất việc.
Không như mùa hè năm ngoái, Barca khó thực hiện các "đòn bẩy tài chính" liên tiếp để vực dậy đội bóng. Họ bán và thế chấp hầu hết tài sản có giá trị nhưng không thể vực dậy tình trạng tài chính tồi tệ.
Hàng loạt diễn biến gần đây chỉ ra sự vất vả của Barca để giải quyết bài toán kinh tế. Hôm 4/7, Chủ tịch Joan Laporta xác nhận Barca vẫn còn nợ lương Lionel Messi, người đã rời CLB vào năm 2021. Khoản tiền này sẽ được thanh toán dần đến năm 2025.
Ngoài ra, Mundo Deportivo còn tiết lộ trước khi vào giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải 2023/24, HLV Xavi đề nghị ban lãnh đạo Barca tăng lương cho các trợ lý. Câu trả lời từ đội chủ sân Camp Nou là Xavi nên dùng khoản tiền lương được tăng sau mùa giải 2022/23 của bản thân để trả khoản này.
Thế khó trên thị trường chuyển nhượng
Việc cắt giảm quỹ lương được ban lãnh đạo Barca xem như giải pháp có ảnh hưởng tức thì đến nền tảng tài chính của CLB. Đội chủ sân Camp Nou vừa phải trả hơn 7 triệu euro để Samuel Umtiti chấp nhận ra đi khi vẫn còn 3 năm hợp đồng. Rất nhiều cầu thủ cũng có thể bị Barca thanh lý như Umtiti để giải phóng quỹ lương ngay trong hè này, bao gồm Frenkie de Jong, Franck Kessie, Ferran Torres, Sergino Dest, Eric Garcia hay Clement Lenglet.
Ở chiều ngược lại, Mundo Deportivo cho biết thương vụ chiêu mộ tài năng 18 tuổi Vitor Roque từ Paranaense có nguy cơ đổ bể. Chủ tịch Alexandre Mattos của CLB Brazil không hài lòng vì Barca liên tục trì hoãn việc hoàn tất các thủ tục cuối cùng. Ông ra hạn chót trong vòng 24 tiếng để đội chủ sân Camp Nou bổ sung hồ sơ, nếu không Paranaense sẽ từ chối chuyển nhượng Roque và tìm đối tác khác.
Theo AS, Roque rơi vào tình thế tương tự Gundogan và Martinez. Cả ba đang trong danh sách chờ được Barca đăng ký thi đấu. Nếu không thể điền tên Roque ở mùa hè này, đội chủ sân Camp Nou phải trì hoãn việc chiêu mộ anh đến kỳ chuyển nhượng tiếp theo.
Barca còn gây sốc khi đang nhắm đến Oriol Romeu để tăng cường nhân sự cho hàng tiền vệ. Romeu là sản phẩm của lò La Masia, nhưng đã 31 tuổi và chỉ là một tiền vệ phòng ngự tầm trung tại La Liga. Thay Sergio Busquets bằng Romeu rõ ràng là động thái không khiến người hâm mộ đội bóng hài lòng.
Trong bối cảnh Real Madrid vừa chi hơn 100 triệu euro cho Jude Bellingham và sắp tới có thể đón thêm Kylian Mbappe, Barca có lý do để lo lắng. Mùa giải 2023/24 chưa diễn ra nhưng Barca đang bị tụt lại so với Real. Nếu không tạo ra những thay đổi tích cực và bất ngờ trong phần còn lại của chợ hè này, Barca đang tự hạ thấp cơ hội vô địch của CLB.