Tháng 5/2003, LeBron James khi ấy đang là cái tên gây xôn xao truyền thông bóng rổ khắp nước Mỹ. Cậu thiếu niên tới từ Akron mang những tố chất của một ngôi sao lớn. Giới chuyên môn quả quyết sau Michael Jordan, đây sẽ là tượng đài tiếp theo của NBA.
Cũng vì thế, đôi chân của LeBron đón nhận không ít sự chào mời. Nike, Adidas, Reebok khi ấy nổi lên là 3 hãng thể thao cạnh tranh nhau quyết liệt nhất. Reebok chắc chắn không thể so với 2 cái tên danh giá còn lại về mặt thương hiệu.
Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa họ chắc chắn sẽ phá két để có LeBron.
Từ chối "lời đề nghị không thể chối từ"
Theo Business Insider, Steve Stout, khi ấy là phụ trách công tác đàm phán của hãng giày này, đã có quá nhiều kinh nghiệm trong việc tuyển mộ những gương mặt mới. Từng mang về bản hợp đồng với rapper Jay-Z, ông thuyết phục chủ tịch của Reebok khi ấy là Paul Fireman, ký tấm séc với trị giá cao nhất có thể để thuyết phục LeBron James.
Reebok điều một máy bay cá nhân tới đón Lebron ngay khi buổi học tại trường kết thúc và đưa thẳng tới trụ sở chính của hãng. Khi chàng trai trẻ tới nơi, cậu và mẹ, bà Gloria James, được đưa tới căn phòng của chủ tịch.
Tại đây, Fireman ký một tấm séc 10 triệu USD đưa ra trước mặt James với yêu cầu: “Nhận lấy tấm séc này. Đây là chỉ phần thưởng thêm nếu cậu ký vào hợp đồng trị giá 100 triệu USD trong 10 năm với chúng tôi. Cùng với đó, hãy quên những lời đề nghị ngoài kia đi”. Bà Gloria đã khóc khi nhìn thấy tấm séc.
Bản hợp đồng hơn 100 triệu USD vào thời điểm năm 2003 chắc chắn sẽ là một cột mốc lịch sử. Cùng năm đó, Kobe Bryant một tên tuổi đã khẳng định tại NBA với 3 chức vô địch, "chỉ" ký hợp đồng 40 triệu USD với Nike.
Xa hơn, bản hợp đồng tài trợ đầu tiên của Tiger Wood cũng chỉ có giá trị 35 triệu USD. Chàng trai 18 tuổi, chuẩn bị bước vào mùa giải đầu tiên tại NBA như LeBron James đứng trước con số 110 triệu. Với xuất thân của mình, anh đang đứng trước giấc mơ.
LeBron lớn lên trong một gia đình không toàn vẹn. Người cha bỏ lại cậu trai nhỏ tuổi cho bà mẹ Gloria. LeBron lớn lên tại khu tái định cư Elizabeth Park ở Akron, ngoại ô bang Ohio, một trong những nơi bất ổn nhất về an ninh trật tự.
Cậu bé thường nghe tiếng đạn văng vẳng và chứng kiến những nạn nhân bị hành hung trên đường phố. “Tôi đáng lẽ nên làm kế toán", LeBron từng thừa nhận. “Ở nơi tôi ở, đó là con đường duy nhất để giải thoát”. Cầm tấm séc 10 triệu USD trên tay, sẽ chẳng ai ngạc nhiên nếu LeBron đồng ý ngay lập tức. Nhưng cậu trai trẻ đã nói không và bước ra ngoài. LeBron James biết giá trị của mình ở đâu ngay từ khi ấy.
Sau đó, tới lượt Nike đưa ra đề nghị. Không có tấm séc nào được chìa ra. Con số cũng thấp hơn đối thủ, 70 triệu cho bản hợp đồng 10 năm, cộng thêm khoảng 10 triệu tiền thưởng. Phil Knight, CEO của Nike, muốn rằng hãng thể thao này không chỉ có sự phục vụ của LeBron James mà còn của tất cả những ngôi sao bóng rổ lớn nhất. Điều này tạo sức ép lớn lên quỹ tiền thương thảo hợp đồng.
LeBron bắt đầu suy nghĩ. Từ lâu, Nike đã là ước mơ của anh. Vì Michael Jordan, vì những mẫu giày đẹp, thời thượng nhất, vì những quảng cáo sáng tạo. James muốn tham gia vào tất cả. Nhưng lời đề nghị của Reebok vẫn còn đó. Ngày quyết định tới gần.
Reebok thậm chí đưa cả luật sư và nhân viên tới cùng khách sạn của LeBron để hoàn thiện giấy tờ. Tất cả những gì họ cần là 1 chữ ký của anh. Nhưng bằng những tính toán của mình, LeBron đã quyết định đặt bút vào bản hợp đồng 77 triệu USD trong vòng 10 năm với Nike.
Cho tới thời điểm này, LeBron James vẫn khẳng định đó là quyết định sáng suốt nhất cuộc đời anh. Reebok mấy năm sau đó sáp nhập vào Adidas. Mảng giày bóng rổ cũng thu hẹp lại.
Trong khi đó, sau khi kết thúc hợp đồng đầu tiên với Nike, LeBron ký hợp đồng trọn đời với giá trị 1 tỷ USD vào năm 2018. Forbes mô tả James "vượt qua giới hạn của một cầu thủ bóng rổ" và là hình ảnh phản ánh trọn vẹn nhất của "Giấc mơ Mỹ".
Tất cả được bắt đầu từ lời từ chối 100 triệu USD tại trụ sở Reebok vào năm 2003.
Bộ óc kinh doanh đại tài
Việc ký hợp đồng với Nike chỉ là 1 trong những quyết định đúng đắn trong sự nghiệp kinh doanh của LeBron James. Kể từ khi bắt đầu gia nhập NBA tới nay, trong hầu hết kế hoạch kinh doanh của mình, LeBron chỉ tham dự khi thật sự bản thân có được tiếng nói và quyền kiểm soát.
Cầu thủ từng 3 lần vô địch NBA nói không với tất cả những đề nghị ở các nhãn hiệu anh không dùng hoặc không có hứng thú, mặc cho số tiền lớn đến bao nhiêu. Một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn tới các quyết định kinh doanh của James là Paul Wachter, người đàn ông có thể kết nối giúp hàng loạt những ngôi sao như Arnold Schwarzenegger hay Bono của U2 đưa ra những quyết định kinh doanh tốt nhất.
Chính Wachter đã mang LeBron đến với huyền thoại của ngành công nghiệp âm nhạc Jimmy Iovine. Từ đây, LeBron biết về kế hoạch sản xuất tai nghe chất lượng cao mà Iovine đang hợp tác với một rapper có tên là Dr. Dre. Iovine mang tai nghe Beats cho James dùng thử và anh thích mẫu tai nghe này.
LeBron quyết định sẽ sử dụng chúng, đổi lại một phần nhỏ cổ phần của công ty. Thời điểm đó, trong phương án sản xuất chương trình các trận bóng rổ, hình ảnh cầu thủ tới sân thi đấu luôn được chú trọng.
Đoạn hành lang từ bãi gửi xe vào trong nhà thi đấu bỗng nhiên trở thành một sàn catwalk để trình diễn các nhãn hiệu. LeBron lúc nào cũng mang chiếc tai nghe bên mình mỗi khi tới sân. Anh thậm chí còn mua hàng loạt và tặng cho các đồng đội tại đội tuyển quốc gia khi đội tuyển Mỹ tham dự Olympics Bắc Kinh 2008.
Và thế là cứ mỗi khi các vận động viên tới sân, rời sân, trên cổ họ luôn là chiếc tai nghe từ nhãn hiệu chưa ai từng biết này. Nó trở thành một món đồ mà khán giả nào cũng tò mò muốn có. Giá trị của hãng tai nghe ngày càng tăng để rồi tới năm 2014 khi được bán lại cho Apple, LeBron nhận số tiền 50 triệu USD cho số cổ phần của mình trong công ty mà không bỏ một đồng nào.
Năm 2011, trong 1 chuyến đi tới Anfield xem trận hoà 1-1 giữa Liverpool và Manchester United, LeBron đã miêu tả: “Đây là một trong những trải nghiệm thú vị nhất mà tôi từng tham dự”.
Anh quyết định mua 2% cổ phần tại đội bóng này với số tiền 6,5 triệu USD, trong bối cảnh họ vẫn chưa vô địch Premier League sau vài thập kỷ. Niềm tin của Lebron được đền đáp vào năm ngoái khi Liverpool vô địch UEFA Champions League. Giá trị câu lạc bộ tăng chóng mặt và số cổ phần của LeBron tại Liverpool có giá trị hiện tại là 32 triệu USD, tăng hơn 5 lần sau 7 năm.
Cho tới thời điểm hiện tại, giá trị tài sản của LeBron khoảng 450 triệu. Anh vẫn chưa thể gia nhập nhóm các vận động viên có giá trị tài sản tỷ USD, hiện mới chỉ có 6 người.
Nhưng Lebron vẫn còn 1 bộ phim Space Jam 2 chưa ra mắt, đồng thời anh vẫn còn có thể ký thêm một hợp đồng nữa với Los Angeles Lakers, và hàng loạt cơ hội kinh doanh khác khi anh đang ở vùng đất giàu có bậc nhất nước Mỹ.
Forbes quả quyết việc vượt qua cột mốc 1 tỷ USD trong sự nghiệp với LeBron James chỉ là vấn đề thời gian. Chỉ riêng hợp đồng trọn đời với Nike rồi sẽ mang về cho "King James" thu nhập với 10 chữ số.
Từ một chàng trai ham mê bóng rổ trong trường đại học, LeBron đã đi một chặng đường dài để vươn mình thành siêu sao của nước Mỹ, một doanh nhân thành đạt và giờ là tỷ phú USD.
Câu hỏi được đặt ra lúc này nên là "Đâu mới là giới hạn của Lebron?".