Lăng kính: Xa hơn ngày mai

08:32 Chủ nhật 18/03/2012

Sau một thất bại của M.U, sẽ rất dễ để bật ra những giải pháp như “Wesley Sneijder”, “Kaka”, “Jovetic” hay “Gignac”... Nhưng đó chỉ là những giải pháp ngây thơ nhất, khi những khó khăn cốt lõi không nằm ở đội hình ra sân của Sir Alex, mà ở một tầm cao hơn.

Những khó khăn của MU đang nằm ở những ông chủ người Mỹ

1. Ngày đầu tiên sau khi bị loại khỏi Europa League, BLĐ M.U đã nghĩ về tương lai. Không phải gửi tuyển trạch viên đi xem cầu thủ, cũng chẳng phải gia hạn hợp đồng với công thần. Đó chỉ là những chuyện quá đỗi “tầm thường” so với các chiến lược của một đội bóng. Hôm qua, M.U đã bổ nhiệm Phó Chủ tịch (PCT) mới.

Ed Woodward, người trước ngày hôm qua giữ chức “tham mưu trưởng” (chief of staff) của M.U, là một nhân vật ít xuất hiện trên báo chí. Nhưng ông là một nhân vật tối quan trọng của CLB. Trong khi GĐĐH David Gill (người nổi tiếng với công chúng hơn) chỉ phụ trách các mặt liên quan đến bóng đá, thì Woodward phụ trách mảng thương mại: ông là đạo diễn của tất cả các hợp đồng tài trợ mà M.U đã ký suốt nửa thập kỷ qua, từ khoai tây chiên Mr.Potato cho đến rượu vang Concha y Toro. Woodward cũng chính là người chịu trách nhiệm chính của “áp phe” phát hành cổ phiếu có giá trị hơn 600 triệu bảng ở Singapore.

Một nước cờ hợp lý, ít nhất là về mặt cảm tính. Bởi doanh thu của CLB chia làm 3 mảng chính: BQTH, tiền thu được từ sân Old Trafford trong ngày thi đấu (vé, đồ ăn) và thương mại. Hai thứ đầu không thể thay đổi trong tương lai gần. Doanh thu thương mại là thứ dễ cải thiện nhất.

Và việc đưa Ed Woodward lên làm PCT, cho người ta thấy rằng những ông chủ Mỹ đã bắt đầu suy nghĩ về tương lai của thương hiệu “Manchester United”.

2. Nhà Glazer đã luôn quan tâm đặc biệt đến thương hiệu, có lẽ bởi họ hiểu đó là mặt mạnh nhất của đội bóng này. Trong 6 năm, từ 2005 đến 2011, theo báo cáo của hãng Brand Finance, giá trị thương hiệu “Manchester United” đã tăng từ 197 triệu lên 412 triệu bảng, nghĩa là gấp đôi. Năm ngoái, các hoạt động thương mại mang về cho CLB này mức doanh thu kỷ lục 100 triệu bảng, cao nhất châu Âu.

Nhưng không cần đến một chuyên gia kinh tế để biết rằng sức mạnh thương hiệu ấy đang đối mặt với một thử thách nghiêm trọng. Với những ê chề đã chuốc lấy ở đấu trường châu Âu, một chức vô địch Premiership, vốn quen thuộc và chẳng phải là thứ động lực quá ghê gớm với thương hiệu “M.U”, không thể cứu vãn sự sa sút hình ảnh.

Quyết định lớn đầu tiên của M.U sau “thảm họa Bilbao” là trao thêm quyền lực cho người phụ trách thương hiệu CLB. Chắc chuyện không phải ngẫu nhiên.

3. Cải thiện tương lai của M.U là một câu chuyện dài. Một chuỗi logic mà mỗi mắt xích lại là một khó khăn. Muốn cải thiện phong độ thì cần bổ sung cầu thủ. Muốn bổ sung cầu thủ thì cần có tiền. Muốn có tiền thì cần giải quyết nợ, bằng việc tăng doanh thu thương mại và phát hành cổ phiếu.

Sau một thất bại của M.U, sẽ rất dễ để bật ra những giải pháp như “Wesley Sneijder”, “Kaka”, “Jovetic” hay “Gignac”... Nhưng đó chỉ là những giải pháp ngây thơ nhất, khi những khó khăn cốt lõi không nằm ở đội hình ra sân của Sir Alex, mà ở một tầm cao hơn.

Tất nhiên, đích đến cuối cùng của một CLB thể thao vẫn là thành tích thể thao. Chẳng CĐV nào thích một đội bóng như Bayern Munich quãng giữa thập kỷ này, lãi đùm đuề nhưng bết bát ở châu Âu.

Nhưng nước cờ mà nhà Glazer đã đánh trong hôm qua, bổ nhiệm PCT Ed Woodward, là biểu hiện của một tầm nhìn xa. Xa hơn mùa giải 2012/13, mùa giải mà M.U sẽ có rất ít tiền chia BQTH từ UEFA, còn Man City thì vẫn mua sắm không giới hạn.

Đó là một động tác mà những người yêu M.U có thể hy vọng trong tương lai xa, nhưng cũng nên sẵn sàng chuẩn bị đón nhận thất vọng trong tương lai gần.

Khi người Mỹ bỗng nhiên thấy lo lắng mình đang kiếm ít tiền, có thể sẽ chẳng có “Sneijder” nào đến trong mùa Hè năm nay.

Đức Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục