Lăng kính: Người Ý tuyển Nga cần

11:21 Chủ nhật 15/07/2012

Đội tuyển Nga cần Capello, bởi cái họ cần bây giờ không phải là những chiến thuật mang lại chiến thắng tức thời, mà là một sự thay đổi trong triết lý căn bản. Một sự thay đổi ở chiều sâu, chứ không phải trên bề mặt.

1. Văn hào Ukraine Konstantin Paustovsky kể một câu chuyện như thế này: Hans Christian Andersen, nhà viết truyện cổ huyền thoại người Đan Mạch đi một chuyến xe đêm từ Venice đến Verona. Trên xe có một ngọn đèn nến nhỏ lập lòe. Andersen gợi ý mọi người tắt ngọn nến đi, vì đằng nào cũng đi trong đêm chẳng cần đến đèn, và đến lúc cần lại chẳng còn gì mà thắp.

Vị giáo sỹ cáu kỉnh người Áo đồng hành với nhà văn kêu lên: “Đây là một ý nghĩ không bao giờ có thể có trong đầu một người Ý”. Andersen hỏi tại sao. Giáo sỹ trả lời rằng: “Người Ý chẳng biết phòng trước cái gì hết. Họ sực nhớ ra và kêu la ầm ĩ khi đã chẳng còn cách nào cứu vãn”.

Chẳng biết bao nhiêu phần trong câu chuyện của Paustovsky là tư liệu, bao nhiêu phần là trí tưởng tượng của ông. Có thể cái định kiến về người Italia kia chỉ là của riêng Paustovsky thôi. Nhưng đọc những dòng ấy không khỏi liên tưởng đến bóng đá. Đúng là cái nền bóng đá này hay “kêu la ầm ĩ” thật.

Giải VĐQG Italia có scandal lớn thường xuyên hơn bất kỳ nền bóng đá nào khác ở châu Âu. Cứ thỉnh thoảng lại nổ ra một vụ móc ngoặc tỷ số với cả trăm đối tượng liên quan, hoạt động có tổ chức trong một thời gian dài. Và người ta có quyền hỏi tại sao những thứ ung nhọt ấy cứ phải đến lúc lớn tướng rồi mới được cắt đi (kèm theo rất nhiều rúng động), dù những biểu hiện “khả nghi” ở Calcio thì người xem bóng đá bình thường ở Việt Nam cũng có thể nhận ra hằng ngày.

2. Nhưng nếu có nhiều người Ý không biết phòng trước cái gì hết, thì đó không phải là tính cách của Fabio Capello.

Làm HLV ở thời đại này này nghề ăn đong từng bữa. Cứ cố gắng làm sao để tạo dựng thành công trước mắt đã, vì chẳng biết sẽ mất việc lúc nào. Nghĩ xa xôi đến tương lai năm mười năm của một đội bóng, chỉ những vị “bất khả xâm phạm” như Alex Ferguson mới có quyền làm.

Nhưng Fabio Capello không nghĩ như thế. Thời còn dẫn dắt đội tuyển Anh, ông thử nghiệm cầu thủ trẻ rất thường xuyên với mong muốn tạo ra một thế hệ mới cho bóng đá Anh. Đã có lúc người Anh hồ hởi nghĩ rằng Capello sẽ cho họ một thế hệ mới thật.

Đó là quãng cuối năm 2011, mới đây thôi. Trong chuỗi trận giao hữu với Tây Ban Nha và Thụy Điển, Capello đã triệu tập và tung vào sân hoàng loạt những tuyển thủ mười chín đôi mươi. Với Phil Jones (19 tuổi), Kyle Walker (21), Rodwell (20), Welbeck (20), ông thắng cả ĐKVĐ thế giới Tây Ban Nha. Sau trận gặp Thụy Điển, Phil Jones còn được so sánh với Fernando Hierro và Franco Baresi, những tiền vệ phòng ngự huyền thoại. Báo chí Anh thời đó hưng phấn lắm.

Vận đổi sao dời, Capello sau đó vẫn phải ra đi vì mâu thuẫn nội bộ. Nhưng người Nga có lý do để tin rằng Capello là người họ cần trong lúc này.

3. Đội tuyển Nga cần Capello, bởi cái họ cần bây giờ không phải là những chiến thuật mang lại chiến thắng tức thời, mà là một sự thay đổi trong triết lý căn bản. Một sự thay đổi ở chiều sâu, chứ không phải trên bề mặt.

Họ đã cương quyết muốn có một HLV người Italia, đánh tiếng với Mancini rồi giờ lại chuẩn bị bổ nhiệm Capello,có lẽ là bởi Nga đã luôn thi đấu với sự hồn nhiên quá đỗi. Họ cần một thế hệ cầu thủ có cái đầu lạnh và biết thi đấu kiểu thực dụng.

Nhiệm vụ của Capello không chỉ là hướng dẫn chiến thuật, mà còn là dìu dắt những cầu thủ trẻ của nước này mang tinh thần và phong thái thi đấu của Andrea Pirlo hay Cannavaro.
Tất nhiên, đó chỉ là triển vọng sáng sủa nhất. Nghề của Capello luôn quá nguy hiểm để khẳng định trước điều gì.

Đức Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục