Lăng kính: Chuyện kép Tư Bền

13:39 Thứ bảy 16/06/2012

Đặt Hy Lạp lên bàn cân với đội tuyển Nga ngẫu hứng của Dzagoev và Arshavin thời điểm này, sẽ dễ nảy sinh tâm lý thất vọng: nhà cựu vô địch châu Âu yếu đuối quá. Nhưng Hy Lạp không có lựa chọn. Họ phải thắng, để cứu không chỉ mặt trận bóng đá...


1. Nhật báo kinh tế Wall Street Journal nói rằng Hy Lạp đang có hai trận đấu sống còn. Một là trận gặp Nga ở vòng bảng EURO 2012. Một là cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra sau trận đấu bóng đá chỉ 2 ngày.

Trận gặp ĐT Nga sẽ quyết định việc Hy Lạp đi tiếp hay dừng cuộc chơi. Còn cuộc tổng tuyển cử kia, trọng đại hơn thế, sẽ quyết định việc nước này rời bỏ khu vực đồng euro hay ở lại (thông qua quan điểm của ứng viên tổng thống sẽ đắc cử). Và điều khác biệt là nếu trận đấu với Nga vẫn còn cho người Hy Lạp quyền nuôi hy vọng, dù rất mong manh, thì “trận đấu” ngày Chủ nhật, họ đã thua rồi. Khủng hoảng sẽ vẫn tiếp diễn dù cách này hay cách khác.

Nói như các nhà phân tích kinh tế, thì các lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu nên tận hưởng trận Nga-Hy Lạp, bởi cuộc tổng tuyển cử kia sẽ chẳng hứa hẹn chút niềm vui nào.

2. Nhắc lại “trận đấu” kinh tế của người Hy Lạp để thấy rằng trận gặp Nga, với những người yêu bóng đá nước này, có ý nghĩa đến nhường nào. Nó có thể sẽ mang đến một liều thuốc giảm đau, ít hay nhiều, trong bối cảnh họ đang sống trong những ám ảnh cơm áo.

Bóng đá thế giới đã nhiều lần chứng kiến các đội tuyển biến buồn đau thành sức mạnh. Ai cũng nhớ câu chuyện của Iraq, đội tuyển đã xưng vương ở châu Á trong bối cảnh đất nước đang có chiến tranh.

Nhưng cũng có thể, tuân theo logic thông thường của cuộc sống, những tổn thương tinh thần ngoài sân cỏ đi vào trong đường pitch. Người Hy Lạp đang cuống cuồng chuẩn bị cho một thảm họa kinh tế: họ rút sạch tiền ra khỏi ngân hàng, đổ xô đi mua nước và lương thực dự trữ, như thể một thảm họa tự nhiên sắp ập đến.

Hãy tưởng tượng rằng trong phòng khách sạn, một tuyển thủ nào đó, thay vì nghĩ đến cách hóa giải Alan Dzagoev của ĐT Nga, đang phải gọi điện dặn dò vợ con tích lũy lương thực hay đi rút tiền, hoặc chí ít là giữ mình trong bối cảnh xã hội bất ổn.

3. Đặt Hy Lạp lên bàn cân với đội tuyển Nga ngẫu hứng của Dzagoev và Arshavin thời điểm này, sẽ dễ nảy sinh tâm lý thất vọng: nhà cựu vô địch châu Âu yếu đuối quá.

Bởi Hy Lạp vô địch gần đây quá, nên họ bị so sánh với chính mình. Nhiều người quên rằng chính ĐT Nga cũng đã trải qua một thời kỳ làm “tốt đen” của châu Âu suốt 20 năm từ 1988 đến 2008, quên rằng một cuộc suy thoái từ vô địch đến việc bị loại ở vòng bảng là điều rất thường thấy của bóng đá.

Việc không sản sinh ra được một Charisteas hay một Karagounis mới, không phải điều chỉ mình Hy Lạp gặp phải trong tiến trình phát triển bóng đá. Nếu thất bại, đó là một thất bại… bình thường, năng lực của họ chỉ đến thế chứ không phải sai lầm chiến thuật.

Chuyện của Hy Lạp hôm nay nghe như một truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Kép Tư Bền, vì cái hợp đồng đã ký với ông chủ nhà hát, vẫn phải lên sân khấu mua vui cho thiên hạ, trong khi người cha đang đau yếu nằm nhà. Giữa vở hát, có tiếng từ trong nói ra: ông cụ đi rồi. Vẫn phải nuốt nước mắt vào trong mà làm trò cười cho đến hạ màn.

Sự chuyên nghiệp thì đáng khâm phục đấy. Nhưng không ai có thể trách nếu “kép Tư Bền” gục xuống nức nở trên sân khấu hay bỏ dở buổi diễn.

Nếu đêm nay Hy Lạp thắng và có vé đi tiếp, đó sẽ là một chiến tích đáng tụng ca. Nhưng nếu họ không thể viết nên thần thoại, cũng chẳng phải điều đáng trách móc. Trên trán những chàng trai ấy còn những nếp nhăn “đời” hơn cần giải quyết ở quê nhà.
Đức Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục