Ngày hôm qua, các học trò của huấn luyện viên Park Hang-seo (đa phần là nòng cốt U23 tham dự giải Châu Á hồi đầu năm) đã xuất sắc đánh bại đối thủ được đánh giá như mạnh nhất bảng đấu là Olympic Nhật Bản. Trước đó, Olympic Việt Nam cũng hạ gục 2 đại diện khác là Olympic Pakistan và Olympic Nepal.
Thậm chí, họ trải qua cả 3 trận mà không 'để thủng lưới', thành tính giống như một bộ phim viễn tưởng nếu thời nhìn lại quá khứ của chính Việt Nam tại các giải mang tầm cỡ châu lục. Nhưng, có nhiều người lại cho rằng đội bóng đến từ xứ 'hoa anh đào' cố tình thua để dễ chơi hơn ở vòng knock-out, liệu có đúng?
Trên thực tế, chúng ta không nên bàn về 2 đối thủ đầu tiên ở vòng bảng, vì họ không được đánh giá cao, thậm chí còn thua kém Việt Nam rất nhiều, ít nhất về chuyên môn cơ bản như chuyền bóng, đỡ bóng hay tư duy chiến thuật... Nhưng ở trận đấu với Nhật Bản, chúng ta lại chỉ thắng tối thiểu và không có thế trận quá vượt trội.
Điều này không hẳn do chúng ta yếu hoặc đối thủ mang đến giải nhiều người ở đẳng cấp U21. Ví dụ như Đoàn Văn Hậu dù mới 18 tuổi nhưng đẳng cấp có 'gã kều' quê lúa lại đang ở mức quốc gia chứ không phải những con số trong giấy khai sinh của anh.
Tỉ số dưới thời ông Park không bao giờ nói nên bản chất thực sự của Việt Nam, vì người đàn ông đến từ Hàn Quốc rất thích lối chơi 'rình rập' và nếu có bàn thắng sẽ tôn trọng sự kỷ luật ở mức cao nhất. Hơn nữa, ở một giải đấu cúp chóng vánh, tỉ số cao không mang lại lợi thế, thậm chí còn khiến cầu thủ tốn sức.
Bóng đá ngày nay đang thay đổi một cách chóng mặt ở mọi cấp độ, từ vùng trũng cho đến chuyên nghiệp rồi đỉnh cao. Ví dụ thực tế? Bạn có thể lên google và tìm kiếm những cái tên chẳng hạn như Costa Rica 2014, Iceland 2016, hoặc gần đây nhất là Argentina 2018... tích cực hay tiêu cực đều có cả.
Sự lớn mạnh trong các công tác đào tạo và, tư duy chiến thuật hiện đại kết hợp với khoa học trong bóng đá đã khiến cho khoảng cách giữa những đội bóng xích lại gần nhau hơn, thay vì Manchester United huỷ diệt cả giải đấu Premier League trong quá khứ, nhưng bây giờ thậm chí vài đội làng nhàng cũng có thể hạ gục họ.
Có thể, Nhật Bản hay Hàn Quốc hoặc thậm chí là Thái Lan đến với ASIAD năm nay với những cầu thủ không phải tốt nhất của họ, nhưng không thể nói những đội bóng này yếu đi, thậm chí còn mạnh hơn so với thực tế. Vì cứ cho rằng họ chơi với đội hình U21 mà còn ngang ngửa với chúng ta thì liệu như vậy có phải sự yếu kém hay do người hâm mộ quá nhạy cảm?
Tất nhiên, nói gì thì nói, ai cũng phải công nhận một điều rằng đội tuyển Việt Nam ở mọi cấp độ đã không còn là chính họ 'của ngày hôm qua'. Nó được thể hiện rõ ràng nhất ở những khía cạnh như thể lực, tư duy chiến thuật trên sân, tinh thần dân tộc khơi dậy sau nhiều năm sống núp bóng người Thái.
Tuổi tác bây giờ không còn là điều quá quan trọng ở lứa 23 trở đi, vì có rất nhiều ngôi sao hàng đầu ở thời điểm hiện tại cũng mới chưa đầy 20, hoặc đã từng ở độ 'teen' cho đến dưới 23. Là ai thì bạn hãy nhìn vào chức vô địch của tuyển Pháp hoặc gã nào đó từng tuyên bố huỷ diệt Argentina ở vòng 1/8 World Cup 2018.
Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng, đừng đánh giá quá nhiều vào 'U này hay thầy kia', hãy cứ nhìn diễn biến thực tế trên sân và kết quả mà đánh giá. Bạn có giỏi cỡ nào đi nữa mà bạn không đậu đại học thì chẳng ai công nhận bạn là cử nhân sau 5 năm cả, hoặc bạn mạnh chưa chắc bạn thắng, nhưng bạn thắng thì bạn 'mạnh thật sự'.
Kết quả vòng bảng chưa nói nên điều gì với chỉ 'một chiến thắng' đáng xem trước người Nhật, và mọi thứ vẫn còn phải chờ đến giữa tuần này để đánh giá. Nhưng đừng bao giờ mất niềm tin vào những người đã mang lại cho cả đất nước sự hân hoan cách đây vài tháng, hãy hy vọng vào viễn cảnh tươi đẹp hơn, thay vì nghi ngờ!