Kỳ nhân làng võ - Kỳ 10: Cao thủ Thiếu Lâm Nghè Bế

08:11 Thứ năm 05/06/2014 | 3

Nghè Bế (thuộc Thiếu Lâm Nam phái) và Nững Xị (thuộc Thiếu Lâm Bắc phái) là hai hệ phái võ lớn của người Triều Châu, ở Sài Gòn trước 1975. Võ sư Lâm Hữu Hội (võ đường Long Hổ Hội) lĩnh giáo được tuyệt kỹ công phu phái Nững Xị, trong khi võ sư Huỳnh Kim Hên (võ đường Mã Thành Long) là cao thủ phái Nghè Bế.

Cao thủ Mã Thành Long - Ảnh: gia đình võ sĩ cung cấp

Võ sư Mã Thành Long sinh năm 1910 tại Bạc Liêu, tên thật là Mã Kim Pán (cha người Triều Châu, sang định cư tại Bạc Liêu). Nhằm “Việt hóa” nơi xứ người, chàng trai họ Mã đổi tên thành Huỳnh Kim Hên.

Năm 13 tuổi, Huỳnh Kim Hên được thân phụ truyền thụ võ nghệ, nhưng do cảm thấy mấy bài quyền võ Tiều “nhắm đánh chẳng ăn ai”, cậu bé Hên lén trốn khỏi nhà phiêu bạt giang hồ mong tìm được cao nhân, từ học “võ gồng Trà Kha” với đạo sĩ ẩn dật ở vùng Thất Sơn (Châu Đốc, An Giang) đến học muay Thái cùng một nhà sư Thái Lan tại Phnom Penh (Campuchia).

Trên bước đường “đệ tử tầm sư nan” Huỳnh Kim Hên quả là… hên khi tình cờ bái kiến một “cao tăng vô danh” Triều Châu - truyền nhân đời thứ 5 Thiếu Lâm Thủy Phong - làm sư phụ. Tương truyền đây là môn võ công do Hồng Mi đạo nhân (đời nhà Nguyên) chế tác, thuở xưa môn võ này chỉ truyền cho nữ giới, sau một số cao đồ phá lệ dạy cả cho cánh mày râu. Thiếu Lâm Thủy Phong tổng cộng 72 thế, gồm 18 thế chính (cầm nã thủ), 18 thế trừ (phản lại thế chính), 18 thế ngoại (trường quyền), 18 thế nội (cận chiến) như Xí mứng tấp (đánh bốn hướng), Xa bế cùi (tựa lưng vào tường đánh 3 mặt bằng cùi chỏ), Xí mứng hẹ (chưởng)…

Do Huỳnh Kim Hên là người Triều Châu, vì thế vị cao tăng này mới đồng ý nhận cậu làm đồ đệ, dốc lòng truyền thụ võ công và y học. Ròng rã khổ luyện cùng sư phụ “không tên” suốt 14 năm trời, khi đã “cứng nghề”, Hên giã biệt thầy vào Sài Gòn làm “bảo tiêu” tại xa cảng miền Tây. Tại đây, bằng tuyệt kỹ Thiếu Lâm Nghè Bế, chàng trai Tiều đã khuất phục hàng trăm tên du đãng. Năm 1957, Huỳnh Kim Hên thành lập võ đường Thiếu Lâm Thủy Phong, lấy biệt danh Mã Thành Long, võ đường tọa lạc tại miễu Thiên Hậu tự (đường Hòa Hưng) sau dời về 463/9A Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng 8) thu hút hàng trăm thanh thiếu niên tập luyện.

Bà Huỳnh Ngọc Điệp (58 tuổi, ái nữ của võ sư Mã Thành Long) kể lại: “Năm 1964, sau khi võ sư Nguyễn Son khởi xướng thành lập Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam, cha tôi là người đầu tiên tham gia, giữ chức Trưởng ban Kiểm soát quyền thuật. Thời gian này ông đào tạo nhiều võ sĩ giỏi đều lấy họ và tên lót chung là Mã Thành như Mã Thành Lèo, Mã Thành Hoàng, Mã Thành Châu, Mã Thành Hùng, Mã Thành Đại, Mã Thành Bảy, Mã Thành Xích, Mã Thành Sơn… thi đấu tưng bừng với các tay đấm võ đường Từ Thiện, La Khôn, Nguyễn Hớn Minh, Xuân Bình, Lê Đại Hoan, Mai Thái Hòa, Kim Kê, Huỳnh Tiền...”.

Với những thành tích đạt được trên sàn đấu cũng như trong công tác đào tạo võ sĩ, năm 1965, báo chí Sài Gòn phong tặng võ sư Mã Thành Long biệt danh “Hùm xám”, lúc này còn có một “Hùm xám” là cua rơ Nguyễn Văn Thân - “Vua leo đèo” nổi tiếng trước đó. Năm 1969, cao thủ Nghè Bế gia nhập Tổng hội Võ học Việt Nam rồi dạy võ đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Do lao lực quá độ, “Hùm xám” Mã Thành Long đã đột ngột tạ thế vào trung tuần tháng 5.1976 tại võ đường, hưởng thọ 66 tuổi. Tiếc cho môn công phu Thiếu Lâm Nghè Bế mãi đến nay vẫn chưa có truyền nhân lĩnh hội, đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Ngọc Thiện | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục