Khó nâng chất giải hạng nhất

07:32 Thứ hai 06/04/2015

Cuối tuần này, giải hạng nhất quốc gia sẽ khởi tranh và là năm thứ 3 liên tiếp giải đấu này chỉ có 8 đội tham dự. Dù mỗi đội chỉ đá 14 trận nhưng theo lịch thi đấu, giải sẽ kéo dài trong 5 tháng do vướng thời gian tập trung đội tuyển U.23 dự SEA Games 28. Điều này dẫn đến sự tốn kém cho các CLB dù ai cũng biết, các đội hạng nhất đã phải cố gắng lắm mới tham dự đông đủ.

Đội TPHCM dù được chuẩn bị khá kỹ, nhưng cũng “xin” không thăng hạng mùa này. Ảnh: Quang Thắng

Giải hạng nhất chính là sân sau của giải chuyên nghiệp V-League. Về lý thuyết, số lượng các CLB phải nhiều hơn V-League do ngân sách hoạt động của một đội hạng nhất thấp hơn nhiều so với chuyên nghiệp, các tiêu chuẩn tham gia cũng không khắc khe.

Thế nhưng, ở năm 2013, có đến 5 đội hạng nhì được thăng lên hạng nhất thì cũng chỉ có 8 đội tham dự; đến năm 2014, có 4 đội hạng nhì được thăng hạng, cũng chỉ có 8 đội. Điều này cho thấy hạng nhất không khác gì một giải phong trào, có tăng số lượng bao nhiêu thì chất lượng cũng như cũ. Các CLB không có ngân sách đã xin giải thể hoặc xuống đá lại hạng ba (tương đương nghiệp dư).

Ngay ở giải hạng nhất 2015 sắp diễn ra cũng thế. Trong 8 đội bóng dự giải thì các CLB Bình Phước, Đắk Lắk, Phú Yên vốn không có nhân sự lẫn cơ sở vật chất để đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên nghiệp (nếu thăng hạng), đội Công an Nhân Dân thì chắc chắn không thể đá V-League do đặc thù ngành. 3 đội còn lại là TPHCM, Hà Nội và Huế đều “xin” không thăng hạng vì lý do “chưa đến lúc”. Tóm lại, cả 8 đội đều không hề có ý định đá V-League nhưng vẫn phải tập trung thi đấu trong 5 tháng trời với giải thưởng cho đội vô địch là 1 tỷ đồng và một tấm vé thăng hạng không ai muốn có.

Điều đáng nói là thực trạng này ai cũng thấy suốt 3 năm qua, nhưng đến nay các nhà quản lý vẫn cứ tổ chức giải hạng nhất một cách máy móc, thiếu chất lượng dù bản thân công ty điều hành giải đấu là VPF không kiếm đâu ra nhà tài trợ chính, đành phải nhờ mối quan hệ hữu hảo của ngân hàng Kienlong Bank. Với một giải đấu chỉ hơn phong trào một chút như vậy thì khó mà kêu gọi tài trợ, lẽ ra cần phải thay đổi thể thức thi đấu phù hợp để nâng cao chất lượng.

Theo mô hình của bóng đá Nhật Bản, ở thời kỳ đầu của bóng đá chuyên nghiệp, giải J-League 2 thường cho phép tất cả các đội bóng có mong muốn đá J-League 1 được tham gia chứ không máy móc phân hạng đấu như Việt Nam đang áp dụng. Nhờ thế mà số lượng các đội bóng sẽ nhiều và đa số đều muốn được thăng hạng thì mới đăng ký dự giải chứ không phải tốn kém thi đấu để rồi khi thăng hạng lại “xin” được giải thể như tại Việt Nam.

Đăng Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục