WTA Tour thời “loạn 12 xứ quân” đang “rối như canh hẹ”. Bất kỳ tay vợt nào cũng có thể đăng quang ngôi vô địch ở những giải đấu lớn. Nhưng gần như chẳng có tay vợt nào dám mạnh miệng tuyên bố về tham vọng chạy đua giành ngôi “nữ hoàng”.
Muguruza có thể được xem là một tay vợt tài năng, sau khi thắng danh hiệu Grand Slam thứ 2 trong sự nghiệp – ở Wimbledon. Nhưng cũng có những xu thế “đi xuống”, như những gì đang diễn ra với Angelique Kerber. Thắng 2 danh hiệu Grand Slam, sở hữu ngôi “nữ hoàng” và sau đó là những ngày tháng sa sút của tay vợt người Đức – với tổng cộng 20 trận thua chỉ tính riêng trong mùa giải năm nay. Điều đó hẳn cũng đang ám ảnh chính bản thân Muguruza, người đang đi một con đường “ngờ ngợ” như của Kerber.
Trước khi giải đấu Wuhan Open khởi tranh, có 2 tay vợt có khả năng tranh ngôi “nữ hoàng” mà Muguruza đang nắm giữ. Đó là Simona Halep của Romania và “cựu nữ hoàng” Karolina Pliskova của CH Séc. Cả 2, khi được các phóng viên hỏi về chuyện này, đều né tránh trả lời vì không muốn chịu áp lực thêm nữa.
Ngay sau đó, họ đều có thành tích không tốt, và đó cũng là lúc người ta chờ đợi Muguruza làm được điều gì đó ở Wuhan. Rốt lại, cô để thua Ostapenko – ĐKVĐ Roland Garros, sau đó, cô đã tán dương đối thủ hết lời: “Cô ấy đã chơi rất quyết tâm, cô ấy đã chơi với sự tự tin rất lớn”. Vấn đề là, sau trận đấu “ngập tràn tự tin ấy."
Trận đọ sức đầu tiên giữa ĐKVĐ Roland Garros với ĐKVĐ Wimbledon sau khi cả 2 người này lên ngôi, đã có phần thắng nghiêng về Ostapenko, dù Muguruza được đánh giá cao hơn, già dặn hơn và thắng nhiều hơn 1 Grand Slam. Tính thành tích của Muguruza kể từ khi lên ngôi “nữ hoàng”, cô trải qua 6 trận thắng và 3 trận thua, không tệ, nhưng đó là với một tay vợt bình thường, còn với một nữ hoàng WTA thì quả thật là không xứng.
Trên thế giới, hiếm có tay vợt nào rơi vào tình cảnh kỳ lạ như là Stephens, sau khi trở thành nhà ĐKVĐ US Open, lại liên tục để thua “vỡ mặt” ở những giải đấu liền kề. Tại Wuhan Open, cô đã để thua tay vợt người Trung Quốc la Wang Qiang ngay trong trận đấu mở màn với tỷ số 2-6 và 2-6. Điểm trớ trêu là, Qiang từng được chính HLV của mình nhận định là “vẫn chưa trưởng thành, tuy đã 25 tuổi nhưng chỉ giống tay vợt mới 20 tuổi mà thôi”.
Ngay sau đó, Stephens lại tiếp tục “nếm phải trái đắng” khi mới để thua tay vợt đồng hương Christina McHale 3-6, 0-6 trong trận đấu mở màn của cô ở China Open. 2 trận đấu trong tư cách nhà ĐKVĐ US Open, 2 trận thua ngay vòng 1 mà không thắng nổi một ván đấu danh dự nào, vị thế ĐKVĐ Grand Slam đã trở thành một gánh nặng quá tầm với tay vợt người Mỹ.
Trong khi đó, thắng danh hiệu đầu tay chính là ngôi vô địch Roland Garros, Ostapenko đã trở thành một hiện tượng thú vị ở WTA Tour mùa giải năm nay. Không dừng lại ở đó, cô gái trẻ 20 tuổi người Latvia tiếp tục thắng danh hiệu thứ 2 trong sự nghiệp ở Korea Open tại Seoul . Ostapenko đang sống trong mùa giải tươi đẹp nhất của sự nghiệp non trẻ của mình.
Mới 20 tuổi đã sở hữu Grand Slam, Ostapenko đang được kỳ vọng rất nhiều. Nhưng cũng vì vậy, người ta nhận ra, cô chưa đủ bản lĩnh để gánh vác tầm vóc của một nhà ĐKVĐ Grand Slam thực thụ. Nững gì diễn ra ở Wuhan là một thí dụ rõ nét. Với ưu thế về sức mạnh tinh thần, lý ra, sau khi đánh bại Muguruza, Ostapenko phải thẳng tiến đến ngôi vô địch. Rất tiếc, cô để thua một đối thủ bị đánh giá thấp hơn rất nhiều là Barty.