Jose Mourinho - “kẻ phản Chúa” của bóng đá hiện đại

20:30 Thứ sáu 08/05/2015

Jose Mourinho vừa giành chức vô địch Premier League thứ 3 trong sự nghiệp với Chelsea. Nhưng không giống như những người đồng nghiệp thành công từng trưởng thành từ thế hệ Barcelona những năm 1990, Mourinho đã và đang theo đuổi một thứ bóng đá khác biệt, thứ bóng đá mang đậm phong cách...anti-Barca.

Nhìn vào danh sách 8 đội bóng tham dự tứ kết Champions League mùa này, có thể thấy có tới 4 đội đang được dẫn dắt bởi những HLV từng thi đấu cho Barcelona: Laurent Blanc (PSG), Julen Lopetegui (Porto), Pep Guardiola (Bayern) và Luis Enrique (Barca) đều từng vô địch Cúp nhà vua Tây Ban Nha năm 1996 trong màu áo sọc đỏ-xanh.

Có lẽ Jose Mourinho là HLV bị 'ghét' nhất thế giới bóng đá. Ảnh: Internet.

Ngoài những cái tên nói trên, còn có thể kể ra những cựu binh của Barca đang dãn dắt những đội bóng có cỡ ở Châu Âu như Frank De Boer (Ajax), Phillip Cocu (PSV Eindhoven) hay Ronald Koeman (Southampton)...

Liệt kê như vậy mới thấy, Barca không chỉ nổi tiếng với lò đào tạo cầu thủ La Masia, mà bản thân đội bóng này còn là một cái nôi sản sinh ra nhiều chiến lược gia có tài. Những con người ấy chính là những tông đồ của giáo phái Barca, chính xác hơn là giáo phái Barcajax (kết hợp giữa Barca và Ajax Amsterdam) hiện đang thao túng nhiều giải bóng đá hàng đầu của Lục địa già.

Thế nhưng nổi lên giữa những kẻ mộ đạo ấy, có một "kẻ phản chúa" mang tên Jose Mourinho.

Xuất phát từ vị trí một phiên dịch viên cho Louis Van Gaal tại Barca cuối những năm 90, Mourinho đã dần biến mình thành một trong những HLV thành công và gây tranh cãi nhất của bóng đá hiện đại. Điều đáng nói là, thành công mà "người đặc biệt" có được ngày hôm nay chẳng mang chút dáng dấp nào của Barca - đội bóng mà ông từng phục vụ.

Mouirnho không thích... cầm bóng

Trong bóng đá hiện đại, ít nhất là trong các giải đấu tinh hoa, Mourinho thực sự là một kẻ đơn độc. Bởi những HLV mang dòng máu Barca kể trên đều thuộc nằm lòng một bài học mà họ đã học được trong quãng thời gian chinh chiến tại Nou Camp: cầm được bóng là sẽ có tất cả. Lối chơi thiên về sự áp đảo và tôn vinh sự kiểm soát ấy đã được khởi xướng bởi Vic Buckingham, được phát triển bởi Rinus Michels và được nâng lên một tầm cao mới ở thế hệ của Johan Cruyff. Rồi cho đến khi Pep Guardiola dùng tiki-taka để giúp Barca đoạt cú ăn 6 ở mùa giải thần thánh 2008-2009, nhiều người đã nghĩ rằng công thức "cầm bóng càng nhiều càng tốt" chính là chiếc chìa khóa vàng có thể mở mọi cánh cửa.

Nhưng Mourinho tuyệt nhiên không nghĩ vậy. Ông tin vào bóng đá thực dụng. Trận đấu với Manchester United tại Stamford Bridge ở vòng 34 Premier League chính là tiêu biểu cho phong cách bóng đá của HLV người Bồ Đào Nhà.

Được thi đấu trên sân nhà trong một trận cầu quyết định đến ngôi vô địch, đa phần các HLV đều cảm thấy áp lực phải chỉ đạo học trò tràn lên tấn công. Nhưng Mourinho lại lạnh lùng để Kurt Zouma, một trung vệ lên thi đấu thấp nhất trên hàng tiền vệ, và giành 3 điểm quan trọng với chỉ 28% tỷ lệ kiểm soát bóng !

Mourinho có thể phủ nhận những gì mà cây viết Diego Torres viết về ông trong cuốn sách The Special One: The Dark Side Of Jose Mourinho (Diego Torres đã nhấn mạnh về sự sỡ hãi đến rúm ró của Mourinho trong những trận đánh lớn). Nhưng Torres đã đúng, ít nhất là về chiến thuật mà Mourinho sử dụng trong những trận đấu với các đối thủ được đánh giá mạnh hơn, như trận với M.U vừa qua, hay trận đấu với Liverpool từng quyết định số phận của mùa giải năm ngoái.

Chiến thuật ấy có thể được khái quát trong 6 điểm sau:

1: Đội bóng nào mắc ít sai lầm hơn sẽ là kẻ giảnh chiến thắng

2: Vương miện sẽ giành cho đội bóng nào có thể "giăng bẫy", khiến đối thủ mắc càng nhiều sai lầm càng tốt

3: Thi đấu ở sân khách, thay vì tìm cách vượt trội đối thủ, hãy khai thác triệt để những sai lầm của họ

4: Càng cầm nhiều bóng, càng dễ mắc sai lầm

5: Kẻ cầm bóng mới là người phải đối mặt với sự sợ hãi

6: Người không sợ hãi chính là kẻ mạnh hơn và có cơ hội giành chiến thắng cao hơn.

Thực dụng, thực dụng hơn nữa

Trên thực tế, ở nửa đầu mùa giải năm nay, Chelsea của Mourinho đã thể hiện một bộ mặt khá...Barca, khi họ giành liên tiếp các chiến thắng với phong độ ấn tượng của những Costa, Fabregas, Hazard và Matic. Nhưng ở nửa sau mùa giải, khi mà đội hình của The Blues bắt đầu thể hiện sự mệt mỏi và rệu rã, Mouirnho đã ngay lập tức "bổn cũ soạn lại".

Kể từ sau thất bại tủi hổ 3-5 trước Tottenham ở ngày đầu năm mới, Chelsea mới nhận thêm 7 bàn thua, và chỉ đánh rơi đúng 6 điểm sau 12 trận đấu đã qua. Sự thực dụng của Mourinho đã trở lại đúng lúc. Chiến thắng trước M.U tuần trước cũng là lần thứ 3 liên tiếp họ giành 3 điểm với cùng tỷ số 1-0. Một tỷ số rất...Mourinho !

Lời kết

Nhưng sự thực dụng của "người đặc biệt" không chỉ được dùng khi đội bóng phải thi đấu với một kẻ trên cơ, hay khi các ngôi sao của ông không giữ được điểm rơi phong độ. Mourinho thực sự tâm đắc với lối đá ấy. Đó là lý do vì sao ông bán đi Juan Mata. Tiền vệ người Tây Ban Nha có thể được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất Chelsea trong 2 mùa liên tiếp, nhưng khi Mourinho trở lại, Mata ngay lập tức "ra rìa". Đơn giản là không có chỗ cho sự rườm rà trong triết lý bóng đá của Mou !

Bóng đá hiện đại tất nhiên không hề được phân biệt bằng ranh giới: Barca hay không Barca. Còn có rất nhiều trường phái khác, mà những đại diện tiêu biểu có thể kể đến là Carlo Ancelotti, Jurgen Klopp hay Diego Simeone... Nhưng một khi Mourinho khẳng định được thương hiệu của mình chỉ bằng cách làm ngược lại với những gì mà người Barca đã và đang làm, thì có thể nói, tầm ảnh hưởng lên bóng đá thế giới của đội bóng xứ Calaluyna là vô cùng lớn lao.

Bởi vì có một Barcelona vĩ đại, nên mới có một "kẻ phản chúa" vĩ đại mang tên Jose Mourinho.

Lê Thanh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục