Ngoại trừ một Balotelli quá tệ và một Giaccherini vẫn còn bỡ ngỡ trong trận đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia (rất dễ hiểu), tất cả các cầu thủ được Prandelli sử dụng để đối mặt Tây Ban Nha đều đã chơi xuất sắc, đặc biệt là trục dọc bao gồm thủ môn Buffon, “trung vệ” De Rossi, nhạc trưởng Pirlo và tiền đạo Cassano. Ngay cả những vị trí ít được tin cậy như Bonucci hay Maggio cũng đã chơi tròn vai, ít nhất là đã không đặt các đồng đội vào thế khó khăn như họ đã nhiều lần phạm sai lầm ở trận giao hữu thua Nga 0-3 gần chục ngày trước. Sự tự tin và quyết tâm của gần như tất cả các vị trí trên sân đã giúp Italia trở thành một tập thể gắn bó, ngăn chặn rất tốt sự biến hóa của đối thủ, đồng thời vẫn tạo ra được không ít pha phản công rất có chất lượng.
|
Italia đã trở thành một đội bóng mạnh đích thực- Ảnh Getty |
Cái tên nổi bật nhất là Buffon, người mà ngoài hàng loạt pha cản phá đẳng cấp, còn được cả thế giới bóng đá tán thưởng nhiệt liệt sau một tình huống bắt bài Torres “ngọt xớt” ở pha bóng đối mặt trong hiệp 2, khi Tây Ban Nha đẩy mạnh tấn công nhằm tìm kiếm bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1. Nhưng De Rossi cũng không chịu kém. Tiền vệ đội phó của Roma đã hóa thân thành một trung vệ cừ khôi, có mặt và can thiệp chuẩn xác gần như 100% các đường tấn công của đối thủ ở khu vực anh cai quản. Pirlo thì không có gì để nói, bởi anh vẫn xuất sắc như thường lệ và là người châm ngòi cho bàn mở tỷ số của Di Natale, một cái tên “thương hiệu” khác của Serie A thể hiện được đẳng cấp. Trong khi đó, Cassano hoạt động miệt mài, trở thành mối đe dọa chính lên hàng thủ TBN và tạo ra ít nhất 2 cơ hội thuận lợi. Marchisio ngẫu hứng và mạnh mẽ, Thiago Motta thầm lặng nhưng đã xuất hiện là ghi dấu ấn.
Thực tế, với uy tín của Italia, kết quả hòa trước một Tây Ban Nha không bung hết sức chẳng phải là điều đáng ca ngợi quá mức (giống với trận Milan hòa Barcelona 0-0 tại lượt đi tứ kết Champions League mùa vừa qua), nhưng điều đáng nói ở đây là cách thầy trò HLV Prandelli vượt qua nỗi hoài nghi, vượt qua những thiếu hụt, vượt qua chính bản thân họ. Nếu Barzagli không chấn thương, làm sao chúng ta được biết một De Rossi đá trung vệ hay đến thế, khi ngôi sao của Roma không chỉ cống hiến tài năng, mà còn cả kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm to lớn. Nếu những 4-3-1-2 rồi 4-3-3 không cho thấy sự bất cập ở vài trận giao hữu ít ỏi, thì làm sao thấy được giá trị lớn lao của canh bạc 3-5-2 thắng lợi vẻ vang, đến mức “ngài râu kẽm” Del Bosque cũng không dám “manh động”. Nếu Balotelli không tệ tới mức đáng bị tống khỏi sân “luôn và ngay”, làm sao Di Natale có cơ hội chứng tỏ bản thân anh và tạo ra sự tự tin lớn lao với bàn mở tỷ số. Cái khó ló cái khôn. Đó có thể xem là may mắn.
Nhưng may mắn không phải là thứ từ trên trời rơi xuống. Italia đã gặp không ít may mắn trên đường đến các chức vô địch năm 1982 và 2006, đặc biệt là ở World Cup 2006 khi Nesta chấn thương làm lộ diện người hùng Materazzi, nhưng không ai có thể nói rằng đó là những thành quả không xứng đáng khi khó khăn chỉ càng làm Italia mạnh mẽ hơn. Màn trình làng ấn tượng của Italia và Prandelli ở EURO 2012 là bằng chứng cho thấy đội bóng này vẫn biết cách vượt qua những khó khăn muôn trùng khi họ bị coi rẻ, với bản lĩnh của một đội bóng lớn thực sự.
Con số 1 Italia mới chỉ thua về tỷ số (không tính thua luân lưu) duy nhất 1 trong 10 trận gặp Tây Ban Nha ở các giải chính thức, xảy ra ở ngay lần đầu gặp nhau năm 1920, Italia thua 0-2 trong khuôn khổ bán kết Olympic. 5 Đây là trận hòa thứ 5 của Italia trong 17 lần đối đầu với Tây Ban Nha. Tổng cộng, Italia thắng 8, hòa 5 và thua 4. 360 Bàn thắng của Di Natali chấm dứt đúng 360 phút (không tính thời gian bù giờ, tương đương 4 trận đấu) “tịt ngòi” của tuyển Italia. Lần gần nhất Italia ghi bàn trước đó là ở trận giao hữu thắng Ba Lan 2-0 hôm 11/11/2011 (Pazzini phút 60). | |
Vĩnh Nguyên |
00:00 30/11/-0001