Hoàng Anh Gia Lai: Đừng lãng phí những thất bại

07:19 Thứ hai 19/01/2015

(TinTheThao.com.vn) - Chuyện thắng hay thua của HAGL bây giờ có lẽ là chủ đề nóng nhất của bóng đá Việt. Công bằng mà nói, một đội bóng trẻ có sai lầm, vấp váp là lẽ đương nhiên. Điều đáng nói là HAGL sẽ sử dụng những “kinh nghiệm thất bại” đó như thế nào để thay đổi, hay thực sự họ muốn cứ đá đẹp, đá theo kiểu của mình và mặc kệ thắng thua.

Thua cũng hay, nhưng cần tiến bộ

Sẽ rất mệt mỏi nếu cứ thắng HAGL là lại mang tiếng đá xấu, đá bạo lực. Không phủ nhận Thanh Hóa có khoảng 20 phút đầu hơi “thèm thẻ” và có ý dằn mặt, nhưng đã là gì so với những đội bóng khác, môi trường khác? Hãy nhìn các trận “Siêu kinh điển” Barca - Real, tiểu xảo và gài nhau như cơm bữa, Premier League cũng chẳng thiếu chặt chém, chiêu trò, hay chính Lê Công Vinh trong lần gặp lại đội bóng cũ Hà Nội T&T từng phải “đo sân” sau nhiều pha tắc bóng. Nó không hay, nó không đẹp, nhưng nó sẽ mãi ở đó như một phần bất biến của bóng đá. Không phải sàn diễn, đây là sa trường, không phải trò chơi, đây là cuộc chiến.

Các cầu thủ HAGL thất vọng sau khi để thua ngược trước Thanh Hóa. Ảnh TNO

HAGL không chỉ tự nguyện, táo bạo thử sức ở giải đấu ngang hàng với đàn anh, mà họ còn hưởng những sự thiên lệch cả hữu hình lẫn vô hình, dẫn đến đối thủ gặp họ luôn đá hết sức, quyết thắng, chứ chẳng có chuyện nhún nhường. Không thể sống mãi trong ảo vọng cầm bóng nhiều, chơi lấn lướt nhưng chỉ được nửa trận, đối phương sẽ luôn chờ cho sự hưng phấn đó qua đi để phản kích. HAGL đá tốt 30 phút, 45 phút là không đủ, mà khái niệm “đá tốt” này vẫn chưa bao gồm cả cơ hội tốt, dứt điểm tốt, tỷ số tốt, nó chỉ là cảm giác lấn sân, hứng khởi mà thôi.

Van Bakel quá hay và quá to, hậu vệ Thanh Hóa thì che chắn đầu vòng cấm tốt hơn hẳn Khánh Hòa. Còn HAGL, các em chỉ đá hưng phấn, đồng đều ở tốc độ cao khoảng mấy chục phút, làm khán giả reo hò nhưng không mang lại nhiều bàn thắng. Nói chung HAGL vẫn đều đều như vậy, nếu đối phương sơ sẩy thì họ vươn lên, nếu đối phương biết cách tấn công lại thì đến lượt họ sơ sẩy , kết quả phụ thuộc vào đối thủ mạnh ở mức độ nào, chứ bản thân HAGL thì không khá lên so với vòng đấu trước và trước nữa. Chiến thuật lối đá vẫn y nguyên, như thể HLV Graechen tin rằng trận thua ĐTLA chỉ vì thiếu may mắn.

Việc tung vào sân cầu thủ mới mua được một ngày cho thấy Graechen hết bài và mong một pha bóng "đơn đả độc đấu" nào đó của chàng ngoại binh to con sẽ cứu vãn kết quả. Đó đâu phải thứ HAGL đang theo đuổi? Có vẻ ông và đội bóng của ông thích thú và đam mê cái danh vị “đội bóng đá đẹp” còn hơn cả việc thắng trận. Bởi nếu là một HLV với mục tiêu cao nhất, ông đã có những chỉ đạo để thay đổi nhịp độ khi đã dẫn trước, thay vì trong mọi tỷ số, trong mọi hoàn cảnh cứ có bóng là “đâm lên”. Đội tuyển Nhật Bản đã thắng Iraq ở Asian Cup chỉ với một bàn, họ không khỏe đến mức tấn công hùng hục được cả trận, khi đã có “vốn”, họ đá cẩn thận hơn, chủ động bảo toàn lợi thế và tìm cơ hội ra đòn khi đối phương nôn nóng. Vậy nghĩa là Nhật Bản cũng không đẹp, không cống hiến?

Thanh Hóa chơi hay, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, đánh chặn chính xác trong hiệp hai không phải vì họ “lột xác”, mà vì hiệp một họ không muốn cuốn vào lối chơi nhanh đầy nhiệt huyết của các cầu thủ trẻ HAGL, họ đã rất thận trọng trước đối thủ “chưa gặp bao giờ” này. Nửa đầu trận, HAGL chơi áp sát, tốc độ làm Thanh Hóa lúng túng, nhưng cuối cùng Công Phượng và đồng đội không đủ vững vàng về tâm lý lẫn thể lực để làm điều đó trong nửa còn lại. Khi ấy, Thanh Hóa lấn át hoàn toàn trong các pha tranh chấp, họ ép người ngay từ rất xa khiến HAGL phải sử dụng những đường chuyền dài sai địa chỉ, ban bật nhỏ thì không còn sức. Đây là bóng đá, không phải futsal. Bài học thì hết sức cơ bản: bóng đá là 90 phút.

Hãy trân trọng giá trị của thất bại

Bình luận viên đã nhiều lần khiến người xem truyền hình khó chịu trong các trận có HAGL, cảm tính và một chiều như bình luận đội tuyển Việt Nam đá với nước ngoài vậy. Bàn thắng của Đình Tùng rất khó và đẹp mắt, nhưng không có tiếng hô nào. BLV nói liên tục về HAGL, khi thua thì chuyển sang ngợi ca văn hoá và trình độ ngoại ngữ. Thật ra ở tuổi này các em là lứa cầu thủ xuất sắc, nhưng so với các đàn anh loại tốt của bóng đá chuyên nghiệp thì còn cần học hỏi. Cái các em cần là được nghe, được biết là những kinh nghiệm mới chứ không phải sự tung hô những ưu điểm đã cũ lắm rồi. Nếu không thắng, không giỏi lên, không trở thành “cái gì đó” trong tương lai, sẽ chẳng ai nhớ các em nói được những tiếng gì, hay chào hỏi lễ phép ra sao.

Những khán giả lục tục bỏ về khi tiếng còi còn chưa cất lên cho thấy không phải tất cả đám đông đều đến ủng hộ HAGL bằng tình yêu. Giống như với đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup, đầu giải không ai xem, chê bai đủ đường, thắng rồi thì ai cũng yêu đội tuyển, rồi khi thua Malay, họ lại bị cả cộng đồng chỉ trích như những tên tội phạm. Tất nhiên với HAGL, sự gay gắt đó sẽ không có, bởi lý lịch và hình tượng của các em rất trong, rất sạch. Nhưng bóng đá, nói cho cùng cũng là một môn thể thao giải trí, và chẳng ai giải trí mãi bằng sự thất vọng được.

Có thể hiểu cho sự bênh vực của bầu Đức. Các cầu thủ như con cái ông vậy, họ phải chịu áp lực từ truyền thông quá nhiều, ông muốn giảm nhẹ nó đi bằng cách nhìn lạc quan, xây dựng. Tuy nhiên, với một bộ phận không nhỏ dư luận, người ta đã bắt đầu tỉnh khỏi “chất gây mê” mang hình hài “bóng đá đẹp”, để bắt đầu nhìn tổng thể chuyên môn, thành quả của lứa cầu thủ được cho là hay nhất Việt Nam này. Nói là “lứa cầu thủ” vẫn là nói quá, phải tạm loại ra những hậu vệ nhỏ con, phong độ phập phù, những tiền vệ cánh rườm rà, thiếu nhãn quan, người ta chủ yếu nhìn Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn chơi bóng thì phải hơn. Đừng kêu ca về những tác động tiêu cực của truyền thông, nó là cái tất yếu với những người được công chúng quan tâm chú ý. Trong đó, những người chỉ chê không khen chưa chắc đã là "kẻ xấu".

Công Phượng đến lúc này vẫn để lại cảm nhận về việc quá ham rê bóng, dứt điểm, nhưng không phải hàng hậu vệ nào cũng như của U19 Úc ngày đẹp trời hôm đó. Tiền đạo của HAGL lặp đi lặp lại việc đỡ bóng rồi giật, quặt hai, ba nhịp, khiến hàng thủ đội bạn về hết, và khi đột phá thì cố chấp đâm đầu vào những hòn đá tảng như Van Bakel. Về độ hợp lý, biết dàn sức, tinh khôn, Phượng khó sánh bằng Văn Quyến - cũng là một thần đồng trong quá khứ ở cùng độ tuổi. Với lứa HAGL JMG đầu tiên, các em có con đường đi đến trình độ cao rất đủ đầy, toàn diện, hiện đại, chăm chút. Trong khi để trở thành một ngôi sao trẻ như thời Văn Quyến, họ phải quần quật đi lên từ con số 0, va đập từ sớm với rất nhiều bụi bặm, nghiệt ngã của đời cầu thủ, độ từng trải, độ quái dĩ nhiên sẽ khác. Văn Quyến cũng là một sản phẩm “xuất thần” của bóng đá Việt, chứ không phải kiểu cầu thủ cứ tuyển chọn, đào tạo là sẽ có. Nói vậy để thấy, Công Phượng đang là hiện tượng, còn đẳng cấp thì cần thêm thời gian.

Thất bại bây giờ là rất nên, khi các em còn rất trẻ. Quan trọng là ứng xử ra sao, rút kinh nghiệm ra sao sau mỗi thất bại đó. Thua là thua, điểm yếu là điểm yếu, có thì nhận và khắc phục, còn cứ nghĩ rằng “tại vì”, “chẳng qua”,… vui vẻ khi mình có đủ lý do để “được thua” xem ra không phải ý hay cho lắm. Đừng lãng phí những lần thua trận, hãy gặm nhấm nỗi cay đắng để làm động lực chiến đấu lần sau. Đừng hài lòng vì đã cố gắng, hãy quyết tâm để làm tốt hơn nữa. Chưa chắc thua là vì chơi không hết sức, không đúng sức, mà thua vì chơi không đúng cách cũng là một kiểu thua. Tin rằng khi tìm được “cách đúng”, những trận thua sẽ ít dần, chiến thắng sẽ đến nhiều hơn, và chính những thất bại là “gạch lát” trên con đường tiến bộ.

Trần Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục