HLV Toshiya Miura: Chứng “sùng Nhật” quá đà của VFF (kỳ 1)

09:09 Thứ tư 17/06/2015

Chiếc Huy chương đồng SEA Games 28 của tuyển U.23 Việt Nam xét về thành tích là thành công hay thất bại tùy vào cách đánh giá của mỗi người. Dưới góc độ chuyên môn, HLV Toshiya Miura đã cho thấy ông không phù hợp khi xây dựng một lối đá đặc trưng cho người Việt. Đây không phải là lỗi của ông Miura mà nằm ở việc chọn lựa của VFF.

Ông Lê Hùng Dũng và HLV Miura trong buổi ra mắt. Ảnh: Internet.

Việt Nam phải học gì từ bóng đá Nhật Bản?

Câu chuyện về HLV Toshiya Miura cần được kéo lùi lại một quãng thời gian trước đó khi VFF muốn chuyển đổi mô hình bóng đá Việt Nam sau 2 thất bại liên tiếp tại AFF Cup 2012 và SEA Games 2013 với HLV nội là Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc.

Sau một thời gian nghiên cứu các mô hình, VFF đã quyết định chọn mô hình Nhật Bản để học theo. Đây là thời điểm trùng với việc ông Nguyễn Trọng Hỷ đã chủ động rút lui sớm khỏi chức Chủ tịch VFF để nhường đường cho ông Lê Hùng Dũng vào cuối năm 2013. Khi đã nắm chắc được chiếc ghế quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam, ông Dũng “Exim” đã củng cố thêm quyết tâm chiến lược học hỏi Nhật Bản mà trước đó công ty VPF đã thực nghiệm với việc thuê 2 chuyên gia người Nhật (Kazuyoshi Tanabe và Tanaka Koji) làm Trưởng BTC giải V.League 2013 và 2014.

Tại sao Việt Nam lại học Nhật Bản mà không học mô hình của Hàn Quốc? Câu trả lời rất dễ biết là bóng đá Nhật Bản được cho phù hợp với Việt Nam hơn bởi yếu tố kỹ thuật, mềm mại và khoa học, trong khi Hàn Quốc là nền bóng đá thiên về sức mạnh thể lực, kỷ luật sắt đá.

Chính bản thân ông Lê Hùng Dũng đã nhiều lần nói chuyện với báo chí chuyện vì sao Việt Nam phải học Nhật Bản và dư luận nhìn chung đánh giá sự lựa chọn “Đông Du” là mô hình hợp lý. Và VFF cũng xác định Việt Nam học tập bóng đá Nhật Bản là lựa chọn mang tính chiến lược, có tính dài hơi chứ không làm theo kiểu hớt ngọn, lấy thành tích.

Chính từ mô hình học Nhật Bản mà VFF đã quyết định chọn một HLV người Nhật để làm thuyền trưởng cho ĐTQG và U.23 Việt Nam. Người được lựa chọn là HLV Toshiya Miura.

Tuy nhiên, qua tròn 1 năm HLV Miura bắt tay vào làm việc với tất thảy là 5 giải đấu chính với cả ĐTQG và U.23 Việt Nam ở Asiad 17, AFF Cup 2014, vòng loại U.23 châu Á 2015, vòng loại World Cup 2018, SEA Games 28 cũng đủ để khẳng định chắc chắn rằng HLV Toshiya Miura không phải là con người bóng đá Nhật Bản điển hình mà Việt Nam hướng đến như dự định ban đầu.

HLV Miura là nhà cầm quân với phong cách kỷ luật, thực dụng theo trường phái cổ điển của người Đức chứ không phải là phong cách kết hợp chất Latin + Khoa học của bóng đá Nhật Bản hiện tại.

Mặc dù HLV Miura cũng có những thành công nhất định như tại Asiad 17 nhưng phong cách mà HLV người Nhật này đang làm không phải là thứ mà người Việt kỳ vọng.Ảnh: Internet.

Vì sao HLV Miura không phải là đại diện cho bóng đá Nhật Bản?

Bóng đá mỗi quốc gia hay mỗi khu vực nhìn chung đều có tính chất đặc trưng cố hữu. Nói đến bóng đá Anh là người ta nghĩ ngay đến thứ bóng đá “Kick and Rush”. Bóng đá Ý là phòng thủ bê-tông Catenaccio. Tây Ban Nha là Taka-Tiki hay Hà Lan là tấn công tổng lực. Hoặc nói đến Bồ Đào Nha thì nhiều người ví “Brazil của châu Âu”.

Bóng đá hiện đại có sự giao lưu mạnh, những giá trị cố hữu không phải bất biến. Ví dụ như bóng đá Đức hiện nay không còn nói đến thứ bóng đá thực dụng, kỷ luật và nhàm chán nữa khi Bayern Munich lẫn ĐT Đức đều chơi thứ bóng đá kỹ thuật chẳng kém mấy Barca, tuyển Tây Ban Nha. Tuy nhiên, dù có sự giao lưu hay biến chuyển thì mỗi nền bóng đá vẫn giữ nét đặc trưng riêng. Người Anh không chơi thứ bóng đá nặng toan tính chiến thuật, tinh quái như người Ý cũng như người Ý không chuộng thứ bóng đá tốc độ ào ạt như bên Anh.

Về tổng thể như vậy. Dưới bình diện cá nhân, mỗi nền bóng đá luôn có sự đa dạng chứ không đồng nhất. Bồ Đào Nha được coi là nền bóng đá đậm chất Latin nhất châu Âu nhưng HLV thành công nhất của BĐN là Jose Mourinho lại giống một HLV người Ý điển hình. Ngược lại, bóng đá Ý nổi tiếng phòng thủ bê-tông nhưng HLV Carlo Ancelotti lại mang phong cách tấn công và được lãnh đạo Real Madrid chọn vào ghế thuyền trưởng vì lẽ đó. Ở Đức, HLV Jurgen Klopp lại đại diện cho trường phái bóng đá lãng mạn và cũng rất thành công với Borussia Dortmund.

Henrique Calisto được là là HLV ngoại thành công nhất ở Việt Nam, không chỉ vì đỉnh cao là AFF Cup 2008 mà còn về cách xây dựng lối chơi, cá tính đội bóng. Ảnh: Internet.

Ở ví dụ cụ thể hơn, HLV Henrique Calisto là người Bồ Đào Nha song phong cách xây dựng đội bóng của ông khi còn ở Đồng Tâm Long An hay lên ĐTVN là thứ bóng đá thực dụng + kỹ thuật theo mô hình Porto chứ không phải là mô hình Benfica, vốn được coi tiêu biểu hơn cho chất BĐN.

Chính vì vậy khi nhìn vào trường hợp của HLV Toshiya Miura cũng không có gì quá ngạc nhiên khi nhà cầm quân từng tu nghiệp tại Đức này theo đuổi trường phái bóng đá thực dụng, phòng thủ cổ điển. Đó là cá tính, phong cách hay triết lý nghề nghiệp của một HLV và điều đó gần như không thể thay đổi.

Vấn đề ở đây là sự chọn lựa của VFF và ông Lê Hùng Dũng có phù hợp với thực tiễn bóng đá VN hay không mà thôi. Nói cách khác, không phải cứ "Made in Japan" là đều... hay mọi nhẽ.

Nguyên An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục