HLV Park bị bắt bài chiến thuật ở trận thua Thái Lan

14:01 Thứ sáu 24/12/2021

Huấn luyện viên Park Hang-seo đưa ra toan tính nhằm khai thác điểm yếu của tuyển Thái Lan, nhưng không thành hiện thực khi đối thủ có những thay đổi cốt lõi.

Trước khi trận bán kết lượt đi AFF Cup diễn ra, đã có nhiều điều được phân tích về sơ đồ 4-4-2 hình thoi (4-4-2 kim cương) của ông Mano Polking. Cách chơi của tuyển Thái Lan song hành với rủi ro bị phản công nguy hiểm. Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi trong trận lượt đi bán kết AFF Cup 2020, khi Thái Lan gặp tuyển Việt Nam.

HLV Park toan tính và cú phản đòn của ông Polking

Các trận đấu gặp Myanmar và Philippines đã cho thấy ý đồ sử dụng sơ đồ 4-4-2 hình thoi của vị cựu HLV trưởng CLB TP.HCM. "Voi chiến" sử dụng 3 tiền vệ trung tâm chơi sau lưng Chanathip Songkrasin, đồng thời cho phép hậu vệ trái Theerathon Bunmathan được tự do di chuyển vào trung lộ để làm bóng.

Hệ thống đẩy cao, chỉ còn lại 2 trung vệ phía sau, Thái Lan luôn đối mặt với các pha phản công. Và ở đội tuyển Việt Nam có một số cái tên phù hợp cho điều đó, ví dụ như Nguyễn Văn Toàn.

Ông Park Hang-seo và các trợ lý đưa ra quân bài chiến thuật Văn Toàn để tìm kiếm cơ hội đánh vào điểm yếu của đối thủ. Chân sút của CLB Hoàng Anh Gia Lai được đá chính chứ không phải Nguyễn Tiến Linh hay Phan Văn Đức.

Quả thực, Văn Toàn đã tạo ra những sóng gió cho đối thủ.

 - Bóng Đá

 

 - Bóng Đá

 Tình huống phản công đã khiến thủ thành Chatchai phải nhận thẻ vàng và gây tranh cãi.

Thế nhưng, theo thống kê, cả hiệp đấu này Toàn chỉ có đúng 2 lần co chân chạy nước rút để phản công. HLV Polking đã thay đổi cách chơi của Thái Lan. Có lẽ, ông Polking dự đoán được việc tuyển Việt Nam điều chỉnh dựa trên những gì Thái Lan thể hiện tại vòng bảng.

Ông Polking đã bắt bài ngược lại HLV Park Hang-seo.

Chúng ta nói ông Polking tiếp tục cho các cầu thủ chơi với sơ đồ 4-4-2 hình thoi thì cũng không sai. Trên thực tế, cách vận hành cho thấy sơ đồ của Thái Lan hoàn toàn có thể được gọi tên là 4-3-3 một cách tương đối gần cổ điển.

 - Bóng Đá

 Sơ đồ 4-3-3 thành hình khá rõ của Thái Lan.

Ba tuyến của Thái Lan thành hình khá rõ ràng với 4 hậu vệ hoạt động ở những khu vực căn bản. Narubadin có lúc dâng cao, nhưng không còn đứng như tiền vệ tấn công biên. Theerathon không bó vào trung lộ mà hoạt động ở khu vực của hậu vệ trái thuần túy.

Nhóm 3 tiền đạo phía trên hoạt động tương đối độc lập. Supachok Sarachat thường dạt biên nhiều hơn để tạo ra sức kéo giãn chiều rộng. Teerasil Dangda và Chanathip ở gần nhau hơn, trong đó Dangda thường đứng hơi lệch ra biên, còn Chanathip hoạt động ở trục chính giữa sân.

Ngoài thay đổi về khu vực hoạt động, ông Polking cũng có thay đổi về cách hoạt động của hàng phòng ngự. Họ không còn quá chú trọng tới việc dâng lên để giữ cự ly với các tiền vệ nữa, thay vào đó là xu hướng chú ý bảo vệ khu vực sau lưng và vị trí đứng có phần lùi sâu hơn.

 - Bóng Đá

 Các hậu vệ Thái Lan không lao vào các pha càn quét, chặn dập nữa mà chú ý lùi về bảo vệ khoảng trống nhiều hơn.

Cách chơi của Thái Lan đã hạn chế đi rất nhiều điểm mạnh của Văn Toàn, và cũng chính là điểm yếu tiềm tàng mà họ bộc lộ ở các trận gặp Myanmar hay Philippines.

Sau khi thua 2 bàn, HLV Park Hang-seo đã chuyển đổi từ sơ đồ 3-4-3 sang sơ đồ 3-5-2. Văn Toàn được đẩy lên thành cặp tiền đạo với Công Phượng để tăng cường áp lực có thể gây lên hàng hậu vệ đối thủ. Quyết định đưa Tiến Linh vào sân ở hiệp 2 cũng là hợp lý với đòi hỏi của thế trận, dù có lẽ Văn Toàn xứng đáng được chơi nhiều hơn.

 - Bóng Đá

 

 - Bóng Đá

 Thay đổi của Việt Nam sau khi thua 2 bàn.

Hai bàn thua, hai kịch bản

Hai bàn thua của Việt Nam là 2 kịch bản khác nhau, ở 2 trạng thái rất khác nhau.

Ở bàn thua đầu tiên, các cầu thủ của chúng ta đã dàn xếp pha đá phạt khá thú vị. Việc Quang Hải cúi người giả vờ buộc dây giày cũng như ánh mắt của Công Phượng hay Thành Chung đã khắc họa rõ ràng tính toán từ trước khi bóng lăn.

Điều quan trọng là có 6 cái bóng áo đỏ dồn vào vòng cấm địa trong pha bóng này. Thêm Công Phượng và Quang Hải là 8 người. Thái Lan lùi cả 11 người về phòng ngự, thế nên Văn Thanh cũng đã đẩy lên. Quả thực chính Văn Thanh là người thu hồi được bóng ở tình huống bóng 2 nảy ra.

Thế nhưng, tiếp theo đó là trạng thái vụng về và khó xử. Toàn bộ các cầu thủ nói trên đều tiếp tục hướng theo pha bóng và chờ đợi tình huống tấn công vòng cấm địa đối thủ. Không có cầu thủ nào nghĩ tới việc phải quay về.

 - Bóng Đá

 9 cầu thủ áo đỏ bỏ lại Hồng Duy phía sau.

Điều này đồng nghĩa Hồng Duy và thủ môn Nguyên Mạnh là 2 người duy nhất còn sót lại ở phía sau. Khi Dangda ập vào giành được bóng từ chân Tuấn Anh, lập tức Thanawat và Chanathip đã vào thế 2 đấu một. Cú trượt chân đáng tiếc của Hồng Duy là điểm nhấn cuối cùng trong chuỗi những hành động thiếu tổ chức ấy.

Bàn thua thứ 2 lại là tình huống bóng sống được Thái Lan tổ chức bài bản.

Thái Lan luân chuyển bóng khá đơn giản nhờ sự trội hơn về số lượng người. 4 hậu vệ và 3 tiền vệ của họ không gặp khó khăn với lớp phòng ngự đầu tiên gồm 5 cầu thủ của Việt Nam.

Như đã phân tích phía trên, Thái Lan mở rộng đội hình ở khu vực này. Theerathon và Sarach Yooyen di chuyển nghiêng sang bên trái và thu hút sự chú ý của các cầu thủ Việt Nam cùng khu vực. Điều này khiến tuyến tiền vệ của Việt Nam bị kéo giãn và từ đó không gian mở ra.

 - Bóng Đá

 Tuyến tiền vệ của Việt Nam bị kéo giãn, Tuấn Anh bị hút theo Sarach.

Trong đó, đáng chú ý là Tuấn Anh bị Sarach hướng sang bên phải. Còn đường chuyền xuyên tuyến của Kritsada Kaman cho Chanathip sau đó ngược với hướng di chuyển của Tuấn Anh, vào chính giữa trung lộ.

 - Bóng Đá

 Đường chuyền nghịch hướng khiến Tuấn Anh phải phản ứng theo và mất người.

Những đường chuyền nghịch hướng di chuyển, lại vào chính khu vực mà đáng lẽ mình phải phụ trách thường khiến các cầu thủ bị "giật mình". Tuấn Anh đã rơi vào trạng thái ấy. Anh lập tức ngoảnh lại theo bóng, bỏ quên Sarach vòng qua sau lưng.

Tình huống ấy diễn ra tiếp lần thứ 2, lần này với Duy Mạnh. Chanathip đập tường quá hay với Dangda để vượt qua Quế Ngọc Hải và Thành Chung. Đội trưởng của Thái Lan ngay sau đó xộc vào chính khoảng trống mà Quế Ngọc Hải bỏ lại khi xộc lên, khiến Duy Mạnh phải bước qua để bọc lót.

Nhưng Chanathip đã có pha xử lý điểm 10. Chính đường chuyền của anh cho Sarach đang băng lên đã khiến Duy Mạnh phản ứng theo, xoay người lại với Sarach. Khi Mạnh nhìn thấy Sarach, thì tiền vệ này đã nhả lại bóng cho Chanathip.

 - Bóng Đá

 Duy Mạnh không chống lại được cả Chanathip lẫn Sarach.

Đây không phải là lần đầu tiên mà tuyển Việt Nam bị các đối thủ khai thác khoảng trống sau lưng hàng tiền vệ, và có lẽ không phải lần cuối cùng dưới triều đại HLV Park Hang-seo.

Vị thuyền trưởng tuyển Việt Nam không đưa ra những quyết định quá đỗi sai lầm về chiến thuật. Sự lựa chọn Văn Toàn xuất phát của ông là có logic, và cách điều chỉnh sang 3-5-2 cũng như những thay đổi nhân sự trong hiệp 2 đều tương đối hợp lý. Trên thực tế, khi Thái Lan trùng xuống, Việt Nam cũng đã có thế trận tốt về cuối trận.

Dù vậy, tối 23/12 trên sân vận động quốc gia Singapore, Thái Lan vẫn là đội chủ động hơn. Họ có màn trình diễn kiệt xuất của Chanathip Songkrasin và cũng đã có một thế trận luôn đi trước chúng ta một bước.

Dũng Lê - Zing.vn | 11:05 24/12/2021
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục