HLV Nguyễn Thành Sự: Chênh vênh giữa trò chơi số phận (kỳ 2)

08:39 Thứ tư 20/05/2015

Sau 8 năm xây dựng Cảng Sài Gòn trở thành một trong những đội bóng mạnh của TP.HCM lẫn cả nước, đến năm 1983, ông Nguyễn Thành Sự chuyển giao ghế thuyền trưởng cho Phạm Huỳnh Tam Lang. Và khi quay về với cuộc sống đời thường, khó khăn bắt đầu vủa vây lấy HLV danh tiếng này...

Buồn, vui với số phận

Sau khi chia tay với bóng đá đỉnh cao, HLV Nguyễn Thành Sự về làm một nhân viên của phòng TDTT Q4 với đồng lương ít ỏi. Thời gian này, tướng Sự ngoài công việc phụ trách bộ môn bóng đá ở nơi mình công tác, đôi lần ông cũng nhận lời dẫn dắt những đội bóng nho nhỏ như Sóc Trăng, rồi Cần Thơ ở các giải đấu hạng thấp theo kiểu thời vụ.

Rồi bóng đá, hay nói cách khác nguồn thu nhập chính của ông cũng chẳng thể kéo dài mãi khi đến tuổi nghỉ hưu, rồi tuổi già kéo đến, nhất là lúc bóng đá cũng khác xưa rất nhiều.

Và lẽ ra, khó khăn cũng chẳng phải quá lớn nếu như căn nhà ông mua bên Q4 không bị giải tỏa. Số tiền đền bù thực tế không quá nhiều nhặn để có thể ngoài việc mua một căn nhà nhỏ hơn để vợ chồng ông sinh sống.

Nguyễn Thành Sự (bìa phải) lúc còn trẻ.

Đến giờ, khi tuổi cũng đã già, vợ ông cũng không thể chạy chợ như trước thì mọi thu nhập chỉ víu vào số tiền tích cóp của "hậu phương" bao năm bán hàng tạp hóa còn lại.

Ông bảo: "Mấy đứa nhỏ cũng chẳng thể gọi là dư giả, nếu như không muốn nói là khó khăn nên thôi, mình cứ tự túc được chừng nào hay chừng ấy," khi được hỏi về cuộc sống hiện tại.

Bây giờ, ở cái tuổi gần đất xa trời, cựu HLV danh tiếng này tính bán căn nhà đang ở (đi ở nhà thuê) để lấy tiền gửi ngân hàng đặng có tiền lời để sinh sống.

Cũng là cám cảnh, bởi sau khi rời CLB CSG trở về làm một viên chức, thời gian làm việc lại không đủ thâm niên nên khi nghỉ hưu, ông cũng chỉ nhận "một cục" chứ không có lương hưu để bấu víu lúc tuổi già.

Để con cái khỏi bận tâm, ông cũng tính luôn đến chuyện hậu sự cho chính mình và vợ khi cho hay: "Chúng tôi cũng đã làm thủ tục để hiến xác cho y học rồi. Chết là hết, phiền đến người sống làm gì...".

Nghe ông nói thế, làm sao không thể không mủi lòng cho một con người có không ít đóng góp cho bóng đá TP. Nhưng đáp lại, cựu HLV của Cảng chỉ cười tươi rồi nói: "Đó cũng là cách mình lưu lại điều gì đó có ích cho cuộc đời mà..."

Vẫn đau đau với bóng đá nước nhà

Cựu HLV này nói rằng, ông vẫn theo dõi từng bước phát triển của bóng đá nước nhà, từ V-League, ĐTQG rồi tới cả đội bóng U19 hay lứa cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh sau này.

Ông giờ dù chật vật với cuộc sống nhưng vẫn luôn quan tâm đến sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Ông đánh giá: "Ngày xưa cầu thủ thời chúng tôi cả đội có khi chẳng ai biết thuốc lá, hoặc nếu có cũng chỉ 1, 2 người thôi. Rượu bia cũng là cực ít, họa hoằn lắm là ở những buổi tiệc liên hoan mới dùng đến nên ai cũng có thể lực tốt khi vào sân.

Còn giờ, các cầu thủ của mình có nhiều thú vui quá thành thử vấn đề thể lực vẫn là rào cản lớn để bóng đá mình phát triển.

Tôi cũng theo dõi U19 Việt Nam, thực sự đây là các cầu thủ có kỹ thuật tốt. Nhưng rõ ràng thể lực chưa "ngon" lắm để phát huy nền tảng kỹ thuật ấy. Bay bướm thôi là chưa đủ, bóng đá cần có sức mạnh nữa."

Hỏi ông rằng, liệu SEA Games tới đội tuyển U23 sẽ thành công hay không, cựu HLV danh tiếng này chia sẻ nỗi lo lắng lớn nhất chính là việc xác định mục tiêu từ chính chuyện "một nách hai con" của ông thầy người Nhật.

"Xác định chơi ở sân chơi nào là chính mới có thể đưa ra giáo án huấn luyện, theo dõi sát được các cầu thủ tiến bộ đến đâu. Chứ nếu cứ loay hoay giải nào cũng muốn thành công thì khó lắm.

Ngày xưa, tôi đi làm thời vụ cho các đội bóng như Sóc Trăng, Cần Thơ đã thấy rồi. Thất bại toàn diện vì không thể chuyên tâm cũng là từ đó mà ra. Nhưng có lẽ bóng đá giờ khác, nên thôi cũng chẳng đánh giá gì nhiều...

Tôi chỉ mong rằng, SEA Games tới đội bóng của mình vô địch chứ lâu quá rồi chúng ta chưa đoạt HCV ở sân chơi này," ông nói về sự kỳ vọng của mình với lớp trẻ.

Mai Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục