HLV Nguyễn Thành Sự: Chênh vênh giữa trò chơi số phận

09:22 Thứ hai 18/05/2015

Ở cái tuổi gần đất xa trời, lẽ ra người ta sẽ phải được sống an vui, quây quần bên con cháu. Nhưng, cựu tuyển thủ đội tuyển miền Nam Việt Nam, cựu HLV trưởng - người đặt nền móng cho thành công của Cảng Sài Gòn, ông Nguyễn Thành Sự lại không có được phúc phận ấy. Tuy nhiên, với ông những mất mát hay khó khăn trong cuộc đời này chỉ là một điều gì đó rất vô thường...

Bài 1: Người tỉnh lẻ và công trình mang tên Cảng Sài Gòn

Có thể trong thế hệ cầu thủ của mình, Nguyễn Thành Sự không phải là cái tên xuất chúng nhất. Nhưng, nói về tài cầm quân thì ai cũng phải nể phục, xếp nhất nhì bóng đá miền Nam trước 1975, và thời kỳ đầu sau khi đất nước thống nhất.

Và một trong những công trình vĩ đại nhất mà người đàn ông gốc miền Tây này chính là biến Cảng Sài Gòn trở thành một đội bóng đáng xem nhất dải đất hình chữ S.

Từ người tỉnh lẻ...

Đến nhà ông Sự vào buổi sáng cuối tuần, căn nhà nhỏ chỉ có 2 ông bà đang ngồi đọc báo. Cựu thuyền trưởng của CSG và người bạn đời của mình tỏ rất vui khi có khách đến thăm.

Nguyễn Thành Sự với Cúp VĐ trung khu Á châu (ngoài cùng bên trái).

Khi biết được ý định muốn được nghe kể về nghề, nói chuyện về bóng đá, ông già đã ngoài 80 vui và hoạt bát lên hẳn như trẻ lại thêm nhiều tuổi với ký ức đẹp đẽ ở thời thanh niên của mình.

Cựu HLV Nguyễn Thành Sự kể: "Quê tôi ở tận miền Tây, từ hồi bé thích đá banh rồi cũng tập tành này nọ trước khi đá cho đội Cần Thơ từ hồi thập niên 4-50 của thế kỷ trước.

Thời đó, cứ cuối tuần tôi hay lên Sài Gòn đá "chầu" cho đội Thương Cảng rồi lại nhảy xe đò về lại Cần Thơ. Cũng ở những lần như thế, tôi chính thức được tuyển vào đội bóng thuộc hạng Danh dự của bóng đá Sài thành lúc bấy giờ.

Cũng nhờ cơ duyên hay được mời lên đá khi đội thiếu người ấy, tôi cũng được lọt vào đội hình để đi tham dự 2 giải đấu là SEAP Games 1959 cũng như giải Trung khu Á châu sau đó..."

Tuy nhiên, sự nghiệp cầu thủ của người đàn ông tuổi Thân này không kéo dài quá lâu, bởi ông bảo rằng "nói thật rằng, thời điểm của tôi bóng đá miền Nam nhiều cầu thủ giỏi lắm.

Trong màu áo Thương Cảng.

Chẳng những nhiều cầu thủ tài năng xuất chúng như Phạm Văn Rạng, Nguyễn Ngọc Thanh, Hà Tam... mà việc tuyển chọn thành viên cho ĐTQG tham dự cũng khắt khe, lẫn số lượng chỉ 17-18 người là nhiều thì không có cơ hội cho những cầu thủ như tôi."

Và chính việc bóng đá Sài Gòn sản sinh ra quá nhiều cầu thủ tài năng như thế cũng là bước ngoặt để sau khi có mặt ở đội tuyển thanh niên VNCH vào năm 1961 ông Sự đã tính phương án để đi học lấy bằng HLV...

.... đến tượng đài của bóng đá Sài thành

Năm 1967, ông tham dự khóa đào tạo HLV túc cầu quốc tế do Tổng cuộc túc cầu Việt Nam dưới sự bảo trợ của FIFA và AFC (khi đó còn được gọi là tổng cuộc túc cầu quốc tế & Á châu) trước khi chính thức có tấm bằng tốt nghiệp 2 năm sau đó.

Có tấm bằng HLV, ông Sự bắt đầu làm việc cho đội Thương cảng, rồi trợ lý HLV ĐTQG cho ông Trần Văn Thông vài năm trước khi chính thức nằm quyền ở đội tuyển VNCH tham dự Merdeka lần thứ 17, rồi SEA Games lần thứ 7 tại Singapore.

Ở đại hội thể thao khu vực lần thứ 7 đó, ông Sự cũng đã đưa đội tuyển có tấm HCB, và trước đó là hạng 5/10 tại Cúp Merdeka được tổ chức ở Malaysia.

Cho đến ngày đất nước thống nhất, ở trận đấu đầu tiên giữa 2 miền Bắc - Nam, HLV Nguyễn Thành Sự đã vinh dự là người dẫn dắt đội bóng Cảng Sài Gòn (tiền thân là đội Thương khẩu) để thi đấu với đội Đường Sắt.

Bằng HLV FIFA của ông Sự.

Cũng không lâu sau đó, ông chính thức trở thành HLV đầu tiên của đội bóng có tên Cảng Sài Gòn để tham dự giải Cửu Long (dành cho các đội bóng mạnh ở phía Nam) trước khi tham dự giải vô địch toàn quốc ít năm sau khi thống nhất đất nước.

Có thể nói rằng, thời gian ngắn ngủi làm HLV trưởng đội tuyển VNCH rồi tới CSG sau khi thống nhất đất nước chính là quãng thời gian hạnh phúc nhất của tướng Sự.

Ngoài thành tích đạt được với 4 lần đoạt chức vô địch A1 TP.HCM với CSG, hay những giải đấu thành công với đội tuyển VNCH trước đó, ông Sự bảo, ông còn được làm nghề đúng nghĩa.

Làm nghề đúng nghĩa theo vị HLV kỳ cựu này chính là được sử dụng kiến thức được học từ ông thầy danh tiếng đến từ Đức - Dettmar Cramer, cũng như những tích lũy từ thời chơi bóng còn Pháp thuộc.

Tư duy chơi bóng lãng mạn của người Pháp, thêm vào đó là chút thực dụng của người Đức và có trong tay nhiều cầu thủ giỏi, HLV Nguyễn Thành Sự đã biến CSG trở thành một biểu tượng của bóng đá đẹp, hiệu quả.

Chính cũng từ nền móng này, CSG sau đó dưới thời của HLV Phạm Huỳnh Tam Lang đã có vài chức VĐQG bằng lối chơi quyến rũ nhưng không kém phần mạnh mẽ như thế...

Cuộc đời của HLV Nguyễn Thành Sự tưởng chừng sẽ là viên mãn với nghề, với người vợ thảo cùng 3 người con trai ngoan. Nhưng giờ người thầy của rất nhiều thế hệ cầu thủ bóng đá Sài thành đang chật vật với cuộc sống mưu sinh...

Bài 2: Chênh vênh giữa trò chơi số phận

Mai Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục