Hiểm họa nơi hàng phòng ngự U23 Việt Nam

19:57 Thứ hai 11/12/2017

TinTheThao.com.vnGiành chiến thắng giòn giã trước Myanmar thế nhưng các thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn còn rất nhiều điều phải làm. Trong đó, nổi bật nhất là việc “nâng cấp” hệ thống phòng ngự.

1. Cầu thủ chạy cánh- "tử huyệt" của đội hình 3-4-3

Áp dụng sơ đồ chiến thuật 3-4-3 trong trận đấu đầu tiên ra mắt với cương vị HLV trưởng U23 Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã tạo ra một tiếng vang lớn khi mang về chiến thắng xứng đáng trước Myanmar. Thế nhưng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, các cầu thủ Việt Nam vẫn chưa thích nghi được với sơ đồ này.

 - Bóng Đá

 Văn Toàn thừa nhận anh vẫn chưa quen với sơ đồ chiến thuật 3-4-3.

Tiền vệ Văn Toàn chia sẻ: “U23 Việt Nam chơi với sơ đồ 3-4-3 nên ở một số thời điểm vẫn vận hành chưa tốt. Riêng với tôi và các cầu thủ HAGL do đã đá sơ đồ này rồi nên cũng không vấn đề gì. Tôi nghĩ một thời gian nữa tất cả sẽ quen thôi."

Từ đó mới thấy rằng sơ đồ này tuy rất phù hợp với phẩm chất của các cầu thủ U23 Việt Nam nhưng nó vẫn còn một số bất cập. Và ta phải nhìn nhận vẫn còn rất nhiều lỗi trong hệ thống phòng ngự mà sơ đồ này chính là khoảng trống giữa 2 cầu thủ chạy cánh và 2 trung vệ biên. Có thể nói, đây là điểm yếu và minh chứng là A Hoàng dù rất cố gắng nhưng vẫn không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình trong suốt hiệp 1 ở hành lang cánh phải. Để rồi HLV Park đã phải kéo hậu vệ HAGL vào trong đá trung vệ cùng Đình Trọng và Duy Mạnh, chuyển Văn Thanh sang trấn giữ hành lang phải, Văn Hậu đá dâng cao ở cánh trái.

Khi các cầu thủ chạy cánh không thể phán đoán tình huống cũng như không còn đủ thể lực để đảm bảo vị trí thì sẽ vô tình tạo ra một khoảng trống "mơ ước" dành cho các cầu thủ tấn công của đối phương.

Vị trí này rất khó đá nhưng lại mang tính chất quyết định đến thành bại của cả hệ thống phòng ngự của sơ đồ 3-4-3. Chính vì thế mà HLV Antonio Conte đã rất chỉnh chu, “cầm tay chỉ việc” cho Victor Moses khi Chelsea quyết định chuyển sang áp dụng sơ đồ 3-4-3, trước khi họ băng băng về đích và vô địch Ngoại hạng Anh ở mùa giải năm ngoái.

2. “Tác dụng phụ” của phòng ngự nhóm

U23 Việt Nam đã tạo ra được một thế trận lấn lượt và phòng ngự nhóm, pressing cực kỳ kín kẽ trong 30 phút đầu hiệp 1. Thế nhưng, sau đó, bỗng chốc các học trò của HLV Gerd Zeise đã tìm ra điểm yếu của cách phòng ngự này. Họ dùng nhiều những pha đảo cánh.

 - Bóng Đá

 Các cầu thủ Myanmar (trắng) thường xuyên tạo ra các cơ hội bằng những pha chuyền lật cánh.

Tình huống tạo sóng gió của các cầu thủ áo trắng ở phút thứ 35 là một dẫn chứng rõ ràng cho “tác dụng phụ” của hệ thống phòng ngự nhóm của U23 Việt Nam. Sau pha lật cánh của đồng đội, Sithu Aung nhận bóng ở cánh trái trong tư thế không người kèm, đi bóng vào trung lộ trước sự lúng túng của các trung vệ Việt Nam trước khi tung ra cú sút nguy hiểm về phía thủ thành Tiến Dũng. Rất may là cú sút chưa đủ khó để trở thành bàn thắng nhưng đó là hồi chuông cảnh tỉnh hàng phòng ngự của đội bóng áo đỏ.

Vì thế việc pressing trong phạm vi hẹp từ tuyến trên dễ dàng tạo ra những khoảng trống thuận lợi ở cánh đối diện và đối phương lập tức "bắt bài" bằng những đường mở bóng dài. Thêm vào đó, thể lực của các cầu thủ Việt Nam chưa đủ khỏe để có thể duy trì kiểu phòng ngự này đến phút cuối cùng của trận đấu. Và khi đã xuống sức thì chúng ta rất dễ bị vỡ trận.

3. Mất bóng ở tuyến trên

Sơ đồ chiến thuật của HLV Park Hang-seo sử dụng trong trận đấu với Myanmar vô cùng linh hoạt. Lúc tấn công thì 3-4-3, 3-5-2, khi phòng ngự thì 5-3-2 hay 5-4-1. Chính điều này đã tạo nên một thế trận chủ động và giúp đội nhà hạn chế rất nhiều sức mạnh của đối thủ.

Tuy nhiên vẫn còn đó những sai lầm nguy hiểm nếu không được loại bỏ thì ắt hẳn U23 Việt Nam sẽ phải trả giá rất đắt. Đó chính là việc các cầu thủ tuyến trên thường xuyên làm mất bóng qua đó tạo cơ hội cho đối phương. Và nếu đối thủ của thầy trò HLV Park không phải là một Myanmar mà là các đối thủ lớn tại VCK U23 châu Á thì có lẽ số phận trận đấu đã đi theo một hướng khác.

Bởi lẽ khi chỉ có 3 trung vệ giăng ngang thì bất cứ pha làm mất bóng nào từ tuyến giữa cũng có thể tạo ra những sóng gió cho khung thành đội nhà, nhất là khi các cầu thủ chạy cánh đang dâng cao.

 - Bóng Đá

 Tuy đã có một trận đấu bùng nổ nhưng Công Phượng vẫn thường xuyên để mất bóng sau những pha đi bóng "cạn ý tưởng".

Công Phượng – Quang Hải đã để lại dấu ấn đậm nét khi đã cống hiến những bàn thắng đẹp cùng thế trận tấn công rực lửa. Nhưng cũng chính bộ đội này chưa thật ăn ý và làm mất quyền kiểm soát bóng một cách đơn giản. Đó là khi Công Phượng rê dắt bóng cạn ý tưởng đến nỗi phải rê dắt bóng ra tận đường biên đường biên rồi để mất bóng. Trong khi Quang Hải lại “nhường bóng cho đối phương” sau những đường tạt cánh không địa chỉ.

Hẳn ta vẫn chưa quên cứ trượt chân thảm họa của Steven Gerrard  trong trận cầu mang tính quyết định đến ngôi vương với Chelsea ở Ngoại hạng Anh mùa giải 2013-2014. Từ đó mới thấy những pha mất bóng quá dễ dàng của U23 Việt Nam khi các cầu thủ Myanmar tổ chức bao vây và áp sát nên được cải thiện trong những trận đấu sau này.

U23 Việt Nam đã có một trận đấu hay từ các bàn thắng đẹp mắt của hàng công. Song, bên cạnh đó hàng thủ đội bóng áo đỏ vẫn còn lộ ra nhiều vấn đề về vị trí cầu thủ chạy cánh, cách phòng ngự pressing và cầm chắc bóng ở tuyến giữa. Nếu không muốn lâm vào tình trạng “công làm- thủ phá” nghiệt ngã thì HLV Park Hang-seo nên “triệt tiêu” những lỗi còn tồn tại ở hàng phòng ngự để tạo nên một U23 hoàn thiện hơn.

Đăng Huy - BongDa.com.vn - TTVN | 14:35 11/12/2017
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục