Hậu VTV Cup: Nhìn Thái rồi ngẫm đến ta

18:51 Thứ sáu 30/05/2014

(TinTheThao.com.vn) - Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, người ta mới lại thấy tuyển nữ Việt Nam thay máu mạnh mẽ đến thế ở VTV Cup. Song tạm gác lại những thành công bước đầu với chức vô địch, giới mộ điệu bóng chuyền đang tự hỏi liệu Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) đã có những kế hoạch gì ở hậu VTV Cup để nuôi dưỡng và phát triển một thế hệ trẻ đầy tiềm năng.

1. 4 năm trôi qua, các chân dài Việt Nam mới được ca khúc khải hoàn ngay trên quê nhà. Dù chỉ là một giải đấu giao hữu, song không phủ nhận chiến thắng tại VTV Cup đã phần nào gỡ gạc lại hình ảnh của bóng chuyền nước nhà vốn nhiều năm chìm nghỉm tại sân chơi châu lục.

Thế nhưng, sau chiến thắng ngọt ngào ấy, có một thực tế là hầu hết các tuyển thủ đã được trả về CLB và VFV cũng chưa có bất cứ một động thái nào về kế hoạch tập trung trở lại. Các tay đập mang tiếng trẻ như Bùi Thị Ngà, Hà Ngọc Diễm hay Trần Thị Thảo đều đã quá tuổi đánh giải trẻ, và việc đầu tư cho lứa cầu thủ này cũng chưa hề được lên phương án.

Chưa chắc người hâm mộ sẽ lại được thấy những hình ảnh này ở kỳ VTV Cup năm sau.

Với cách làm còn nặng về tính "thời vụ", e rằng tuyển nữ được tập trung thi đấu tại VTV Cup vừa qua cũng chỉ là phương án đối phó dư luận của VFV. Không chỉ riêng bóng đá nữ, mà các lãnh đạo của môn bóng chuyền nữ bao năm qua vẫn trung thành với phương án "không trồng nhưng lại mong thu quả". Việc đào tạo VĐV phó mặc cho CLB và khi cần thì dùng mọi cách gọi lên, khiến CLB không chịu nhả quân, hay có lên thì cũng thi đấu không thật sự máu lửa. Và đó thật sự là một bài toán nan giải.

2.Những ai chứng kiến màn trình diễn của tuyển Việt Nam - Thái Lan ở trận chung kết VTV Cup đều phải công nhận, chúng ta thắng người Thái ở tỷ số, ở sự cổ vũ của khán giả nhà. Còn ở lối chơi, ở sự sắc nét trong cách tổ chức tấn công thì ta vẫn sau người Thái một bậc.

Nhiều người tự hỏi làm thế nào để các cầu thủ Thái, phần lớn mới trên dưới 20 lại có thể triển khai một lối chơi linh hoạt, ăn ý đến vậy. Thật ra, để có được thành quả như hiện tại, bóng chuyền xứ sở chùa vàng đã biết tiếp thu sự tinh túy trong lối chơi của một trong 3 nền bóng chuyền mạnh nhất thế giới, mà cụ thể hơn là Nhật Bản.

Bóng chuyền thiếu niên ở Thái:

Ở Thái, bóng chuyền được phân ra làm nhiều cấp độ (U), từ U12, U14 cho tới U18 và đội tuyển quốc gia. Và mỗi cấp độ lại bao gồm nhiều đội (đội A, đội B). Ngoài thời gian thi đấu các giải trong nước, quốc tế, các cầu thủ được gọi tập trung dài hạn cho những mục tiêu rất cụ thể.

Mỗi đợt tập trung, Liên đoàn thường gọi từ 30 đến trên dưới 40 cầu thủ với tiêu chí không bỏ sót bất cứ tài năng nào. Sau đó, họ bỏ hẳn ra vài tháng để rèn thể lực cho các tay đập, tiếp đến là lắp ráp đội hình và chốt danh sách trước thềm các giải đấu lớn. Thêm nữa, những nhà lãnh đạo của Liên đoàn bóng chuyền Thái Lan rất biết cách ngoại giao để "lôi" về nước những giải tầm cỡ như FIVB World Grand Prix, giải trẻ thế giới U18, U20 cho tới hàng loạt sân chơi giao hữu khác.

Trẻ về tuổi đời, song các cầu thủ Thái không hề trẻ trong lối chơi.

Mỗi năm, người Thái đều cử đội hình đi tập huấn ở châu Âu để các cầu thủ không còn cảm thấy choáng ngợp khi đối diện với những tay đập có chiều cao từ trên 1m90 cho đến 2m ở các giải đấu chính thức của Liên đoàn bóng chuyền thế giới (FIVB). Đó là lý do tại sao họ từng thắng cả Nga, Hà Lan, Ba Lan lẫn Mỹ và Cuba.

Cuối tháng 5 vừa qua, trong khi đội hình trẻ Thái đang tham dự VTV Cup ở Việt Nam, thì một đội trẻ khác của Thái lại đang tập huấn ở Italia. Với nguồn nhân lực dồi dào như vậy, không khó hiểu khi Thái Lan luôn trình làng những gương mặt mới ở mỗi lần sang Việt Nam đánh các giải giao hữu.

Suy cho cùng, ta không thua người Thái ở yếu tố con người, thậm chí là cầu thủ của ta nhiều khi còn trội hơn về thể hình so với họ. Song cách làm không bài bản, ăn xổi và đặc biệt là không có bất cứ một chiến lược cụ thể nào khiến các tay đập trẻ của ta cứ mãi bị gắn mác tiềm năng mà không bao giờ lớn được.

Nam Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục