Góc nhìn: Manchester United sau 10 năm dưới quyền sở hữu của nhà Glazer (Kỳ 2)

20:52 Chủ nhật 17/05/2015

(TinTheThao.com.vn) – Trong tuần vừa qua là thời gian chính thức đánh dấu thời gian 10 năm câu lạc bộ bóng đá Manchester United hoạt động dưới quyền sở hữu và điều hành của nhà Glazer. Những ông chủ người Mỹ đã đến Old Trafford và giờ là thời điểm thích hợp để nhìn nhận lại thời gian đã qua và những điều họ đã làm được ở một trong những câu lạc bộ của môn thể thao vua hùng mạnh nhất thế giới hiện nay.

Nợ nần

United đã không có nợ cho đến năm 2005, thời điểm mà nhà Glazer bắt đầu tiếp quản câu lạc bộ chủ sân Old Trafford. Phần lớn số tiền trong khoản 750 triệu bảng mà giới chủ Mỹ dùng để mua lại Quỷ đỏ được vay từ ngân hàng nên rất dễ hiểu khi câu lạc bộ phải gánh những khoản nợ từ ông chủ của mình, đặc biệt là từ số tiền lãi mà họ buộc phải trả.

Có nhiều cổ động viên United không quen với điều đó khi trước đây câu lạc bộ được kiểm soát của một hội đồng cổ đông đại diện cho toàn bộ người hâm mộ và tiền riêng do chính họ kiểm soát. Vì thế đã có rất nhiều cuộc biểu tình để phản đối sự thống trị của nhà Glazer ở câu lạc bộ để đòi hỏi sự minh bạch về các khoản nợ “trời ơi đất hỡi” mà United phải còng lưng gánh trả này.

Đỉnh điểm sự thất vọng này là vào giai đoạn 2009-2011 khi số nợ của United lên đến khoản tiền kỷ lục – 750 triệu bảng. Những hội cổ động viên United liên tục đưa ra những phong trào tẩy chay câu lạc bộ nhằm gây áp lực trực tiếp đến nhà Glazer. Nổi bật là việc người hâm mộ liên tục sử dụng các chiếc khăn màu vàng xanh – màu áo đầu tiên của câu lạc bộ khi được thành lập dưới cái tên Newton Heath vào năm 1878 để thể hiện việc các ông chủ người Mỹ phải trả câu lạc bộ về như cũ.

Đã có một câu lạc bộ khác, một United – FC United được thành lập để nhằm thay thế Manchester United bị cho rằng ngày càng mất bản chất. Sau khi tiếp quản, giá vé ban đầu tăng mạnh. Một vé mùa đứng ở khu vực khán đài phía Đông nổi tiếng là Stretford End tại Old Trafford đã tăng gần 30% từ 494 bảng đến 665 bảng giữa năm 2006 và 2009. Mùa giải này đó là 705 bảng. Rõ ràng người hâm mộ United tỏ ra không hài lòng, thậm chí bất mãn với các ông chủ người Mỹ. Họ cho rằng những con người đến từ xứ Cờ hoa không yêu thích gì bóng đá mà chỉ coi đây là công cụ kiếm lời cho bản thân.

Tuy nhiên bằng sự lọc lõi cùng khả năng kinh doanh, tầm nhìn xa trông rộng của những thương nhân giàu kinh nghiệm, nhà Glazer bình tĩnh vượt qua các áp lực. Họ bắt đầu kiểm soát được các khoản nợ. Đến cuối năm 2014, United đã thành công trong việc giảm nợ từ 750 triệu bảng xuống còn 380,5 triệu bảng. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng Quỷ đỏ vẫn liên tục làm ăn có lãi và xứng đáng trở thành câu lạc bộ bóng đá có thương hiệu đắt giá nhất hành tinh.

Các khoản nợ được tái cấp vốn để giảm lãi suất. Việc cung cấp trái phiếu 500 triệu bảng Anh đã được đưa ra vào tháng Giêng năm 2010 trên thị trường chứng khoán rõ ràng là một canh bạc của nhà Glazer. Ban đầu, nhiều người lo lắng về việc lần đầu tiên có một câu lạc bộ bóng đá phát hành trái phiếu như một doanh nghiệp.

Nhiều cảnh báo được đưa ra trong trường hợp thất bại, United sẽ phải gánh chịu hậu quả thê thảm, thậm chí phải phá sản nhưng nhà Glazer biết rằng Manchester United không đơn thuần chỉ là một câu lạc bộ bóng đá mà là một thương hiệu kinh doanh toàn cầu. Xoay quanh câu lạc bộ này là cả một hệ thống các dịch vụ, trung tâm, nhà hàng, khách sạn,… có phạm vi trên toàn thế giới.

Hơn thế nữa United là câu lạc bộ bóng đá có số lượng người hâm mộ đông nhất hành tinh và việc sở hữu một trái phiếu tức là người đó đã đến gần hơn với tình yêu của mình. Rõ ràng đây là một canh bạc thành công khi những trái phiếu bước đầu đã đem lại lợi nhuận lớn cho M.U nói chung và gia đình Glazer nói riêng. Ngoài ra, việc thu hút những bản hợp đồng tài trợ kỷ lục cùng lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh là nguyên nhân lý giải cho việc nhà Glazer đang sử dụng quyền sở hữu Manchester United của mình thành công, ít nhất trên mặt trận kinh doanh.

Doanh thu tài trợ kỷ lục

Năm 2005, ngay sau khi tiếp quản M.U, nhà Glazer đã có cuộc tiếp xúc và bàn bạc với Vodafone – nhà tài trợ chính của câu lạc bộ khi đó. Hãng viễn thông này chỉ đồng ý tài trợ cho Quỷ đỏ mỗi năm 9 triệu bảng để có tên thương hiệu được in trên màu áo Quỷ đỏ. Ngay lập tức, Joel Glazer – đồng chủ tịch tỏ rõ sự không hài lòng. “Họ cảm thấy 9 triệu bảng hoàn toàn là thấp so với việc được quảng bá rộng khắp trên toàn thế giới gắn liền với một thương hiệu toàn cầu như United,”kênh MUTV cho biết.

Và Vodafone chỉ tài trợ cho M.U đến năm 2006, tức là chỉ hai năm sau khi họ ký hợp đồng tài trợ cho câu lạc bộ giàu thành tích nhất nước Anh. Thay thế của họ, công ty bảo hiểm Mỹ AIG, đã trả giá 14 triệu bảng một năm. Khi họ không thể đổi mới, AON đã đồng ý một thỏa thuận 80 triệu bảng trong vòng bốn năm.

Hãng xe Chevrolet hiện nay có một bản hợp đồng tài trợ 361 triệu bảng trong vòng bảy năm. Dù AON đã hết hợp đồng tài trợ chính nhưng họ vẫn thông qua khoản tiền 18 triệu bảng một năm trong vòng năm năm để tài trợ cho sân tập của United và áo tập của cầu thủ. Và đáng chú ý nhất là việc hãng thể thao khổng lồ của Đức là Adidas đã hất cẳng địch thủ Nike trong việc được sản xuất áo đấu cho Man United.

Một bản hợp đồng 10 năm được kí kết với tổng khoản tiền kỷ lục là 750 triệu bảng giữa United với Adidas. Cần biết rằng, nhà đương kim vô địch Premier League Chelsea cũng chỉ được Adidas tài trợ 300 triệu bảng trong 10 năm. Theo thống kê, United đang là câu lạc bộ bóng đá sở hữu số lượng các nhà tài trợ nhiều nhất trên thế giới - khoảng 40 nhà tài trợ ở khắp các lĩnh vực trên toàn thế giới.

Điều này là minh chứng cho việc M.U luôn trong top những câu lạc bộ có giá trị cao nhất. Khi United công bố bản báo cáo tài chính năm 2013-2014 thì doanh thu thương mại của họ là 189,3 triệu bảng – tức là vượt qua toàn bộ doanh thu bao gồm doanh thu trận đấu ngày, thu nhập phương tiện truyền thông và thương mại kết hợp của 4 đối thủ chính ở giải Ngoại hạng.

Điều đó giải thích cho việc họ sẵn sàng đền bù trong việc sa thải David Moyes trong bản hợp đồng 5 năm, tạo điều kiện cho HLV Louis Van Gaal mua sắm thoải mái không chỉ ở năm ngoái mà còn cả ở mùa hè năm nay. Đơn cử như việc tân binh Memphis Depay đã cập bến Old Trafford với giá 28,5 triệu bảng dù thị trường chuyển nhượng hè chưa mở cửa.

Chắc chắn sẽ lại là một mùa hè bạo chi nữa của Quỷ đỏ. Nên nhớ rằng United không được tham gia Champions League mùa giải 2013-2014 này và chỉ nhờ sức mạnh tài chính khủng khiếp mới giúp họ có thể mua sắm một cách thoải mái như vậy.

Thương hiệu hấp dẫn toàn cầu

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu thị trường Kantar đặt trên toàn thế giới đã cho biết số lượng người hâm mộ Manchester United trên toàn thế giới là khoảng 659 triệu người. Gần một nửa (325 triệu) sống ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Một ví dụ tiêu biểu là ngay ở Việt Nam, số lượng các cổ động viên của Quỷ đỏ là rất lớn và luôn nhỉnh hơn các câu lạc bộ khác rất nhiều. Ngoài ra Hoa Kỳ đã được xác định là thị trường thương mại lớn của tương lai cho sự quan tâm ngày càng tăng tại Premier League, một phần nhờ vào vùng phủ sóng rộng của mạng lưới đài truyền hình và các kênh thể thao. Bằng chứng là United luôn dành các tour du đấu mùa hè ở xứ Cờ hoa để quảng bá hình ảnh và giúp người hâm mộ ở đây đến gần các cầu thủ thần tượng của họ hơn.

United đã đàm phán giao dịch tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một cuộc điều tra trước đó của công ty Đức Sport + Markt đưa ra khoản tiền lãi thu được từ những hoạt động này của United là 354 triệu trong năm 2011, trước Chelsea là 135 triệu USD, với Arsenal là 113 triệu, Liverpool 71 triệu và Manchester City 18 triệu.

Quãng thời gian 10 năm cũng là đủ để đánh giá việc hoạt động của một cá nhân, tổ chức nào đó. Tuy không có các kế hoạch cụ thể 5 năm hay 10 năm nhưng một Manchester United dưới quyền sở hữu của gia đình Glazer đã và đang có những thay đổi trong suốt một thập kỷ qua. Dù có những nghi ngờ, đố kỵ hay phản đối nhưng không thể phủ nhận, United đã có một thập kỷ thành công cả trên sân cỏ lẫn kinh tế này.

(Bạn đọc: Anh Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục